Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:46

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:46

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 08:18 ngày 02/06/2020

Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% từ thiếc thô

Tổng quan
Trên cơ sở kết quả thăm dò sơ bộ đã xác định được trữ lượng thiếc ở Việt Nam khoảng 860 ngàn tấn kim loại. Các mỏ quặng thiếc hầu hết ở các tỉnh miền núi và phân bố khắp từ Bắc vào Nam, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh Cao Bằng, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Ninh Thuận,...
Quá trình luyện thiếc ở Việt Nam đã được thực hiện từ nhiều thế kỷ trước nhằm tạo ra hợp kim đồng-thiếc-chì và vàng, bạc để đúc mỹ nghệ như tượng, lư, đỉnh,... phục vụ lĩnh vực văn hóa tâm linh.
Hiện nay, luyện thiếc tại Việt Nam có 2 công nghệ: Công nghệ hỏa luyện từ quặng tinh thiếc để sản xuất thiếc 99,75 % Sn (hay còn gọi là thiếc loại II) và công nghệ điện phân tinh luyện từ thiếc thô; sản phẩm thiếc nhận được đạt chất lượng ≥99,95 % Sn (mác Sn.01) và thực thu thiếc của toàn bộ quá trình cũng tăng lên, với sản lượng khoảng 2.500 tấn/năm. Tuy nhiên, do chưa phát huy hết tính ưu việt của phương pháp nên sản phẩm đang dừng ở mức chất lượng thiếc loại I. Trong khi đó, với sự ra đời và phát triển mạnh của những ngành công nghệ cao như điện tử-viễn thông và những yêu cầu khắt khe trong công tác bảo quản thực phẩm nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng hiện nay đòi hỏi phải sử dụng nguồn nguyên liệu thiếc đạt chất lượng 99,99 % Sn. Đáp ứng được tiêu chuẩn chất lượng tinh khiết 99,99 % Sn, thị trường tiêu thụ sẽ được mở rộng đồng thời hiệu quả kinh tế cũng cao hơn so với sản xuất sản phẩm thiếc loại I như hiện nay.
Do đó, việc áp dụng kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học "Nghiên cứu công nghệ sản xuất thiếc siêu sạch (99,99 % Sn) từ thiếc thô" vào thực tiễn sản xuất để tinh luyện thiếc 99,99 % là rất cần thiết. Tuy nhiên, kết quả của đề tài nghiên cứu mới chỉ lựa chọn được phương pháp phù hợp để điều chế dung dịch điện phân, đó là phương pháp điện hóa - màng ngăn [4] với nguyên liệu đầu vào là thiếc loại I và xây dựng được quy trình công nghệ điện phân phù hợp để tinh luyện thiếc 99,99 % từ nguyên liệu thiếc loại II [2]. Vì vậy, Dự án sản xuất thử nghiệm "Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99 % Sn bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn" được ký kết giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim thực hiện trong 30 tháng từ tháng 11/2016 đến tháng 5/2019, đặt ra nội dung nghiên cứu hoàn thiện công nghệ nhằm ổn định quy trình công nghệ điện phân tinh luyện thiếc 99,99 % từ thiếc 99,75 % cũng như xây dựng hệ thống dây chuyền thiết bị điện phân tinh luyện thiếc 99,99 % Sn quy mô 240 tấn/năm là rất thiết thực về khoa học và thực tiễn trong việc ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.
Việc triển khai Dự án sản xuất thử nghiệm thiếc 99,99 % Sn từ thiếc thô là bước trung gian trong việc đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng trong thực tế sản xuất. Kết quả của Dự án không những tạo thêm việc làm cho viên chức, người lao động của Viện mà còn tác động thúc đẩy chế biến sâu khoáng sản thiếc trong nước, tạo ra sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, thay thế sản phẩm cùng chủng loại hiện phải nhập khẩu để cung cấp cho sản xuất công nghiệp trong nước và tiến tới xuất khẩu. Dự án đã được Hội đồng nghiệm thu cấp Nhà nước đánh giá, nghiệm thu hoàn thành vào tháng 9/2019.
Bài báo trình bày kết quả nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99 % từ thiếc 99,75 % bằng phương pháp điện phân tinh luyện ở quy mô công nghiệp. Quá trình điện phân tinh luyện có sử dụng dung dịch điện phân được điều chế bằng phương pháp điện hóa-màng ngăn.
Xem toàn bộ bài viết tại đây.
Đinh Thị Thu Hiên, Đỗ Hồng Nga, Nguyễn Hồng Quân, Bùi Xuân Bảng, Lê Văn Kiên - Viện khoa học và Công nghệ Mỏ-Luyện kim
(Nguồn: Tạp chí Công nghệ Mỏ số 6 năm 2019, pp. 45-50)


lên đầu trang