Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 11/10/2024 | 23:18

Thứ sáu, 11/10/2024 | 23:18

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 09:02 ngày 05/06/2014

Sử dụng xăng E5: Quảng Ngãi đi trước 6 tháng

Theo lộ trình đã được Chính phủ phê duyệt, từ ngày 1/12/2014, xăng E5 sẽ được sử dụng tại 7 tỉnh, thành: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và tỉnh Quảng Ngãi đã đi đến thống nhất thực hiện lộ trình này sớm trước 6 tháng, tức là đến đầu tháng 6/2014, hệ thống bán xăng của PVN và các đơn vị kinh doanh xăng dầu khác sẽ cung cấp sản phẩm xăng E5 đến người tiêu dùng.


Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất đang hoạt động ổn định

Trong buổi làm việc mới đây giữa lãnh đạo PVN và tỉnh Quảng Ngãi, đồng chí Cao Khoa, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh Quảng Ngãi đã cùng Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Miền Trung (PV Oil Miền Trung) và Công ty CP Nhiên liệu sinh học Dầu khí Miền Trung (BSR-BF) ký biên bản ghi nhớ, theo đó sẽ xem xét thỏa thuận cho PV Oil Miền Trung phát triển mới thêm 10 cửa hàng xăng dầu.

Theo thỏa thuận, tỉnh Quảng Ngãi đề nghị PVN chỉ đạo PV Oil và Công ty BSR-BF nghiên cứu để có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với các tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu tiếp nhận và phân phối nhiên liệu sinh học: cải hoán bồn bể, chính sách hỗ trợ đầu tư, hoa hồng, truyền thông. Xây dựng hệ thống thông tin về xăng sinh học E5 đồng bộ, thống nhất trên phạm vi cả nước; đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá về lợi ích của việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Hỗ trợ người nông dân trồng sắn về khoa học kỹ thuật, thu mua, chế biến sắn lát…

Cần phải nói thêm, Quảng Ngãi là địa phương chiếm ưu thế so với 6 tỉnh, thành phố còn lại trong việc đi trước 6 tháng sử dụng xăng E5. Tỉnh có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất - nơi cung cấp xăng A92 và hệ thống pha trộn hoàn chỉnh; ngoài ra, địa phương này có Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất - sản xuất sản phẩm ethanol, phục vụ pha chế xăng E5. Quỹ đất nông nghiệp đủ lớn để trồng và cung cấp nguyên liệu sắn.

Tuy nhiên, vấn đề phân phối xăng E5 đang gặp khó khăn như: Sở Công Thương Quảng Ngãi nhiều lần làm việc với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) để phối hợp thực hiện việc phân phối xăng E5 sớm trước thời hạn của Chính phủ nhưng việc này vẫn chưa có nhiều tiến triển.

Một khó khăn nữa ở Nghị định 84 về kinh doanh xăng dầu, theo khoản 1, 2 Điều 17 của nghị định này có quy định: "Đại lý chỉ được ký hợp đồng làm đại lý bán lẻ xăng dầu cho một tổng đại lý hoặc một thương nhân đầu mối". Quy định này rất khó áp dụng đối với tổng đại lý, đại lý kinh doanh xăng dầu trong việc phân phối cùng lúc 2 loại xăng: xăng truyền thống và xăng E5. Đây là một khó khăn đã được nhìn ra từ lâu. PVN và tỉnh Quảng Ngãi đã kiến nghị lên Chính phủ sửa một số khoản của Nghị định 84 cho phù hợp với thực tế kinh doanh xăng dầu. Chính phủ đang chỉ đạo các bộ liên quan soạn thảo một nghị định mới thay thế Nghị định 84, trong đó có giải quyết vấn đề trên.

Phải nói rằng, Dự án Nhà máy Bio-ethanol Dung Quất đã đi vào hoạt động là một thành công của PVN trong việc thực hiện công tác sản xuất, cung ứng ethanol ra thị trường. Khi trộn với sản phẩm xăng A92 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đất nước sẽ có một nguồn năng lượng mới thân thiện với môi trường, giúp nông dân vươn lên làm giàu từ nông nghiệp sắn. Nhà máy do Công ty BSR-BF điều hành, được hình thành dưới sự góp vốn của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) 61%, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) 38,75%, Tổng Công ty Dịch vụ tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO) 0,25%. Công suất của nhà máy là 100 triệu lít/năm.

Trong thời gian tới, BSR-BF sẽ thực hiện phối trộn xăng tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, sẽ tiêu thụ được khoảng 60-75% sản lượng của Nhà máy ethanol Dung Quất. Năm 2013, nhà máy đã chạy với công suất 65% - đây là một tỷ lệ khá cao nếu biết rằng khó khăn của nhà máy đang phải gồng mình chịu giá xuất khẩu thấp hơn giá thành sản xuất. Theo ông Đặng Quốc Dũng, Phó giám đốc Công ty BSR-BF cho biết, năm 2014 nhà máy sẽ tăng công suất chạy trung bình lên 80%.

Nhà máy cũng đang tìm kiếm và thử nghiệm các loại nguyên liệu thay thế nhằm đa dạng nguyên liệu đầu vào và giảm giá thành sản xuất. Nhà máy đã thử nghiệm chạy loại nguyên liệu mì C (sắn lát xắt mỏng) được phối trộn với tỷ lệ 20% và đạt kết quả rất khả quan.

Về vùng nguyên liệu sắn, tỉnh Quảng Ngãi chấp thuận quy hoạch phát triển 16.714ha vùng sắn nguyên liệu, có thể đảm bảo 50-55% nhu cầu nguyên liệu của nhà máy vào năm 2015. Lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi cũng đã chỉ đạo từng địa bàn quy hoạch tổ chức triển khai thực hiện tại 12 huyện. Hiện nay, Công ty BSR-BF đã triển khai thực hiện thí điểm phát triển vùng nguyên liệu giai đoạn 1 với khoảng 2.000ha tại huyện Bình Sơn.

Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam sản xuất trên 8 triệu tấn sắn tươi, tương đương 4 triệu tấn khô. Việt Nam xuất khẩu khoảng 1 triệu tấn sắn khô mỗi năm, tương ứng 2 triệu tấn sắn tươi. Các doanh nghiệp trong nước sử dụng cho sản xuất tinh bột sắn khoảng 3 triệu tấn sắn tươi. Như vậy, Việt Nam dư thừa khoảng trên 3 triệu tấn sắn tươi, tương ứng gần 2 triệu tấn sắn khô. Nhu cầu sản xuất ethanol của BSR-BF chỉ sử dụng khoảng 240.000 tấn sắn khô. Như vậy, nguyên liệu không phải là bài toán khó nhất hiện nay.

Cái khó nhất hiện nay chính là xuất khẩu như thế nào cho được giá trong khi nhu cầu trong nước chưa cao. Cho đến thời điểm này, BSR-BF đã sản xuất được trên 35.661m3 ethanol khan, phân phối và bán ra thị trường trong và ngoài nước. Thị trường xuất khẩu hiện nay là Singapore, Philippines… Riêng thị trường Philippines có nhu cầu khoảng 400.000m3/năm, trong khi Philippines chỉ chủ động được 170.000 tấn. Philippines cũng có bạn hàng truyền thống từ Mỹ, nên vào mùa đông, khách hàng Philippines chủ yếu nhập hàng từ Mỹ - đây là "điểm nghẽn" trong xuất khẩu ethanol Dung Quất.

Trao đổi với Báo Năng lượng Mới, ông Đặng Quốc Dũng, Phó giám đốc Công ty BSR-BF cho rằng: "Chúng tôi đã có định hướng phát triển Công ty BSR-BF song hành cùng định hướng phát triển của PVN". Việc phát triển nhiên liệu sinh học là một trong các mục tiêu nằm trong quy hoạch phát triển ngành Dầu khí và là một hướng phát triển ưu tiên đặc biệt. Mục đích của chiến lược phát triển nhiên liệu sinh học của PVN đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2025 là phát triển nhiên liệu sinh học đảm bảo an ninh năng lượng, cải thiện môi trường và nâng cao thu nhập của nông dân.

Việc xây dựng nhà máy sản xuất ethanol tại Quảng Ngãi đã giúp giải quyết công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người nông dân trồng sắn, cũng góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp và nông nghiệp nông thôn tại địa phương.

Với sự tham gia thị trường của các nhà máy sản xuất ethanol khác trên khắp cả nước thì dự kiến nguồn cung ethanol nhiên liệu trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ 100% nhu cầu của thị trường khi Chính phủ bắt buộc pha ethanol vào xăng trên toàn quốc. Những thành công trên của tỉnh Quảng Ngãi chứng tỏ một điều: Quyết tâm của lãnh đạo PVN, tỉnh Quảng Ngãi đã giúp 3 nhà "nhà nước, nhà sản xuất (PVN) và nhà nông" có bước đi phù hợp, vững chắc để đưa sản phẩm xăng E5 sớm được sử dụng ở tỉnh Quảng Ngãi trước 6 tháng so với lộ trình của Chính phủ.

Theo www.pvn.vn

lên đầu trang