Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/01/2025 | 16:36

Thứ hai, 06/01/2025 | 16:36

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:30 ngày 27/07/2020

Nam Định: Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào thực tiễn

Theo ông Mai Thanh Long, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nam Định: Những năm qua, việc chú trọng đầu tư cho KH&CN trên nhiều lĩnh vực đem lại những kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.
Cụ thể, các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo phát triển hợp lý giữa các lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ, y dược, nông nghiệp với khoa học xã hội và nhân văn. Trong đó tỉnh chỉ đạo các ngành, các địa phương chú trọng các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, công nghệ cao phục vụ trực tiếp cho sản xuất và đời sống; cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; cải cách hành chính.
Chương trình trọng điểm - Bộ KHCN thăm mô hình sản xuất khoai tây khí canh tại Trung tâm Ứng dụng TBKHCN (nay là Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ KHCN)
Trong lĩnh vực nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới, Sở KH&CN đã triển khai hỗ trợ các địa phương nâng cao năng lực chọn tạo, sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa; phục tráng và phát triển giống lúa tám ấp bẹ cổ truyền; nghiên cứu đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng công tác quản lý đê điều đáp ứng yêu cầu ứng phó với biến đổi khí hậu; …
Trong lĩnh vực cải cách hành chính, ngành KH&CN đã xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015, hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các địa phương duy trì, cải tiến và chuyển đổi sang phiên bản mới; quyết liệt triển khai xây dựng ISO 9001:2015 tại 100/229 xã, phường, thị trấn.
Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, kết quả nghiên cứu KH&CN được ứng dụng vào thực tế, giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Tổng công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty Cổ phần May Sông Hồng, Công ty Cổ phần Dệt may Sơn Nam... là những doanh nghiệp tiêu biểu, nhờ ứng dụng thành công công nghệ tiên tiến giúp các doanh nghiệp này vươn lên, trở thành những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành dệt may cả nước.
Tuy vậy, hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của tỉnh nhìn chung vẫn còn những hạn chế, bất cập. Việc huy động nguồn lực của xã hội vào hoạt động KH&CN còn thấp; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KH&CN chưa được một số ngành, địa phương quan tâm đúng mức; hoạt động đổi mới sáng tạo chưa thực sự tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nguyên nhân chủ quan do nhận thức của các cấp, các ngành về yêu cầu phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo chưa thật đầy đủ, chưa coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm.
Việc áp dụng thành công công nghệ giúp trung tâm sản xuất giống khoai tây sạch, chất lượng
Để KH&CN thực sự trở thành động lực và nền tảng phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, Nam Định sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo đã được ban hành. Tỉnh sẽ đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo tiền đề hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo sớm gia nhập thị trường với thời gian và chi phí hợp lý. Thường xuyên phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, doanh nghiệp, người dân về vai trò của KH&CN, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội.
Là đơn vị trực thuộc Sở KH&CN, Trung tâm Ứng dụng, dịch vụ khoa học và công nghệ tỉnh Nam Định thời gian qua đã có những ứng dụng công nghệ khí canh để tạo giống khoai tây sạch và công tác chuyên khác được đánh giá cao.
Đề án “Xây dựng hệ thống sản xuất giống khoai tây sạch bệnh trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2014-2018” là một trong những đề án ứng dụng KH&CN thành công nhất tại địa phương. Chia sẻ về đề án này, ông Vũ Xuân Trung, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Nam Định-đơn vị thực hiện đề án, cho biết: "Giống khoai tây ở tỉnh hiện nay được nhập chủ yếu từ Hà Lan hoặc Trung Quốc. Giống nhập từ Hà Lan củ to, chất lượng tốt nhưng giá thành cao, nguồn cung lại không đều. Trong khi, giống nhập từ Trung Quốc thường qua đường tiểu ngạch nên chất lượng không bảo đảm, dù giá thành rẻ. Việc áp dụng thành công công nghệ giúp trung tâm sản xuất giống khoai tây sạch, chất lượng tương đương với giống nhập từ Hà Lan, giá thành lại rẻ. Mỗi năm, trung tâm cung ứng ra thị trường 1.000-1.200 tấn giống, đáp ứng 50% nhu cầu khoai tây giống sạch của tỉnh. Hiện nay, loại giống này đang được trồng tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh, như: Nam Trực, Trực Ninh, Ý Yên…”.
Bên cạnh đó, xác định phát triển thị trường KH&CN là xu thế tất yếu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Sở KH&CN đã triển khai thực hiện dự án “Xây dựng sàn giao dịch công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nam Định” với kinh phí đầu tư trên 12 tỷ đồng. Hiện tại dự án chuẩn bị hoàn thành đưa Sàn chính thức đi vào hoạt động sẽ tạo điều kiện ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất; thúc đẩy chuyển giao, đổi mới công nghệ, thiết bị, góp phần tăng hàm lượng chất xám trong sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh và khả năng phát triển thị trường cho các doanh nghiệp.
Theo Tạp chí công thương
lên đầu trang