Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 27/04/2024 | 12:38

Thứ bảy, 27/04/2024 | 12:38

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 10:16 ngày 07/06/2023

Hiệu quả của mô hình lò sấy thuốc lá vàng theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói

Ứng dụng lò sấy thuốc lá vàng theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói không chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu sấy mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để làm giảm ảnh hưởng của điều kiện thời tiết nồm ẩm miền Bắc trong khâu sấy thuốc lá, Công ty TNHH một thành viên Viện Thuốc lá (Viện Thuốc lá) đã nghiên cứu mô hình lò sấy thuốc lá vàng theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói phù hợp với vùng nguyên liệu tại phía Bắc Việt Nam.
Mô hình này được kỳ vọng góp phần giảm tiêu hao nhiên liệu sấy, nâng cao tỷ lệ phẩm cấp và chất lượng thuốc lá nguyên liệu. Bên cạnh đó, cung cấp cho các công ty chế biến, sản xuất thuốc lá điếu thuốc lá nguyên liệu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó nâng cao thu nhập cho các hộ trồng thuốc lá, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam nói riêng và ngành thuốc lá nói chung. Đồng thời, góp phần bảo vệ môi trường và phòng chống biến đổi khí hậu.
Hình ảnh giữa lò sấy cũ và lò sấy mới với nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Sau rất nhiều lần điều chỉnh các chi tiết, các vật liệu làm lò, kể cả thử nghiệm trong điều kiện thời tiết khác nhau, nhóm nghiên cứu đã hoàn thiện thiết kế, thi công lắp đặt và thử nghiệm lò sấy thuốc lá theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói. Lò sấy mới được thiết kế có kích thước dài 3m x rộng 3m x cao 3,3m, đáp ứng diện tích trồng từ 3.500 - 4.000 m2 với 3 tầng xà. Mô hình lò sấy mới phù hợp với điều kiện sản xuất tại các vùng núi phía Bắc.
Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu đã xây dựng quy trình sấy và vận hành lò sấy. Về cơ bản, quy trình sấy không có gì khác biệt so với sấy bằng lò sấy cũ. Điểm nổi bật của lò mới là có hệ thống cân bằng ẩm. Theo đó, lượng không khí ẩm được gom vào buồng cân bằng ẩm, và từ từ thoát ra ngoài môi trường qua đường ống khói, qua đó vừa tiết kiệm được nhiên liệu, vừa luôn đảm bảo được nhiệt độ cho thuốc lá theo tiêu chuẩn.
Nhóm nghiên cứu cho hay, lò sấy mới có thể tích lò rộng hơn nên số lượng thuốc lá mỗi mẻ sấy được nhiều hơn. Phần cách nhiệt bên trong lò sấy được sử dụng bằng vật liệu cách nhiệt đặc thù (lò cũ bằng vách đất) nên giảm sự thất thoát nhiệt, qua đó cũng tiết kiệm được nhiều nhiên liệu. 
Người dân Cao Bằng bảo quản thuốc lá sau khi ra lò. (Ảnh: Báo Cao Bằng)
Trước đó, bà con vùng núi phía Bắc thường sử dụng các lò sấy thuốc lá kiểu cũ với thời gian sấy mất 3 đến 5 ngày. Củi được sử dụng là nhiên liệu đốt chính trong quá trình sấy. Theo nghiên cứu, để sấy một lò thuốc lá đạt khoảng 80kg thuốc lá khô thì lượng củi tiêu tốn từ 1,2 - 1,3 m3. Do đó, chi phí nhiên liệu chất đốt cho 1kg thuốc lá khô sẽ rơi vào khoảng từ 6.750 đến 7.300 đồng. Năng suất sấy của mỗi lò cũng chỉ đạt 70 đến 90kg thuốc lá khô, chính vì vậy hiệu quả kinh tế đem lại chưa cao.
Tuy nhiên, sau khi sử dụng mô hình lò sấy mới, chỉ trong vụ mùa 2017 - 2018 đã giảm được gần 40% lượng nhiên liệu than, tỷ lệ lá cấp 1+2 tăng hơn 24%; tỷ lệ nguyên liệu cấp 4 < 5% và thu nhập gia tăng bình quân trên 1kg thuốc lá khô tăng gần 16% so với lò sấy truyền thống. Nếu tính với diện tích trồng khoảng 8000 ha, sản lượng thuốc lá ước tính đạt 16.000 tấn, sẽ tiết kiệm được 40 tỷ đồng tiền tiêu hao nhiên liệu. Như vậy, lò mới đã góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm đáng kể lượng nhiên liệu sấy tiêu hao so với lò sấy truyền thống, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều cho nông dân so với những năm trước đây.
Kho thuốc lá của Chi nhánh Viện Thuốc lá tại tỉnh Cao Bằng, khi đã kết thúc một vụ mùa (Ảnh: Tạp chí Công Thương)
Với những ưu điểm nổi trội, mô hình lò sấy mới đã từng bước được các đơn vị sản xuất nguyên liệu thuốc lá và hộ nông dân tin dùng. Số lượng lò sấy mới tăng nhanh qua từng năm. Tại vùng trồng Cao Bằng, vụ Xuân năm 2018 có 32 lò, vụ Xuân năm 2019 xây mới thêm 153 lò, vụ Xuân năm 2020 có thêm 150 lò và vụ Xuân năm 2021 có thêm 150 lò. 
Huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng là địa phương có nhiều hộ gia đình đi tiên phong trong việc sử dụng lò sấy mới. Ông Bế Văn Điếm (Xóm Bản Giàng 2, xã Xuân Hòa, huyện Hà Quảng) cho biết, gia đình ông trồng thuốc lá từ nhiều năm nay với tổng diện tích hơn 3000 m2. Việc sấy được lá vàng và tiết kiệm nhiên liệu là điều mà gia đình ông cũng như bao người dân luôn mong muốn. Khi biết tin Viện Thuốc lá đã nghiên cứu được lò sấy mới, ông Điếm là một trong số những người dân đã tiên phong xây lò mới và sử dụng. 
Chi phí cho việc xây hoàn thành 1 lò sấy hết khoảng 16 triệu đồng, gia đình ông được Viện Thuốc lá cho vay 6 triệu đồng và đây là một chính sách hỗ trợ của Viện cho những người dân có nhu cầu xây lò mới. Ông cho biết thêm, lò sấy mới dễ sử dụng, thuốc được sấy vàng, củi đốt cũng giảm được rất nhiều. Vụ mùa đầu tiên khi áp dụng mô hình sấy mới, gia đình ông thu được khoảng hơn 30 triệu đồng/ gần 1 tấn thuốc lá .
Ngoài gia đình ông Điếm, rất nhiều hộ nông dân khác tại Cao Bằng đã ứng dụng thành công mô hình lò sấy này. Mô hình lò sấy này cũng được Viện thuốc lá chuyển giao cho Công ty Cổ phần Ngân Sơn tại các vùng trồng trồng thuốc lá như Lạng Sơn, Bắc Kạn. Đến nay, đã chuyển giao và ứng dụng vào thực tế gần 1.000 lò sấy mới tại các vùng trồng phía Bắc.
Việc nghiên cứu và ứng dụng thành công lò sấy thuốc lá vàng theo nguyên lý thoát ẩm qua đường ống khói không chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu sấy mà còn giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo động lực to lớn giúp người dân vùng cao yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. 
Công ty TNHH một thành viên Viện Thuốc lá (Viện Thuốc lá) là doanh nghiệp khoa học và công nghệ hàng đầu của ngành Công Thương trong lĩnh lực thuốc lá. Trong suốt chặng đường phát triển của mình, Viện đã thực hiện thành công nhiều đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, góp phần nâng cao hiệu quả cho ngành thuốc lá Việt Nam.
Tố Uyên
lên đầu trang