Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:40

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:40

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:36 ngày 18/07/2013

Gắn kết hoạt động nghiên cứu với đổi mới công nghệ

Ngày 25/7/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1244/QĐ-TTg phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) chủ yếu giai đoạn 2011-2015. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã giao Vụ Khoa học Công nghệ xây dựng Dự thảo nhiệm vụ KH&CN chủ yếu  giai đoạn 2011-2015 của Ngành công thương. Sau đây là trao đổi của ông Nguyễn Đình Hiệp – Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ Công Thương với Chuyên san KHCN về nội dung Dự thảo này.

PV: Xin ông cho biết, giai đoạn 2011-2015 hoạt động KH&CN của ngành Công Thương sẽ tập trung vào những vấn đề gì?



Ông Nguyễn Đình Hiệp:
Với mục tiêu, phấn đấu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Vì vậy, các nhiệm vụ KH&CN của Ngành cũng phải cụ thể, chi tiết nhằm đóng góp xứng đáng vào việc thực hiện các mục tiêu và kế hoạch phát triển của ngành Công Thương, góp phần thực hiện mục tiêu và nhiệm vụ phát triển KH&CN của đất nước giai đoạn 2011-2015.  KH&CN phải đề xuất đượccơ sở khoa học và thực tiễn cho các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển bền vững của ngành Công Thương Việt Nam. Qua đó, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới và phát triển công nghệ, thiết bị sản xuất trong các doanh nghiệp công nghiệp, nâng cao tỉ trọng công nghệ hiện đại, công nghệ sạch trong các ngành, giảm dần sự phân tầng trình độ công nghệ trong từng ngành và trong các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, chú trọng thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp mới như công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp hoá dược, công nghiệp môi trường, công nghiệp cơ điện tử, công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường, tạo lập sự phát triển bền vững trong toàn ngành; chú trọng xuất khẩu bền vững, giảm nhập siêu, cân đối cán cân thương mại; phát triển kết cấu hạ tầng của ngành dịch vụ phân phối theo hướng hiện đại.

PV: Có ý kiến cho rằng cơ chế quản lý vẫn là một rào cản với các doanh nghiệp KH&CN. Ông có thể nói rõ hơn?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Đúng vậy, mặc dù Nghị định số 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức KH&CN công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về doanh nghiệp KH&CN đã được Chính phủ ban hành nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức KH&CN, nhưng nhìn chung, trong quá trình thực hiện, các tổ chức KH&CN vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Đó là các hướng dẫn và sự chuyển đổi về cơ chế quản lý còn thiếu đồng bộ, khó khăn trong việc huy động nguồn lực cho hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất kinh doanh v.v... Các cơ chế quản lý tài chính còn chưa thực sự được tháo gỡ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học. Chưa có cơ chế quản lý hiệu quả trong việc gắn kết nhà nghiên cứu với doanh nghiệp nhằm sớm ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tế sản xuất.

PV: Ngoài ra còn những rào cản nào khác không, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu cũng đang là một rào cản. Mặc dù Nhà nước và một số tập đoàn lớn đã có sự quan tâm đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu, nhưng nhìn chung vẫn chưa đáp ứng nhu cầu phát triển. Ở một số viện nghiên cứu chuyên ngành, đặc biệt là viện thuộc tổng công ty, các thiết bị nghiên cứu khá lạc hậu và thiếu làm hạn chế khả năng nghiên cứu đổi mới công nghệ, phát triển công nghệ, sản phẩm mới phục vụ cho sự phát triển của ngành. Sự nhạy bén và chủ động trong việc tìm kiếm các nguồn vốn cho đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN ở một số viện nghiên cứu còn hạn chế và thiếu tính chủ động.

Bên cạnh đó, vấn đề nguồn nhân lực cũng là một hạn chế đối với công tác phát triển KH&CN. Tình trạng thiếu hụt cán bộ nghiên cứu có trình độ, kinh nghiệm và thông thạo ngoại ngữ ở một số viện khá trầm trọng mà nguyên nhân chủ yếu ngoài việc chưa có sự quan tâm thích đáng cho công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ, còn do chính sách tiền lương, thu nhập chưa được cải thiện, nên có hiện tượng các cán bộ có trình độ chuyên môn và ngoại ngữ tốt không yên tâm công tác, chuyển sang làm việc cho khu vực tư nhân hoặc đầu tư nước ngoài.

PV: Ông đánh giá thế nào về sự phối hợp giữa các lực lượng KH&CN với doanh nghiệp và hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Mặc dù các viện nghiên cứu đã tích cực chủ động phối hợp với các doanh nghiệp trong ngành để hình thành các nhiệm vụ KH&CN, nhưng sự phối hợp giữa nhà nghiên cứu và cơ sở sản xuất (nơi áp dụng kết quả nghiên cứu) vẫn chưa chặt chẽ do chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm cụ thể dẫn đến các kết quả nghiên cứu của các viện vẫn rất khó triển khai ứng dụng vào thực tế sản xuất.

Các hoạt động về đầu tư đổi mới công nghệ, thông tin quảng bá và chuyển giao, áp dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất còn khó khăn, tiến triển chậm. Tỉ lệ kết quả nghiên cứu thành công ở quy mô phòng thí nghiệm được phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm còn thấp do nhiều nguyên nhân; trong đó có nguyên nhân về tiềm lực trang thiết bị và tài chính không đáp ứng yêu cầu để phát triển dự án. Hiệu quả huy động sự tham gia của lực lượng KH&CN ở các trường đào tạo vào hoạt động nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển ngành chưa cao và chưa tương xứng với tiềm năng.

PV: Vậy nhiệm vụ KH&CN chủ yếu giai đoạn 2011-2015 của ngành Công Thương sẽ là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đình Hiệp: Dự thảo sẽ tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới. Hiện chúng tôi mới đưa ra một số nhiệm vụ chủ yếu sau:

- Tiếp tục hoàn thiện công tác đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý KH&CN theo hướng nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm; hình thành và phát triển mô hình doanh nghiệp KH&CN nhằm gắn kết tốt hơn hoạt động nghiên cứu với thực tế sản xuất trong cơ chế mới.

- Đầu tư đúng mức, có trọng điểm cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu cho các phòng thí nghiệm, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ nghiên cứu quy mô lớn, triển khai sản xuất thử - thử nghiệm.

- Tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình, đề án khoa học công nghệ Chính phủ giao Bộ Công thương chủ trì thực hiện.

- Đẩy mạnh đào tạo nâng cao, đào tạo lại, thu hút các cán bộ khoa học trẻ có năng lực chuyên môn và trình độ ngoại ngữ tốt đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác nghiên cứu KH&CN.

- Đẩy mạnh phát triển thị trường KH&CN, tạo cơ chế gắn kết chặt chẽ và cộng đồng trách nhiệm trong việc huy động nguồn lực cho KH&CN, áp dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất.

- Kết hợp chặt chẽ nghiên cứu và phát triển trong nước với chuyển giao công nghệ từ nước ngoài, đẩy nhanh tốc độ đầu tư đổi mới công nghệ trong ngành công nghiệp.

- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu triển khai, nghiên cứu ứng dụng để tiếp nhận, làm chủ công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp như cơ khí, cơ điện tử, tự động hóa, khoáng sản, luyện kim, hoá chất, năng lương, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm; phát triển ngành công nghiệp như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ cơ điện tử, tự động hoá, công nghệ xử lý môi trường.

- Đầu tư thích đáng cho nghiên cứu phát triển công nghiệp hỗ trợ, phát triển khâu thiết kế mẫu mã sản phẩm, phát triển thương hiệu, kết nối sản xuất và thương mại... nhằm nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm công nghiệp.

- Đẩy mạnh hoạt động xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn Việt Nam, các rào cản kỹ thuật trong thương mại, nhằm bảo vệ hàng hoá sản xuất trong nước.

- Nghiên cứu các cơ sở khoa học và thực tiễn phục vụ tái cơ cấu lại hoạt động thương mại phù hợp với yêu cầu của thời kỳ hậu khủng hoảng.

- Nghiên cứu phát triển xuất khẩu dịch vụ, nhất là các dịch vụ mà Việt Nam có lợi thế; mở rộng dần các điểm Logistic.

 - Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc tế về KH&CN với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nước ASEAN và các nước khác để nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đào tạo cán bộ./.

 

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Hạnh (thực hiện)

 

 

 

 

lên đầu trang