Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 21:30

Thứ hai, 06/05/2024 | 21:30

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:32 ngày 04/06/2021

Xây dựng bản đồ công nghệ và ứng dụng công nghệ in 3D ngành nhựa kỹ thuật tại Việt Nam

Ngày 1/6/2021, Hội đồng tư vấn đánh giá, nghiệm thu cấp quốc gia do TS Đỗ Hữu Hào - Ban Chủ nhiệm Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia làm Chủ tịch đã họp đánh giá, nghiệm thu đề tài “Xây dựng bản đồ công nghệ ngành nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D để phát triển ngành tại Việt Nam”. Đây là đề tài thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2020 do ThS Huỳnh Kim Tước - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh) làm chủ nhiệm. Với những kết quả đạt được, đề tài của nhóm nghiên cứu đã được Hội đồng đánh giá xếp loại khá. Buổi họp được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng Zoom.
Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài tại điểm cầu 113 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội.
Ngành nhựa kỹ thuật - một ngành non trẻ tại Việt Nam
Đề tài “Xây dựng bản đồ công nghệ ngành nhựa kỹ thuật và ứng dụng công nghệ in 3D để phát triển ngành tại Việt Nam” được thiết kế nhằm mục tiêu KH&CN cơ bản: 1) Xây dựng Bản đồ công nghệ ngành nhựa kỹ thuật trên cơ sở tổng hợp các công nghệ hiện có, xác định mối liên hệ giữa sản phẩm và công nghệ, đánh giá khoảng cách công nghệ của Việt Nam so với thế giới, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ công nghệ; 2) Xác định công nghệ ưu tiên để phát triển sản phẩm và lộ trình đổi mới công nghệ cho ngành nhựa kỹ thuật của Việt Nam; 3) Đề xuất giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ in 3D trong ngành nhựa kỹ thuật. Bên cạnh đó, đề tài cũng đề ra các mục tiêu kinh tế - xã hội cụ thể như: 1) Hình thành cơ sở dữ liệu phục vụ cho triển khai các Chương trình quốc gia (Chương trình phát triển thị trường KH&CN, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia, Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, Chương trình phát triển công nghiệp phụ trợ...); 2) Góp phần định hướng cho các chương trình phát triển KH&CN trong giai đoạn tới cũng như nâng cao vai trò của KH&CN trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành sản xuất nhựa kỹ thuật nói riêng; 3) Định hướng triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và Chương trình nghiên cứu KH&CN mục tiêu giai đoạn 2018-2020 của TP Hồ Chí Minh; 4) Là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành nhựa kỹ thuật và công nghệ in 3D.
Báo cáo kết quả nghiên thực hiện, ThS Huỳnh Kim Tước - Chủ nhiệm đề tài cho biết, ngành nhựa kỹ thuật Việt Nam là một ngành non trẻ, ra đời trong bối cảnh có sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp FDI và sự bảo hộ về mặt kỹ thuật của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn nhưng đã có sự vươn lên và đạt được những thành tựu bước đầu. Ngành nhựa kỹ thuật Việt Nam đã sản xuất được nhiều loại sản phẩm nhựa khác nhau, trong đó có khả năng sản xuất được hầu hết các linh kiện cho ngành xe máy; khoảng một nửa linh kiện cho ngành ô tô và nhiều ngành công nghiệp khác như điện, điện tử...
Để triển khai đề tài, nhóm nghiên cứu Đề tài được triển khai trên cơ sở của phương pháp luận “Xây dựng Bản đồ công nghệ” do Cục Ứng dụng và phát triển công nghệ (Bộ KH&CN) biên soạn. Để xây dựng các sản phẩm, các thành viên tham gia đề tài đã tiến hành thu thập các tài liệu có sẵn từ nhiều nguồn khác nhau như Internet, báo cáo chuyên đề, báo cáo nghiên cứu của các đề tài đã thực hiện, báo cáo tổng kết/đánh giá của các hội nghề nghiệp, các văn bản quy phạm pháp luật, các tài liệu giới thiệu kỹ thuật của các doanh nghiệp sản xuất và cung cấp thiết bị sản xuất nhựa… Trên cơ sở các tài liệu thu thập được từ nguồn thứ cấp, đã tiến hành xây dựng cây công nghệ và hồ sơ công nghệ nhựa kỹ thuật, xây dựng các tiêu chí đánh giá trình độ công nghệ và tham vấn với các chuyên gia về cây công nghệ và tiêu chí đánh giá. Dựa trên cây công nghệ và hồ sơ công nghệ, thiết kế bảng câu hỏi và tiến hành khảo sát thu thập thông tin từ doanh nghiệp, đồng thời tham vấn các chuyên gia về trình độ công nghệ cho các công nghệ đã được xác định trên cây công nghệ và hồ sơ công nghệ. Sau khi thu thập thông tin và tham vấn chuyên gia, tiến hành phân tích và tổng hợp các thông tin đã thu thập được; viết báo cáo các sản phẩm đầu ra; tổ chức các hội thảo tham vấn, góp ý cho các sản phầm và hoàn thiện sản phẩm theo góp ý.
Kết quả được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu xếp loại khá
Tại buổi họp đánh giá, nghiệm thu, Chủ nhiệm đề tài đã trình bày một số sản phẩm chính mà đề tài đạt được, cụ thể là: 1) Bản đồ công nghệ ngành nhựa kỹ thuật; 2) Báo cáo bản đồ công nghệ ngành nhựa kỹ thuật; 3) Báo cáo đề xuất các công nghệ ưu tiên và lộ trình đổi mới công nghệ trong ngành nhựa kỹ thuật; 4) Báo cáo đề xuất các giải pháp phát triển ứng dụng công nghệ in 3D; Cơ sở dữ liệu và phần mềm quản lý bản đồ công nghệ trong ngành nhựa kỹ thuật.
Kết quả của đề tài khẳng định: Trình độ công nghệ nhựa kỹ thuật của Việt Nam nhìn chung ở mức trung bình khá so với thế giới, trong đó yếu nhất là khâu thiết kế sản phẩm do các doanh nghiệp nhựa kỹ thuật Việt Nam ít có cơ hội được tham gia vào công đoạn này. Hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào và máy móc, thiết bị ngành nhựa đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thị trường ngành nhựa kỹ thuật được dự báo có nhiều tiềm năng, nhưng sự cạnh tranh sẽ trở nên ngày cành khốc liệt. Do đó, để phát triển ngành nhựa kỹ thuật trong nước, cần có các chính sách hỗ trợ đủ lớn và lâu dài.
Bên cạnh đó, đề tài cũng nhận định, In 3D đã và đang được ứng dụng khá phổ biến tại Việt Nam nhưng in 3D trong ngành nhựa kỹ thuật còn chưa phát triển do hạn chế thị trường và tính đặc thù của sản phẩm. Trong tương lai, in 3D sẽ là một ngành tiềm năng do nhu cầu thị trường được dự báo sẽ tăng lên. Để khắc phục những nhược điểm đang tồn tại, việc đầu tư cho nghiên cứu và thúc đẩy ứng dụng in 3D nhựa ở Việt Nam là cần thiết.
Có thể nói, kết quả của đề tài là nguồn cơ sở dữ liệu phục vụ cho triển khai các Chương trình KH&CN quốc gia; góp phần định hướng cho các chương trình phát triển KH&CN trong giai đoạn tới cũng như nâng cao vai trò của KH&CN trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành sản xuất nhựa kỹ thuật nói riêng; định hướng triển khai Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn TP Hồ Chí Minh; là cơ sở quan trọng để xây dựng kế hoạch triển khai hoạt động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ngành nhựa kỹ thuật và công nghệ in 3D; tài liệu tham khảo hữu ích cho các doanh nghiệp trong việc định hướng lựa chọn sản phẩm và công nghệ phù hợp với nhu cầu thị trường, năng lực hiện tại và xu hướng phát triển của thế giới.
Tại buổi họp Hội đồng, các thành viên hội đồng đánh giá cao những kết quả mà nhóm nghiên cứu đạt được; đề xuất bổ sung một số nội dung cần làm rõ. Hội đồng đánh giá, nghiệm thu xếp loại đề tài đạt loại khá.
Theo: Vjst.vn

lên đầu trang