Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 02:45

Chủ nhật, 19/05/2024 | 02:45

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:36 ngày 10/07/2013

Sử dụng phân bón theo hướng an toàn và bền vững

Phân bón được gọi là thức ăn của cây trồng, là nguồn dinh dưỡng cho cây sinh trưởng, phát triển và tạo ra các sản phẩm trồng trọt cung cấp cho xã hội là yếu tố mang lại sự bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, để tạo ra trên 40 triệu tấn lương thực cùng với các sản phẩm trồng trọt khác phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, Việt Nam phải sử dụng trên dưới 9 triệu tấn phân bón các loại.

 

Tuy nhiên, không phải tất cả lượng phân bón sử dụng sẽ được cây trồng hấp thụ hết để cây sinh trưởng, phát triển và cho sản phẩm thu hoạch. Theo tính toán của các chuyên gia trong lĩnh vực nông hóa học ở Việt Nam, tùy theo chất đất, giống cây trồng, thời vụ, phương pháp bón, loại phân bón, hiệu suất sử dụng phân bón của ba yếu tố dinh dưỡng đa lượng là đạm (N), lân (P2O5) và kali (K2O) ở nước ta mới chỉ đạt ở mức: 35-45% đối với phân đạm, tương đương với 1,2 triệu tấn urê/năm; 40-45% đối với phân lân, tương đương với khoảng 1,5 triệu tấn supe lân/năm và từ 40-50% đối với phân bón kali, tương đương với 344 nghìn tấn kali clorua (KCl) được bón vào đất, nhưng chưa được cây trồng sử dụng.

Lượng phân bón mà cây chưa sử dụng được, một phần được giữ lại trong các keo đất là nguồn dinh dưỡng dự trữ cho vụ sau, một phần bị rửa trôi theo nước mặt, chảy vào các kênh mương, ao, hồ, sông, suối gây ô nhiễm nguồn nước mặt; một phần bị trực di (thấm theo chiều dọc) xuống tầng nước ngầm và một phần bị bay hơi do tác động của nhiệt độ hay quá trình phản nitrat hóa gây ô nhiễm không khí, gây nên ô nhiễm môi trường và rất lãng phí đối với người sản xuất. Nhằm tăng hiệu suất sử dụng phân bón, hạn chế gây ô nhiễm môi trường,  sử dụng phân bón cần phải được thực hiện theo hướng an toàn, bền vững dựa trên các nguyên tắc bón phân cân đối và hợp lý sau:

1. Bón đúng loại phân: Cây cần phân gì bón đúng loại phân đó. Phân có nhiều loại, mỗi loại lại có những tác dụng riêng. Bón đúng loại phân phải tính cho nhu cầu của cây và phải tính đến đặc điểm tính chất đất. Đất chua không bón các loại phân có tính axit, ngược lại, đất kiềm không nên bón các loại phân có tính kiềm.

2. Bón đúng lúc: Nhu cầu đối với các chất dinh dưỡng của cây thay đổi tuỳ theo các giai đoạn sinh trưởng và phát triển. Bón đúng thời điểm cây cần, tốt nhất là chia ra bón nhiều lần và bón vào lúc cây hoạt động mạnh. Bón tập trung vào một lúc với nồng độ và liều lượng phân bón quá cao, cây không thể sử dụng hết được, lượng phân bị hao hút nhiều, thậm chí phân còn có thể gây ra những tác động xấu đối với cây.

3. Bón đúng đối tượng: Trong cách hiểu thông thường bón phân là cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Thực tế cho thấy, một lượng khá lớn chất dinh dưỡng của cây, nhất là các nguyên tố vi lượng, được tập đoàn vi sinh vật đất sử dụng trước để sinh sống. Sau khi vi sinh vật chết đi, các chất dinh dưỡng này mới được cung cấp lại cho cây trồng sử dụng. Trong trường hợp này, thay vì bón phân cho cây trồng, các chất dinh dưỡng trong phân bón giúp cho tập đoàn vi sinh vật đất phát triển. Như vậy, đối tượng của phân bón không chỉ có cây trồng, tập đoàn vi sinh vật đất, mà còn có cả toàn bộ các thành tố cấu thành nên hệ sinh thái nông nghiệp.

3. Bón đúng thời tiết, mùa vụ: Thời tiết có ảnh hưởng đến chiều hướng tác động và hiệu quả của phân bón. Mưa làm rửa trôi phân bón gây lãng phí lớn. Nắng gắt cùng với tác động của các hoạt động phân bón có thể cháy lá, hỏng hoa, quả, làm bay hơi dinh dưỡng đạm.

 4. Bón đúng cách: Có nhiều phương pháp bón phân: bón vào hố, bón vào rãnh, bón rải trên mặt đất, hoà vào nước phun lên lá, bón phân kết hợp với tưới nước, v.v... Có nhiều dạng bón phân: rắc bột, vo viên dúi vào gốc, pha thành dung dịch để tưới. Lựa chọn đúng cách bón thích hợp cho loại cây trồng, cho vụ sản xuất, cho loại đất,... có thể làm tăng hiệu quả sử dụng phân bón lên gấp nhiều lần.

 5. Bón phân cân đối: Cây trồng có yêu cầu đối với các chất dinh dưỡng ở những lượng nhất định với những tỷ lệ nhất định giữa các chất. Thiếu một chất dinh dưỡng nào đó, cây sinh trưởng và phát triển kém, ngay cả những khi có các chất dinh dưỡng khác ở mức thừa thãi.Đối với mỗi loại cây trồng có những tỷ lệ khác nhau trong mức cân đối các yếu tố dinh dưỡng. Tỷ lệ cân đối này cũng thay đổi tuỳ thuộc vào lượng phân bón được sử dụng và cân đối giữa các nguyên tố dinh dưỡng ở các loại đất khác nhau.

Như vậy, bón phân cân đối có tác dụng: a) Ổn định và cải thiện độ phì nhiêu của chất, bảo vệ đất chống rửa trôi, xói mòn; b) Tăng năng suất cây trồng, nâng cao hiệu quả của phân bón và của các biện pháp kỹ thuật canh tác khác; c)Tăng phẩm chất nông sản; d) Bảo vệ nguồn nước, hạn chế chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường.

6. Tăng cường sử dụng phân hữu cơ: Để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây và giúp duy trì độ phì đất, cải thiện tính chất vật lý, hoá học và sinh học đất, làm cho đất tơi xốp, tăng khả năng giữ nước, tăng cường hoạt động của các vi sinh vật trong đất. Hàng năm ước khoảng 40 triệu tấn rơm rạ chưa được sử dụng hợp lý, thường bị đốt hoặc sử dụng với mục đích khác vừa gây lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, tổ chức xử lý nguồn hữu cơ trên đồng ruộng nhằm trả lại dinh dưỡng cho đất, tiết kiệm được phân khoáng và đem lại hiệu quả sản xuất cao.

7. Áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sử dụng phân bón gồm:

a) Thực hiện chương trình 3 giảm, "3 tăng", giảm áp lực sử dụng phân đạm; giảm chi phí giống, công chăm sóc; giảm phòng trừ sâu bệnh và giảm giá thành sản xuất, đồng thời tăng năng suất, tăng chất lượng nông sản, đem lại lợi nhuận cao cho người nông dân. Hiện nay, chương trình này đang được áp dụng ở một số tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long đem lại hiệu quả rõ rệt.

b) Sử dụng các chế phẩm có khả năng làm tăng hiệu suất sử dụng dinh dưỡng đa lượng phối trộn trong phân bón như: NEB-26, Agrotain, Wegh,… đã giảm được từ 25 đến 50% lượng phân bón.

c) Sử dụng các loại phân bón dạng chậm tan có lớp "áo" giữ cho hạt phân ở trạng thái khô ráo trong quá trình bảo quản, khi bón vào đất các chất dinh dưỡng trong phân được giải phóng từ từ, đảm bảo cây trồng có đủ dinh dưỡng cần thiết ở mọi giai đoạn, giảm công lao động, giảm chi phí đầu tư cho người sản xuất, làm môi trường trong sạch hơn và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

d) Sử dụng các loại phân có tác dụng nâng cao khả năng miễn dịch, sức chống chịu của cây trồng. Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu rất nhiều vùng chịu tác động của môi trường thay đổi. Việc sử dụng những loại có chứa hợp chất K-humate, các loại có chứa các nguyên tố đất hiếm, các loại phân có chứa chất giữ ẩm, có chứa silic… có tác dụng làm tăng khả năng chịu lạnh, chịu nóng, chịu khô hạn, phèn, mặn, ngộ độc hữu cơ do có tác dụng tăng khả năng lưu dẫn, chống nghẹt rễ, tăng cường phát triển bộ rễ, tăng sức chống chịu của cây trồng.

đ) Sử dụng phân bón qua lá có tác dụng cung cấp kịp thời các chất dinh dưỡng đa-trung-vi lượng cho cây trồng, đồng thời làm tăng khả năng hút các chất dinh dưỡng đa lượng, tạo cân bằng dinh dưỡng cho cây. Một số loại phân bón lá có bổ sung chất điều hoà sinh trưởng, kháng sinh, các vitamin, axit amin cần thiết làm kích thích sự phát triển của cây trồng và tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh. Sử dụng phân bón lá đúng quy cách có tác dụng hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí bón phân đa lượng và có thể tiết kiệm được từ 20-30% lượng nước tiêu tốn, đồng thời tăng năng suất, phẩm chất cây trồng.

Tuy nhiên, để sử dụng phân bón an toàn và hợp lý rất cần sự chỉ đạo thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước, sự hướng dẫn của các cơ quan khuyến nông và nhà nghiên cứu khoa học, từ đó, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các địa phương - những nơi chủ yếu phát triển bằng nghề nông hiện nay.

 TS. Trương Hợp Tác

                                                                                   Cục Trồng trọt

 

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn

lên đầu trang