Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 17/09/2024 | 02:44

Thứ ba, 17/09/2024 | 02:44

Tin KHCN

Cập nhật lúc 16:00 ngày 19/05/2024

Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương

Đây là chủ đề của hội nghị được Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 19 tháng 5 năm 2024 nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18-5).
Hội nghị nhằm biểu dương và ghi nhận những kết quả hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) trong giai đoạn vừa qua và xác định những ưu tiên triển khai trong giai đoạn tới, đóng góp vào mục tiêu phát triển chung của ngành Công Thương.
Tham dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Hồng Diên, Uỷ viên Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương, lãnh đạo của 21 viện nghiên cứu và 09 trường đại học trực thuộc Bộ cùng lãnh đạo các đơn vị trong Bộ. 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự hội nghị Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương.
Dấu ấn trong nhiều lĩnh vực trọng điểm
Hiện nay, Bộ Công Thương quản lý mạng lưới các viện nghiên cứu gồm: 10 viện nghiên cứu trực thuộc Bộ (09 nghiên cứu chuyên ngành, 01 nghiên cứu chiến lược, chính sách); 13 viện nghiên cứu trực thuộc các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 90 và 919 và một số tổ chức KH&CN tại các trường đại học, cao đẳng thuộc Bộ. Trong những năm qua, hoạt động của các tổ chức KH&CN trực thuộc Bộ Công Thương nói riêng và của ngành Công Thương nói chung đã có đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong ngành; nhiều công trình nghiên cứu khoa học đã đạt được những giải thưởng cao, có ý nghĩa to lớn góp phần phát triển kinh tế - xã hội cũng như tạo lập vị thế về khoa học của Việt Nam trong khu vực và quốc tế.
TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương
Trong lĩnh vực tham mưu chính sách, TS. Lê Huy Khôi - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương cho biết, trong giai đoạn vừa qua, Viện đã tham mưu xây dựng gần 30 chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại, trên 100 quy hoạch tổng thể phát triển ngành, hơn 200 quy hoạch phát triển của địa phương. Đồng thời, chủ trì hàng trăm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cấp Nhà nước, cung cấp luận cứ khoa học phục vụ xây dựng chiến lược, chính sách phát triển ngành.
Kết quả nghiên cứu của Viện đã góp phần quan trọng cả về mặt lý luận và thực tiễn cho xây dựng các chiến lược phát triển ngành, đóng góp tích cực vào việc cung cấp luận cứ khoa học cho công tác xây dựng, hoạch định chính sách quản lý nhà nước của Bộ Công Thương. 
TS. Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí
Trong lĩnh vực cơ khí, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã đạt được nhiều thành công trong các lĩnh vực tự động hoá, khai thác và chế biến khoáng sản, thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng mới, sản xuất vật liệu xây dựng. Theo đó, Viện làm chủ công tác tính toán, thiết kế, tích hợp các hệ thống tự động trong các nhà máy công nghiệp; có đủ năng lực trở thành tổng thầu của nhiều công trình, dự án lớn trong các lĩnh vực như khai thác và chế biến khoáng sản, thuỷ điện, nhiệt điện, năng lượng mới, sản xuất vật liệu xây dựng,.v.v…
''Với các thành công trên đã khẳng định hướng đi đúng đắn của Viện trong việc kết hợp xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ gắn liền với quy hoạch phát triển các ngành kinh tế của đất nước để tạo ra các sản phẩm truyền thống, lâu dài. Bên cạnh đó, tận dụng được nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước trong nghiên cứu làm chủ công nghệ các hệ thống khó, phức tạp cho các dự án đầu tiên, để tự chủ trong các dự án tiếp theo; góp phần từng bước nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước, nâng cao vị thế của các nhà khoa học Việt Nam với ý chí tự lực, tự cường trong việc đảm đương các hệ thống có tính chất tương tự trong tương lai. '', TS. Vũ Văn Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu cơ khí nhấn mạnh.
Trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, PGS.TS Vũ Nguyên Thành, Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho hay, Viện đang duy trì bảo tồn gen vi sinh vật với trên 1.500 chủng vi nấm, nấm men, vi khuẩn, plasmid phục vụ sản xuất và phát triển công nghệ; và đưa nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong khai thác, tách chiết dầu, hương liệu và các chất có hoạt tính sinh học từ nguyên liệu trong nước vào thực tiễn.v.v…Trong những năm gần đây, trong bối cảnh công nghệ nước ngoài ngày càng trở nên phổ biến, Viện tập trung phát triển các công nghệ phù hợp với nguồn nguyên liệu trong nước và giải quyết các vấn đề đặc thù của địa phương.
PGS.TS Vũ Nguyên Thành - Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm trình bày báo cáo tại hội nghị.
Trong lĩnh vực dầu khí, đại diện Viện Dầu khí Việt Nam chia sẻ, để thích ứng với xu thế lớn trên toàn cầu là chuyển đổi số và chuyển dịch năng lượng, Viện Dầu khí Việt Nam (VPI) đang tập trung xây dựng hệ sinh thái sáng tạo cho ngành Dầu khí Việt Nam, nghiên cứu phát triển các sản phẩm số ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ tiên tiến để tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả, tạo ra giá trị gia tăng, hỗ trợ ra quyết định và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành năng lượng Việt Nam.
TS. Nguyễn Minh Quý - Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam (VPI)
Đối với khối Trường, Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đơn vị trong khối Trường có hoạt động nghiên cứu khoa học nổi bật. PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong năm 2022-2023, Trường đã thực hiện 01 dự án quốc tế, 05 đề tài cấp Bộ, 12 đề tài cấp Tỉnh/Thành phố, 43 đề tài cấp Trường dành cho giảng viên, trong đó các đề tài khối ngành kỹ thuật chiếm ưu thế do đặc thù ngành đào tạo truyền thống và thế mạnh của Trường. 
PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TP Hồ Chí Minh
KH&CN ngành Công Thương: 05 nhiệm vụ trọng tâm
Tại hội nghị, ông Lý Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ cho biết, mặc dù gặp nhiều khó khăn từ những vướng mắc trong các quy định hiện hành và bối cảnh triển khai, đặc biệt đối với các nhiệm vụ có tính ứng dụng, gắn với doanh nghiệp, tuy nhiên,công tác KH&CN trong ngành Công Thương vẫn ghi nhận những kết quả tích cực.
Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ Lý Quốc Hùng báo cáo kết quả công tác KH&CN giai đoạn 2021-2024 và định hướng ưu tiên triển khai trong thời gian tới.
Ông Hùng cho biết, trong năm 2022-2023, đã có 130 đơn vị trong và ngoài Bộ (riêng khối các Viện nghiên cứu, Trường đại học chiếm 40%) tham gia triển khai thực hiện các đề tài, dự án KH&CN thuộc các Chương trình KH&N cấp quốc gia và cấp Bộ do Bộ Công Thương quản lý. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ đã phê duyệt trong Chiến lược KHCN và đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển ngành Công Thương đến năm 2030, theo đó, ưu tiên hoạt động nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại, số hóa nhằm tạo sự đột phá về trình độ, năng lực sản xuất trong các ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, ưu tiên, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; .v.v… 
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đặt ra 05 nhiệm vụ trọng tâm đối với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành Công Thương.
Nhân kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gửi lời chúc mừng và thăm hỏi tới đội ngũ làm công tác KH&CN; ghi nhận, đánh giá cao những thành tích đã đạt được của các tổ chức, cá nhân làm công tác KH&CN toàn Ngành trong thời gian qua.
Cũng trong Hội nghị, Bộ trưởng đặt ra 05 nhiệm vụ trọng tâm đối với công tác KH&CN của ngành Công Thương, cụ thể: (1) Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong tư duy, hành động; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý; (2) Tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược phát triển KHCN và ĐMST ngành Công Thương gắn với mục tiêu phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, mũi nhọn và xây dựng nền sản xuất độc lập, tự chủ; (3) Thứ ba, chú trọng công tác nghiên cứu, tham mưu xây dựng định hướng, chính sách phát triển ngành Công Thương trong tình hình mới; (4) Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo tại doanh nghiệp; lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể sống động của đổi mới sáng tạo; (5) Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống các tổ chức KH&CN ngành Công Thương trở thành những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng với sứ mệnh dẫn dắt về mặt công nghệ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước; tạo ra các hạt nhân công nghệ cho cuộc cạnh tranh công nghiệp trung và dài hạn; cung cấp công nghệ nền trong các lĩnh vực công nghệ mới nổi cũng như hỗ trợ R&D cho các doanh nghiệp đầu tư dựa vào công nghệ mới.
Các đại biểu tham dự hội nghị Phát huy vai trò của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Công Thương do Bộ Công Thương tổ chức sáng ngày 19/5/2024.
Hà Nguyễn - Phương Loan
lên đầu trang