Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 21:18

Thứ sáu, 17/05/2024 | 21:18

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:58 ngày 01/08/2014

Khoa học - công nghệ: Giải pháp quan trọng giảm giá thành sản xuất điện

Đó là quan điểm của Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Kiên - Chuyên viên chính của Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Thúc đẩy ngành Điện phát triển

Trong thời gian gần đây, hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ trong ngành Điện đã có những thành tựu lớn, gắn với thực tiễn sản xuất kinh doanh, góp phần quan trọng giúp EVN  đáp ứng nhu cầu về điện phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhiều công nghệ mới, tiên tiến được Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa vào áp dụng  trong tất cả các khâu từ xây dựng nguồn điện, truyền tải điện đến phân phối điện đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ mới đã giúp giảm chi phí đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện


Đơn cử, trong lĩnh vực nguồn điện, EVN đã xây dựng nhiều đập thủy điện áp dụng công nghệ bê tông đầm lăn (RCC) như Thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Vẽ, Bản Chát... Tại Nhà máy Thủy điện Sơn La, việc ứng dụng công nghệ bê tông đầm lăn không chỉ làm giảm giá thành xây dựng mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ toàn bộ công trình về đích sớm 3 năm, làm lợi cho Nhà nước hàng triệu USD.

Trong lĩnh vực cơ khí điện lực, Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh với sản phẩm Máy biến áp 500 kV (MBA) tự chế tạo đã ghi tên Việt Nam vào bản đồ như một trong số ít quốc gia trên thế giới có khả năng sản xuất MBA đến cấp điện áp 500 kV. Sản phẩm MBA trong nước không chỉ đảm bảo chất lượng tương đương máy nhập khẩu mà giá thành thấp hơn 25-30%, tiết kiệm cho EVN nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn ngoại tệ, đồng thời còn tạo thế chủ động cho ngành Điện trong việc đầu tư mua sắm thiết bị.

Đó chỉ là một vài ví dụ tiêu biểu để minh chứng cho vai trò của nghiên cứu khoa học và công nghệ trong việc góp phần quan trọng để tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư thông qua tăng tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế nhập khẩu.

Góp phần "Tối ưu hóa chi phí"

Đối với chủ đề "Tối ưu hóa chi phí" mà EVN lựa chọn cho năm 2014, khoa học công nghệ cũng sẽ có đóng góp quan trọng.

Đặc biệt, trong lĩnh vực kinh doanh điện năng, các nhà khoa học trong nước đã và đang nghiên cứu ứng dụng nhiều công nghệ mới, góp phần cùng EVN hiện đại hóa lưới điện và nâng cao hiệu quả đầu tư. Điển hình là các sản phẩm công tơ điện tử đa năng (công tơ điện tử thông minh) 1 pha và 3 pha của Bộ Công Thương. Sản phẩm có khả năng thu thập dữ liệu từ xa sử dụng công nghệ: PLC; GSM; CDMA 450Mhz, hồng ngoại và sóng RF thông qua các cổng giao tiếp chuyên dụng, cho phép tính toán giá thành điện ở 3 biểu giá theo yêu cầu quản lý của ngành Điện. Đây là nghiên cứu phục vụ hiện đại hóa hệ thống đo đếm phục vụ kinh doanh điện năng, tiến tới  xây dựng lưới điện thông minh ở Việt Nam. Công nghệ này là sự sáng tạo vượt bậc so với cách ghi chữ thông thường, không chỉ tăng năng suất lao động do tiết kiệm nguồn nhân lực mà còn giảm nguy cơ tai nạn lao động. Đồng thời, việc sử dụng công tơ điện tử sản xuất trong nước chắc chắn sẽ giúp EVN giảm được nguồn vốn đầu tư nhập khẩu thiết bị.

Độ tin cậy lưới điện được nâng cao nhờ các ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Trong lĩnh vực nguồn điện, các nghiên cứu về công nghệ nhiệt điện than đều hướng tới tận dụng được tối đa nguồn nhiên liệu sơ cấp trong nước. Điển hình là nghiên cứu về công nghệ đốt than trộn (trộn than trong nước khó cháy với than nhập khẩu dễ cháy) của Hội Nhiệt Việt Nam. Công ty CP Nhiệt điện Ninh Bình là đơn vị được lựa chọn thử nghiệm công nghệ mới này. Khi đưa vào áp dụng rộng rãi, công nghệ này sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng nhiên liệu tại các nhà máy nhiệt điện đốt than ở Việt Nam, giảm sức ép nhập khẩu than cho sản xuất điện năng.

Mới đây nhất, với sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Công ty CP Thiết bị điện Đông Anh đã đưa MBA 220 kV ra nước ngoài thử nghiệm phá hủy thành công, và được cấp chứng chỉ quốc tế. Với thành quả này, MBA trong nước không chỉ đáp ứng cho hệ thống điện của Việt Nam mà còn mở ra hướng xuất khẩu đến các thị trường quốc tế.

Để thực hiện mục tiêu tối ưu hóa chi phí, nâng cao hiệu quả đầu tư, trên nền tảng những thành tựu khoa học công nghệ của mình, thiết nghĩ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tích cực và chủ động hơn nữa trong công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh. Trong đó, cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, vụ, viện, trường có liên quan để tận dụng nguồn chất xám của các nhà khoa học trong nước, không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ, xứng đáng với vị trí Tập đoàn kinh tế hàng đầu đất nước.

Theo EVN

lên đầu trang