Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:23

Thứ bảy, 18/05/2024 | 11:23

Tin KHCN

Cập nhật lúc 17:57 ngày 04/12/2020

Nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành Công Thương trong tình hình mới

Năm học 2019-2020, dưới sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của các cấp, các trường thuộc Bộ Công Thương vừa tích cực phòng chống dịch Covid-19, vừa nhanh chóng thay đổi mạnh mẽ phương thức giảng dạy, tuyển sinh và quản lý đào tạo.
Năm học 2019-2020, Bộ Công Thương có 34 trường, bao gồm: 1 trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; 9 trường đại học; 24 trường cao đẳng. Tại Hội nghị Tổng kết công tác đào tạo, đào tạo bồi dưỡng năm 2019 -2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2020-2021 mới đây, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Công Thương - cho biết, năm 2020, dịch Covid-19 đã tác động đa chiều đến hoạt động giáo dục đào tạo cả nước, trong đó có ngành Công Thương. Kế hoạch học tập thay đổi, thời gian tốt nghiệp của học sinh chậm lại, công tác tuyển sinh không thực hiện được trực tiếp và rộng khắp,... là những khó khăn mà các trường phải đối diện.

Mặc dù có những khó khăn trong năm học 2019-2020 tuy nhiên vẫn có một số điểm sáng trong bức tranh giáo dục đào tạo của ngành Công Thương
Theo báo cáo, công tác tuyển sinh, tổng số tuyển sinh giảm 7% so với năm 2018-2019, đạt kế hoạch 81%; tuyển sinh các trình độ đều giảm từ 50-12% so với năm trước, riêng tuyển sinh đại học tăng 6%. Do tuyển sinh giảm 7%, quy mô đào tạo của tất cả các trường năm học 2019-2020 giảm 10.495 học sinh, sinh viên (HSSV) so với năm trước (6%). Về hợp tác quốc tế, năm 2020, do các quốc gia tự phong tỏa, các trường chỉ tiếp tục thực hiện tại Việt Nam các hoạt động hợp tác đã cam kết và xúc tiến các hoạt động cho năm 2021. Đối với công tác kết nối với doanh nghiệp (DN), 80% số trường cao đẳng trong vòng 3 năm gần đây đã kết nối lên tới gần 5 nghìn đơn vị trên cả nước. Ngoài ra, đến nay vẫn có 5 trường đại học trực thuộc Bộ tự chủ chi thường xuyên và chi đầu tư, chưa có trường cao đẳng tự chủ 100%, các trường còn lại tự chủ 1 phần chi thường xuyên; 3/5 trường tự chủ đã thành lập hội đồng trường.
Trước những diễn biến nhiều bất ngờ do dịch bệnh gây ra, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng - đánh giá, việc các trường tự chủ đang chuyển mình theo hướng tích cực, chất lượng đào tạo dần chuẩn hóa theo hướng khu vực và quốc tế; hợp tác nước ngoài tuy không thể mở rộng, nhưng các trường vẫn triển khai các cam kết hợp tác, đồng thời củng cố và gia tăng mối quan hệ với các DN nước ngoài tại Việt Nam, thu hút được sự quan tâm, đầu tư cho các lao động trong tương lai; phát triển thêm phương thức đào tạo, đó là đào tạo học việc, đào tạo tại DN, đào tạo theo đơn đặt hàng,... là những điểm sáng trong bức tranh giáo dục đào tạo của ngành Công Thương.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng đầy khích lệ vẫn tồn tại các hạn chế trong công tác giáo dục, đào tạo của ngành Công Thương, như: Tuyển sinh và quy mô đào tạo vẫn giảm so với năm trước, đặc biệt là trung cấp, cao đẳng cho thấy tính cạnh tranh của sản phẩm đào tạo chưa cao. Số lượng tuyển sinh sau đại học trồi sụt qua các năm cũng thể hiện sự chưa ổn định, nhất quán, bài bản trong hướng đi, cách làm. Mặt khác, có tới 1/3 số trường chưa tự đánh giá và kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đào tạo; hoạt động nghiên cứu khoa học chủ yếu tập trung ở một số trường đã tự chủ, còn lại rất thưa thớt ở các trường khác; DN và các trường đã hợp tác nhưng chưa sâu, chưa bền vững do quy định quyền lợi, trách nhiệm các bên chưa đầy đủ…
Trên cơ sở một số thành tựu đã đạt được, cũng như hạn chế các tồn tại, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển nhân lực ngành Công Thương và tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, năm học 2020-2021, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng đã đề nghị các trường triển khai nhiệm vụ theo phương hướng trọng tâm, cụ thể:
Một là, xây dựng cơ sở giáo dục mở về đối tượng, mở về tài nguyên giáo dục, mở mở về phương pháp, mở về ý tưởng, mở về địa điểm, mở về công nghệ học tập; tạo cơ hội học tập mọi lúc, mọi nơi; tạo ra xã hội học tập và học tập suốt đời.
Hai là, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục đẩy mạnh tự chủ và đổi mới quản trị đại học theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo trực tuyến; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nghiên cứu khoa học và hỗ trợ khởi nghiệp cho sinh viên; phát triển các chương trình chất lượng cao, chuẩn hóa trong đào tạo theo hướng hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Ba là, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề, có kỹ năng đáp ứng nhu cầu lao động cho các ngành kỹ thuật, công nghệ cao của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; chủ động trong thực hiện cơ chế tự chủ, trong việc tái cơ cấu và sắp xếp tổ chức, bộ máy tinh gọn, hiệu quả, giảm số lượng các trường trong hệ thống các cơ sở đào tạo Bộ Công Thương.
Để thực hiện theo phương hướng đề ra, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng yêu cầu, các trường cần chủ động tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả với một số nội dung như: Chuẩn hóa chức năng, nhiệm vụ; xây dựng chỉ số đánh giá hiệu quả công việc, bồi dưỡng đội ngũ; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo; tăng cường công tác thanh tra khảo thí và kiểm định chất lượng; xây dựng, đề xuất thí điểm các mô hình đào tạo tiên tiến; chuẩn bị các điều kiện cho chuyển đổi số; đẩy mạnh công tác truyền thông.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng: Mỗi lãnh đạo trường cần tự đổi mới tư duy, hình thành tổ chức của mình có văn hóa, chất lượng, sáng tạo, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo; không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu nhân lực ngành Công Thương trong thời gian kế tiếp.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang