Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 18/10/2024 | 17:13

Thứ sáu, 18/10/2024 | 17:13

Nhiên liệu sinh học

Cập nhật lúc 09:01 ngày 02/07/2014

PV Oil Miền Trung: Đi trước trong kinh doanh xăng E5

Miền Trung là nơi có nhiều thuận lợi trong việc sớm đưa xăng E5 ra thị trường như có Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, có nhà máy sản xuất ethanol Dung Quất, các trạm pha chế, thị trường lớn... Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Trọng Luật, Phó giám đốc Công ty CP Xăng dầu Dầu khí Miền Trung (PV Oil Miền Trung) để ghi nhận những nỗ lực, khó khăn trải qua của đơn vị này trong việc thực hiện đưa xăng E5 ra thị trường.

PV: Được biết, Quảng Ngãi là tỉnh đi trước 6 tháng so với lộ trình của Chính phủ về việc phân phối, sử dụng xăng E5. Có vẻ như PV Oil Miền Trung đang phải gánh trên vai nhiều trọng trách, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Trọng Luật: Tháng 9/2010, Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) đã chính thức đưa xăng sinh học E5 bán tại khu vực miền Trung. Sau khi cho ra mắt sản phẩm tại các điểm bán đầu tiên ở thị trường TP HCM, Hà Nội, Vũng Tàu, Hải Phòng và Hải Dương trong đầu tháng 8/2010. Trong vòng 2 năm đầu, việc kinh doanh xăng E5 gặp nhiều khó khăn do chính sách chưa rõ ràng. Từ khi có Quyết định 53 của Chính phủ về lộ trình tỷ lệ phối trộn xăng sinh học thì việc kinh doanh có tiến triển hơn trước.

Đặc biệt, tại Quảng Ngãi, khi tỉnh ký hợp tác toàn diện với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thì việc triển khai bán xăng E5 đã chuyển sang một giai đoạn phát triển mới. Tháng 10/2013, trạm pha chế ở Quảng Ngãi đã bắt đầu hoạt động, như vậy là trong khu vực miền Trung, PV Oil có hai trạm pha chế tại kho Liên Chiểu (Đà Nẵng) và Dung Quất (Quảng Ngãi). Hai trạm pha chế đó công suất đảm bảo đủ cung cấp cho thị trường khu vực Đà Nẵng và một số tỉnh xung quanh. Trạm Liên Chiểu pha theo từng lô, cứ một lô là 85m3, như vậy là khả năng có thể pha được 8-10 lô/tháng. Còn ở Dung Quất được pha theo một phương thức mới - pha ngay trên đường ống. Tức là xăng A92 và ethanol được đưa vào đường ống để trộn và cho ra sản phẩm trực tiếp vào xe bồn vận chuyển. Như vậy, cách pha chế này không hạn chế về công suất, chủ động được nguồn cung.

Ông Nguyễn Văn Trọng Luật giới thiệu biển quảng cáo E5 tại một cây xăng trên trục đường chính ở Đà Nẵng

Ở Quảng Ngãi, PV Oil Miền Trung đang sở hữu 9 cửa hàng xăng dầu, tính đến thời điểm hiện tại thì có 8 cửa hàng bán xăng E5. Như vậy, riêng tỉnh Quảng Ngãi, việc “phổ cập” xăng E5 trên hệ thống của PV Oil coi như đã hoàn tất. Đà Nẵng đã có 5/6 cửa hàng bán E5. Tại 3 tỉnh thành Đà Nẵng Quảng Nam, Quảng Ngãi thì PV Oil Miền Trung đang bán E5 tại 15 cửa hàng. Riêng ở Gia Lai và Kon Tum, PV Oil Miền Trung chưa triển khai bán xăng E5 do địa điểm ở xa các kho pha chế. Sản lượng kinh doanh bình quân năm 2013 khoảng 450-500m3/tháng. Ngoài hệ thống bán lẻ trực tiếp của PV Oil Miền Trung, chúng tôi còn bán E5 thông qua các đại lý xăng dầu khác. Hiện tại có 5 đại lý đang kinh doanh E5 và dự kiến sẽ có thêm 3 đại lý nữa tham gia phân phối. Có thể nói, PV Oil Miền Trung đã chuẩn bị xong mọi điều kiện cần và đủ để đi trước 6 tháng tại Quảng Ngãi và chuẩn bị tại Đà Nẵng vào tháng 12/2014 theo như lộ trình của quyết định số 53 của Thủ tướng Chính phủ

PV: Có thể thấy, PV Oil Miền Trung đã chuẩn bị đầy đủ về cơ sở hạ tầng, hệ thống pha chế, phân phối. Vậy còn tâm lý người tiêu dùng ở các tỉnh thành này thì như thế nào, người dân có hào hứng đón nhận sản phẩm mới như E5 không?

Ông Nguyễn Văn Trọng Luật: Có một thời gian (năm 2012), rộ lên tin đồn methanol gây cháy xe (khi đọc lên thì bị hiểu nhầm là ethanol - một sản phẩm nhiên liệu sinh học an toàn) nên công tác tiêu thụ E5 (xăng pha 5% ethanol) có bị ảnh hưởng. Dưới sự chỉ đạo của PV Oil, được sự hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi và đặc biệt là sự giải đáp của các nhà khoa học trên các phương tiện truyền thông đã giúp người tiêu dùng hiểu đúng về xăng E5 không phải là nguyên nhân gây cháy xe. Sau một thời gian kiên trì tuyên truyền, giải thích khi người tiêu dùng cũng hiểu rõ ngọn ngành, công tác bán E5 trở lại bình thường. Một điểm nữa xin được trao đổi thêm, qua thực tế triển khai, tôi nhận thấy rằng, vị trí bố trí cột bơm xăng E5 chi phối nhiều đến sản lượng tiêu thụ. Cửa hàng xăng dầu nào bố trí cột bơm E5 tại vị trí thuận lợi cho khách hàng đổ xăng sẽ có sản lượng bán xăng E5 cao.

PV: Ông có thể chia sẻ, để kinh doanh xăng E5 được thuận lợi, có phải là giá xăng E5 cần rẻ hơn A92 hay không. Ví dụ như rẻ hơn 500-700 đồng/lít chẳng hạn. Hay là nên điều chỉnh ở khâu nào?

Ông Nguyễn Văn Trọng Luật: Theo tôi, giá bán lẻ xăng sinh học có thấp hơn xăng gốc khoáng có lợi cho người tiêu dùng thì cũng tốt, tuy nhiên không phải là yếu tố quyết định đến khả năng phân phối đại trà E5. Thực tế, ban đầu PV Oil cũng đã giảm giá xăng E5 thấp hơn 200 đồng/lít so với xăng A92 để khuyến khích người tiêu dùng nhưng người dân thì không quan tâm lắm, nên việc kinh doanh xăng E5 cũng đạt hiệu chưa cao. Hiện nay, nước ta có khoảng 10.000 cây xăng, phần lớn là của các đại lý tư nhân. Như vậy để phổ biến, bán đại trà được xăng E5 thì việc tham gia của các đại lý là rất cần thiết và có tính chất quyết định. Theo tôi, việc chi trả chiết khấu cao, hợp lý cho đại lý sẽ là đòn bẩy cho việc tạo động lực kinh doanh xăng E5 của khối lượng lớn cửa hàng xăng dầu này.

Khi đầu ra được hàng nghìn cửa hàng phân phối thì khuyến khích nguồn cung là nhiên liệu sinh học. Từ đó các nhà máy nhiên liệu sinh học sẽ chạy hết công suất để đáp ứng ethanol cho việc pha chế xăng E5. Kéo theo việc tiêu thụ nguyên liệu sắn cao, làm động lực cho người nông dân trồng và bán sắn cho nhà máy. Như vậy, việc có mức chiết khấu hợp lý cho khối cửa hàng xăng dầu của đại lý đã có tác động dây chuyền làm khởi động được quá trình phân phối đại trà xăng E5, mang lại nhiều giá trị kinh tế, xã hội khác như: tạo việc làm cho người nông dân trồng sắn, khi sử dụng xăng nhiên liệu sinh học thì giảm ô nhiễm môi trường, giảm chi phí khám chữa bệnh đường hô hấp và một phần đóng góp vào giảm phụ thuộc vào nhiên liệu khoáng nhập khẩu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

PV: Một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng việc cải hoán bồn bể chứa để kinh doanh xăng E5 là tốn kém. Họ đưa ra lý do như trên để làm chậm lại quá trình phân phối E5. Theo ông có đúng như vậy không?

Ông Nguyễn Văn Trọng Luật: Xăng A92 và E5 không khác biệt nhau lắm về tính chất hóa lý. Theo Tiêu chuẩn Việt Nam thì xăng nhiên liệu không có hàm lượng nước, đối với xăng E5 thì chỉ tiêu này cần phải lưu ý thêm một chút nữa mà thôi... Thực tế, một cửa hàng đang bán xăng A92 mà kiểm tra bồn bể không chứa nước thì cứ đổ E5 vào bán bình thường. Nếu bồn bể đã sử dụng lâu năm thì chi phí nạo vét, cọ rửa làm sạch bồn chỉ khoảng 3-5 triệu đồng là có thể chứa xăng E5 để bán. Theo tôi, chi phí như vậy là không đáng kể và đại lý chấp nhận được để chuyển sang bán xăng E5 để được mức chiết khấu cao hơn xăng A92.

PV: Có nhiều chuyên gia cho rằng, nên nhập nhiên liệu sinh học rồi pha với xăng A92 để chủ động nguồn cung, tránh thua lỗ. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Trọng Luật: Nước ta là nước nông nghiệp, có tiềm năng sản xuất sắn quy mô lớn; nếu đi nhập ethanol thì hơi vô lý. Nhiên liệu sinh học là một nguồn năng lượng bảo vệ môi trường, giảm thiểu phát thải khí độc hại, gây hiệu ứng nhà kính... Nhiều kết quả nghiên cứu đã chứng minh, tại Hà Nội và TP HCM có lượng khí phát thải quá lớn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người dẫn đến tăng chí phí khám chữa bệnh, nhất là bệnh viêm đường hô hấp. Nếu không có biện pháp hạn chế thì chi phí y tế chữa bệnh do khí thải mang lại còn lớn hơn là đầu tư vài ba nhà máy sản xuất ethanol.

Ngoài ra, nếu xây dựng các nhà máy ethanol thì hàng trăm nghìn nông dân đang canh tác trên những mảnh ruộng không thể trồng lúa, chỉ có thể trồng sắn có thêm một cơ hội làm kinh tế. Vậy vấn đề này có 3 yếu tố quan trọng: đảm bảo an ninh năng lượng, chi phí y tế giảm và bảo vệ môi trường, tạo công ăn việc làm.

PV: Xin cảm ơn ông!


Theo PetroTimes

lên đầu trang