Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 00:04

Chủ nhật, 19/05/2024 | 00:04

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:13 ngày 02/09/2015

Nghiên cứu ứng dụng phân bón qua lá nhằm nâng cao năng suất, chất lượng thuốc lá vàng sấy tại một số vùng trồng chính ở phía bắc

Tóm tắt

Việc sử dụng phân bón qua lá tác động tốt đến sinh trưởng, phát triển, năng suất và cấp loại của cây thuốc lá. Tại 2 vùng thí nghiệm 4 nghiệm thức phun phân bón lá do đề tài phối chế đều cho năng suất cao hơn nghiệm thức đối chứng 6,0-9,3% tại Cao Bằng và 3,5-7,7 % tại Lạng Sơn. Nghiệm thức phun TL01 có năng suất cao nhất ở cả 2 vùng; đạt 31,03 tạ/ha tại Cao Bằng và 26,93 tạ/ha tại Lạng Sơn. Đồng thời nghiệm thức TL01 cũng có tỷ lệ cấp 1+2 cao nhất ở cả 2 vùng thí nghiệm. So sánh về hiệu quả kinh tế thì nghiệm thức TL01 cũng cho lợi nhuận cao nhất ở cả 2 vùng; tại Cao Bằng nghiệm thức phun TL01 cho lợi nhuận là 55.325.553 đồng/ha cao hơn nghiệm thức đối chứng là 8.645.907 đồng/ha và tại Lạng Sơn là 8.433.000 đồng/ha cao hơn nghiệm thức đối chứng là 2.271.500 đồng/ha.

1. ĐẶT VẤN ĐỀ

Cây trồng không những hấp thụ chất dinh dưỡng qua rễ mà còn hấp thụ qua lá, trong khi diện tích lá của cây lại gấp hàng chục lần diện tích mà rễ cây ăn tới. Phân bón lá thực chất là những chế phẩm mà trong đó có chứa các chất dinh dưỡng, gồm các nguyên tố đa lượng, trung lượng và vi lượng, ngoài ra còn một số chất kích thích sinh trưởng nhằm cung cấp kịp thời cho cây trồng. Sử dụng phân bón lá cho cây trồng có nhiều ưu điểm, bao gồm: i) Chất dinh dưỡng được cung cấp cho cây nhanh hơn bón gốc; ii) Hiệu suất sử dụng dinh dưỡng cao hơn. Theo số liệu đã được công bố, hiệu suất sử dụng chất dinh dưỡng qua lá đạt tới 95%. iii) Chi phí thấp hơn và iv) Ít ảnh hưởng đến môi trường và đất trồng.

Phân bón qua lá có tác dụng nhanh trong việc khắc phục hiện tượng thiếu dinh dưỡng bởi dinh dưỡng được hấp thu qua lá nhanh hơn so với việc hấp thu qua rễ. Phân bón qua lá rất hiệu quả trong việc cung cấp vi lượng cho cây. Việc phun vi lượng qua lá vừa hiệu quả đối với cây vừa mang lại kinh tế, có thể phun cùng thuốc bảo vệ thực vật [1], [2], [3]. Nhằm giảm thiểu các ảnh hưởng bất lợi của điều kiện thời tiết vụ Xuân tại các vùng trồng thuốc lá phía Bắc và góp phần nâng cao hiệu suất sử dụng phân bón thì việc nghiên cứu sử dụng phân bón qua lá là cần thiết để xác định giải pháp bón phân hữu hiệu qua đó nâng cao năng suất và chất lượng nguyên liệu thuốc lá. 

Mục tiêu 

Có 1-2 sản phẩm phân bón qua lá dùng cho cây thuốc lá cùng quy trình sản xuất và hướng dẫn sử dụng phân bón lá cho cây thuốc lá tại một số vùng trồng chính phía Bắc.

2. VẬT LIỆU, NỘI DUNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

2.1. Thời gian và địa điểm nghiên cứu

- Thời gian nghiên cứu: vụ xuân 2013.

- Địa điểm nghiên cứu:  

+ Tại Cao Bằng: thôn Nà Khá -  xã Nam Tuấn - huyện Hoà An.

+ Tại Lạng Sơn: thôn Tràng Sơn 2 – xã Vũ Lăng – huyện Bắc Sơn.

2.2. Vật liệu nghiên cứu

Giống thuốc lá GL7 và 4 loại phân bón lá TL01, TL02, TL03, TL04.

2.3. Nội dung nghiên cứu:  Thí nghiệm được tiến hành với 05 công thức

1) Đối chứng: phun nước lã;

2) Phun phân bón lá TL01;

3) Phun phân bón lá TL02;

4) Phun phânbón lá  TL03;

5) Phun phân bón lá TL04.

2.4. Phương pháp nghiên cứu: Thí nghiệm được bố trí trên đồng ruộng, theo khối ngẫu nhiên đầy đủ (RCB), 3 lần nhắc lại, diện tích mỗi ô 55m2. 

2.5. Thành phần các loại phân bón lá, liều lượng và phương pháp phun

- Thành phần các loại phân bón lá:

- Nồng độ, liều lượng dung dịch và thời điểm phun phân bón lá:

Phân bón lá được phun 3 lần vào các thời kỳ 40, 50 và 60 ngày sau trồng, các loại phân bón lá đều được phun với nồng độ 0,2 %, với các liều lượng ở các thời kỳ như sau:

+ Giai đoạn 40 ngày sau trồng: phun 420 lít/ha; 

+ Giai đoạn 50 ngày sau trồng: phun 560 lít/ha; 

+ Giai đoạn 60 ngày sau trồng: phun 775 lít/ha.

Phun vào buổi chiều mát, trời không mưa, phun ướt trên đều bề mặt lá.

2.6. Biện pháp kỹ thuật canh tác: Ngoại trừ yếu tố thí nghiệm, các biện pháp kỹ thuật canh tác khác được thực hiện theo quy trình chung của vùng.

3. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN 

Bảng 1. Ảnh hưởng của phân bón lá đến một số đặc điểm nông sinh học của cây thuốc lá 

Kết quả nghiên cứu về ảnh hưởng của phân bón lá đến một số đặc điểm nông sinh học của cây thuốc lá cho thấy, ở cả Cao Bằng và Lạng Sơn các nghiệm thức phun phân bón lá đều cho các chỉ số về nông sinh học tốt hơn ở nghiệm thức đối chứng và nghiệm thức phun phân bón lá TL01 có tổng số lá/cây là cao nhất tại cả 2 vùng. 

Bảng 2. Ảnh hưởng của phân bón lá đến kích thước, khối lượng của  lá vị bộ lá dưới, lá giữa, lá trên vụ xuân năm 2013 tại các vùng nghiên cứu

Nghiên cứu ảnh hưởng của các loại phân bón lá đến kích thước lá thuốc lá ở bảng 2 cho thấy, khi thời tiết thuận lợi cây thuốc lá bắt đầu sinh trưởng mạnh, các tế bào lá bắt đầu giãn ra dẫn đến các lá tăng nhanh về kích thước, lúc này cây cần rất nhiều dinh dưỡng nhưng việc hút dinh dưỡng qua rễ không kịp cung cấp cho cây vì vậy mà việc phun bổ sung phân bón lá lần 2, 3 (sau trồng 50, 60 ngày) đã kịp bổ sung sự thiếu hụt dinh dưỡng đó. Mặt khác trong phân bón lá có đầy đủ các nguyên tố vi lượng cần thiết đã kích thích quá trình hút dinh dưỡng qua dễ, hình thành diệp lục, thúc đẩy quá trình quang hợp, hô hấp, hình thành và vận chuyển các hợp chất hữu cơ trong cây từ đó mà làm tăng khả năng tích lũy chất khô. Vì vậy, 4 nghiệm thức phun phân bón lá ở cả 2 vùng đều có khối lượng, kích thước lá lớn hơn ở nghiệm thức đối chứng có ý nghĩa so sánh ở trên cả 3 tầng lá của cây. 

Bảng 3. Ảnh hưởng của phân bón lá đến các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất  cây thuốc lá vụ xuân năm 2013 tại các vùng nghiên cứu

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón lá đến số lá kinh tế ở bảng 3 cho thấy, tại Cao Bằng số lá kinh tế của các nghiệm thức biến động từ 27,8-28,6 lá, thấp nhất là nghiệm thức đối chứng 27,8 lá. Tuy nhiên, chỉ có nghiệm thức phun TL01 khác biệt so với nghiệm thức đối chứng có ý nghĩa thống kê ở độ tin cậy 95%. Tại Lạng Sơn cũng cho kết quả tương tự, có nghĩa nghiệm thức  phun TL01 (26,0 lá) cho số lá kinh tế cao nhất và thấp nhất là nghiệm thức đối chứng (25,4 lá), sự sai khác này cũng có ý nghĩa so sánh.

Qua theo dõi tỷ lệ tươi/khô của các nghiệm thức nghiên cứu cho thấy, ở trên cả 2 địa điểm tham gia nghiên cứu, các nghiệm thức phun phân bón lá đều có tỷ lệ tươi/khô thấp hơn so với công thức đối chứng phun nước lã, cụ thể tại Cao Bằng 4 nghiệm thức phun phân bón lá có tỷ lệ tươi/khô ở mức 6,11-6,29 trong khi công thức đối chứng ở mức là 6,34 và tại Lạng Sơn 4 nghiệm thức phun phân bón lá có tỷ lệ tươi/khô ở mức 6,92-7,02 trong khi công thức đối chứng  ở mức là 7,27. 

Năng suất của các nghiệm thức phun phân bón lá đều cao hơn nghiệm thức đối chứng phun nước lã có ý nghĩa so sánh trên cả 2 vùng nghiên cứu, tại Cao Bằng năng suất vượt đối chứng phun nước lã 6,0-9,3% và tại Lạng Sơn vượt 3,5-7,7%. Nghiệm thức phun TL01 có năng suất cao nhất trên cả 2 vùng nghiên cứu (tại Cao Bằng là 31,03 tạ/ha và tại Lạng Sơn là 26,93 tạ/ha).

     Việc phun bổ sung các loại phân bón qua lá cho cây thuốc lá ở cả Cao Bằng và Lạng Sơn, khi quan sát thì không thấy sự khác biệt rõ ràng về tốc độ sinh trưởng cũng như sinh khối của cây thuốc lá so với không phun. Tuy nhiên qua số liệu tại bảng 3, 4 cho thấy khi phun bổ sung phân bón qua lá thì kích thước, khối lượng lá tươi trên 3 vị bộ lá ở các nghiệm thức đều cao hơn ở nghiệm thức đối chứng, đặc biệt nó ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng tích lũy chất khô của lá thuốc thể hiện qua tỷ lệ tươi/khô. Do đó mà năng suất ở 4 nghiệm thức phun bổ sung phân bón lá cao hơn năng suất của nghiệm thức đối chứng ở cả 2 vùng.

Bảng 4. Ảnh hưởng của phân bón lá đến phẩm cấp thuốc lá vàng sấy vụ xuân năm 2013

Hiện nay, để đánh giá chất lượng của thuốc lá nguyên liệu người ta kết hợp cả ba dạng đánh giá: phân cấp xác định tỷ lệ các cấp loại lá sấy, phân tích hàm lượng một số chất ảnh hưởng chính đến chất lượng và bình hút cảm quan thuốc lá nguyên liệu. Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón lá đến chất lượng màu sắc lá sau sấy ở bảng 4 cho thấy, tại cả 2 vùng thí nghiệm 4 nghiệm thức phun phân bón lá đều có tỷ lệ cấp 1+2 cao hơn, tỷ lệ cấp 4 thấp hơn ở nghiệm thức đối chứng, nghiệm thức phun TL01 có tỷ lệ cấp 1+2 cao nhất (51,3% tại Cao Bằng và 49,2% tại Lạng Sơn). Ngoài ra, khi theo dõi thí nghiệm chúng tôi thấy ở 2 lần hái cuối thì ở nghiệm thức đối chứng chủ yếu là cấp 4 còn ở các nghiệm thức phun bổ sung phân bón lá thì cấp 3 là chủ yếu, đó là lý do mà ở cả 2 vùng nghiệm thức đối chứng đều có tỷ lệ cấp 4 cao nhất. 

Bảng 5. Ảnh hưởng của phân bón lá đến thành phần hóa học và bình hút cảm quan của thuốc lá trong vụ xuân năm 2013 tại các vùng nghiên cứu

Đối với mỗi giống, thành phần hoá học có thể dao động trong một phạm vi nhất định phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện canh tác. Để đánh giá chính xác chất lượng thuốc lá thì bên cạnh việc phân tích hoá học cần tiến hành bình hút cảm quan. Các chỉ tiêu hương, vị, độ nặng, độ cháy và màu sắc được quy định như là các tiêu chí để đánh giá tính chất hút của thuốc lá nguyên liệu (tiêu chuẩn TC 01 - 2000).   

Kết quả nghiên cứu ảnh hưởng của phân bón lá đến thành phần hoá học và bình hút cảm quan ở bảng 5 cho thấy:

- Hàm lượng Nicotin của các nghiệm thức thí nghiệm tại Cao Bằng ở mức từ 1,69-1,85 % và tại Lạng Sơn là từ 1,41-1,54 %.

- Về hàm lượng Nitơ tổng số và đường khử: thuốc lá vàng sấy lò có chất lượng cao thường có hàm lượng nitơ tổng số <2%. Với số liệu phân tích hàm lượng Nitơ tổng số ở bảng 6 cho thấy cả các nghiệm thức phun phân bón lá và nghiệm thức đối chứng ở cả 2 vùng có chỉ số Nitơ tổng số biến động từ 1,30-2,00%, còn về hàm lượng đường khử thì tại Lạng Sơn là tương đối cao và cao hơn ở vùng Cao Bằng.

- Về hương thơm: là một chỉ tiêu chất lượng rất đặc trưng cho từng giống thuốc lá. Các nghiệm thức phun phân bón lá ở cả 2 vùng đều có điểm hương cao hơn nghiệm thức đối chứng. Tại Cao Bằng nghiệm thức phun TL01 có điểm hương cao nhất đạt 9,7 điểm thấp nhất là nghiệm thức đối chứng  đạt 9,3 điểm. Tại Lạng Sơn nghiệm thức phun TL04 có điểm hương cao nhất đạt 10 điểm thấp nhất là nghiệm thức đối chứng đạt 9,0 điểm.

- Về khẩu vị: Tại Cao Bằng điểm vị của nghiệm thức phun TL01 đạt cao nhất 9,3 điểm. Còn tại Lạng Sơn nghiệm thức phun TL04 đạt cao nhất 9,7 điểm.

- Độ nặng được đánh giá qua tác động sinh lý lên người hút có liên quan đến hàm lượng nicotin cũng như sự cân đối giữa nitơ tổng số với nhóm alcaloit và giữa gluxit hoà tan với nhóm alcaloit. Điểm về độ nặng của các 4 nghiệm thức phun phân bón lá và nghiệm thức đối chứng ở cả 2 vùng  đều đạt từ 6,5- 7,0 điểm. 

Tổng điểm bình hút: Tại Cao Bằng nghiệm thức phun TL01 đạt cao nhất 40,0 điểm và thấp nhất là nghiệm thức đối chứng 39,4 điểm. Tại Lạng Sơn nghiệm thức phun TL04 đạt cao nhất 40,2 điểm, thấp nhất là nghiệm thức đối chứng đạt 38,8 điểm.

Như vậy khi phun bổ sung 4 nghiệm thức phân bón qua lá do đề tài phối chế đã làm tăng tỷ lệ lá cấp 1+2 lên cao hơn nghiệm thức đối chứng từ 4,8-7,5% vùng Cao Bằng, 3,1- 8,8% vùng Lạng Sơn, màu sắc lá sau sấy đẹp hơn và ảnh hưởng tốt đến tính chất hút của thuốc lá nguyên liệu.  

Bảng 6. Ảnh hưởng của phân bón lá đến hiệu quả kinh tế thuốc lá trong vụ xuân 2013 tại các vùng nghiên cứu

Qua tính toán hiệu quả kinh tế của các nghiệm thức tham gia nghiên cứu cho thấy, tại Cao Bằng khi phun bổ sung 4 loại phân bón lá đều cho lợi nhuận cao hơn công thức đối chứng. Nghiệm thức  phun TL01 cho lợi nhuận cao nhất là 55.325.553 đồng/ha và cao hơn nghiệm thức đối chứng là 8.645.907 đồng/ha. Tiếp đến là nghiệm thức phun TL03, nghiệm thức phun TL02, nghiệm thức phun TL04  và thấp nhất là nghiệm thức đối chứng. Tại Lạng Sơn cả 4 nghiệm thức phun phân bón lá đều cho lợi nhuận cao hơn nghiệm thức đối chứng. Trong đó nghiệm thức phun TL01 cho lợi nhuận cao nhất đạt 8.433.000 đồng/ha và cao hơn nghiệm thức đối chứng là 2.271.500 đồng/ha. 

Còn xét về chỉ số ROI thì ở cả Cao Bằng và Lạng Sơn 4 nghiệm thức phun bổ sung phân bón lá đều có chỉ số ROI cao hơn ở nghiệm thức đối chứng. Nghiệm thức TL01 có chỉ số ROI cao nhất  ở cả Cao Bằng và Lạng Sơn. 

4. KẾT LUẬN 

Tại 2 vùng thí nghiệm 4 nghiệm thức phun phân bón lá đều cho năng suất cao hơn công thức đối chứng với mức vượt là 6,0-9,3% tại Cao Bằng và 3,5-7,7% tại Lạng Sơn. Nghiệm thức phun TL01 có năng suất cao nhất ở cả 2 vùng; đạt 31,03 tạ/ha tại Cao Bằng và 26,93 tạ/ha tại Lạng Sơn. Đồng thời nghiệm thức TL01 cũng có tỷ lệ cấp 1+2 cao nhất ở cả 2 vùng thí nghiệm. Tuy nhiên về tổng điểm bình hút thì chỉ ở Cao Bằng là nghiệm thức TL01 đạt cao nhất 40,0 điểm còn tại Lạng Sơn thì nghiệm thức TL04 đạt cao nhất 40,5 điểm. So sánh về hiệu quả kinh tế thì nghiệm thức TL01 cũng cho lợi nhuận cao nhất ở cả 2 vùng; tại Cao Bằng nghiệm thức phun TL01 cho lợi nhuận là 55.325.553 đồng/ha cao hơn công thức nghiệm thức là 8.645.907 đồng/ha và tại Lạng Sơn là 8.433.000 đồng/ha cao hơn nghiệm thức đối chứng là 2.271.500 đồng/ha.

Cả 4 nghiệm thức phun bổ sung phân bón lá đều có chỉ số ROI cao hơn chỉ số ROI của  nghiệm thức đối chứng ở cả 2 vùng.

Nguyễn Văn Cường và  Đỗ Hữu Thanh

Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá

 

lên đầu trang