Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 21:14

Thứ bảy, 18/05/2024 | 21:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:48 ngày 02/07/2021

Hà Tĩnh ứng dụng khoa học - công nghệ trong xử lý rác thải

Trong những năm gần đây tại Hà Tĩnh, nhiều công nghệ mới đã được nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng mang lại hiệu quả trong xử lý môi trường. Tuy vậy, công tác ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong xử lý môi trường cũng còn những tồn tại, hạn chế.
Để xử lý chất thải sinh hoạt, Hà Tĩnh đã chuyển giao, ứng dụng một số công nghệ như: Ủ phân vi sinh, công nghệ đốt không sử dụng nhiên liệu tại 6 địa phương gồm các huyện: Lộc Hà, Thạch Hà, Nghi Xuân, Hương Sơn, Đức Thọ và thị xã Kỳ Anh. Các cơ quan chức năng đã tuyên truyền phân loại rác, hướng dẫn người dân dùng những chế phẩm sinh học như: EM, L2100CHV, Sagi Bio-1, Hatimic, EMIC.... để tự chế biến phân bón từ rác thải hữu cơ.
Công nhân môi trường thu gom rác thải tại TP Hà Tĩnh. Ảnh: NGUYỄN OANH 
Tại huyện Can Lộc, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt của Công ty TNHH Thương mại và Xử lý môi trường Can Lộc với tổng mức đầu tư 45 tỷ đồng bằng công nghệ hiện đại đã giải quyết được bài toán vệ sinh môi trường cho địa phương. Ông Nguyễn Huy Vượng, Giám đốc HTX Môi trường thị trấn Nghèn cho biết: “Mỗi ngày, riêng tại địa bàn thị trấn có khoảng 10 tấn rác thải. Sau khi các xã viên thu gom về điểm tập kết sẽ chuyển đến nhà máy để xử lý. Lượng rác sau khi đi qua tất cả các dây chuyền xử lý trong nhà máy sẽ được tái sử dụng 100% thành những sản phẩm hữu ích như: Hạt nhựa, phân bón, gạch... Các tổ đội vệ sinh môi trường sử dụng những chế phẩm sinh học để giảm mùi hôi, thúc đẩy quá trình phân hủy chất hữu cơ tại các bãi chôn lấp, bãi trung chuyển, điểm tập kết rác thải”.
Trước đây, chất thải rắn công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đều phải thuê đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển đến các tỉnh khác để xử lý. Điều này không chỉ gây khó khăn cho các doanh nghiệp do chi phí thu gom, vận chuyển và xử lý cao mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do chất thải tồn đọng không được thu gom kịp thời. Từ tháng 8-2016, Nhà máy chế biến chất thải công nghiệp Hà Tĩnh công suất 1.060 tấn/ngày với công nghệ tiên tiến đi vào hoạt động góp phần tích cực giải quyết khó khăn trong xử lý chất thải công nghiệp và chất thải nguy hại phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh Hà Tĩnh cũng chú trọng đưa KH&CN vào xử lý chất thải y tế. Toàn tỉnh có 6 bệnh viện tuyến tỉnh và 13 bệnh viện tuyến huyện, phát sinh lượng nước thải khoảng 800m3/ngày đêm. Cho đến nay, hầu hết các bệnh viện đã được đầu tư hệ thống xử lý nước thải sử dụng các công nghệ xử lý bằng sinh học như Aeroten, màng lọc sinh học AAO... nên kết quả xử lý nước thải đã đáp ứng theo quy chuẩn hiện hành.
Với chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi, hiện nay tỉnh Hà Tĩnh có hơn 300 cơ sở chăn nuôi tập trung theo quy hoạch được duyệt và hàng trăm nghìn cơ sở chăn nuôi quy mô nhỏ. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng đang đặt ra những vấn đề cấp bách về ô nhiễm môi trường. Thời gian qua, một số công nghệ mới đã được nghiên cứu thử nghiệm và áp dụng tại một số trang trại, bước đầu cho thấy hiệu quả tích cực trong việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi. Điển hình như Công nghệ sinh học giá thể cố định MBBR kết hợp hóa lý để xử lý nước thải chăn nuôi sau Biogas được ứng dụng tại trang trại chăn nuôi lợn của HTX Nông nghiệp và Dịch vụ tổng hợp Hoàng Phát (xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh). Đây là công nghệ mới với nhiều ưu điểm nổi bật nhờ các giá thể vi sinh tạo cho màng sinh học một môi trường bảo vệ, do đó, hệ vi sinh xử lý dễ phục hồi, có khả năng chịu được tải trọng hữu cơ cao, loại bỏ được ni-tơ trong nước thải, tiết kiệm được diện tích, dễ vận hành. Hay việc ứng dụng phát triển Hệ thống tự động xử lý nước thải sau Biogas được thử nghiệm thành công tại trang trại chăn nuôi lợn ở xã Kỳ Đồng, huyện Kỳ Anh. Công nghệ này xử lý khí thải dựa vào sự hoạt động của các nhóm vi khuẩn có lợi cho môi trường và hệ thống rửa khí để loại bỏ các khí độc hại, bảo đảm môi trường trong sạch.
Tuy nhiên, công tác nghiên cứu, phát triển và ứng dụng KH&CN trong bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Thời gian qua, số lượng đề tài khoa học cấp tỉnh hằng năm về lĩnh vực BVMT còn ít. Đơn cử như năm 2020, trong danh mục giao nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN cấp tỉnh của Hà Tĩnh không có đề tài nào về lĩnh vực BVMT. Mặt khác, trình độ chuyên môn về KH&CN của cán bộ trong các cơ quan quản lý nhà nước cũng như cán bộ, công nhân vận hành các hệ thống xử lý chất thải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công tác quản lý môi trường. Nhiều công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước chưa được triển khai, ứng dụng ở địa phương.
Đáng nói, hiện nay, việc quy hoạch xử lý chất thải khu vực đô thị và nông thôn tại Hà Tĩnh chưa được soát xét đồng bộ khiến nhiều cơ sở, nhà máy xử lý rác thải còn chậm triển khai hoặc hoạt động cầm chừng, kém hiệu quả, khiến việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN gặp khó khăn. Bà Dương Thị Ngân, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh Hà Tĩnh đề xuất: “Để nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, phát triển, chuyển giao ứng dụng KH&CN trong xử lý môi trường, thời gian tới, cơ quan chức năng chủ động nâng cao nghiệp vụ và trình độ của cán bộ quản lý môi trường các cấp và cán bộ vận hành hệ thống xử lý môi trường tại các cơ sở chăn nuôi, sản xuất kinh doanh, các bệnh viện, khu, cụm công nghiệp... về ứng dụng KH&CN trong xử lý môi trường. Đồng thời, tỉnh Hà Tĩnh cần có chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý khoa học nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực BVMT hướng tới sự phát triển bền vững”.
Theo: Quân đội Nhân dân

lên đầu trang