Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 23:16

Thứ bảy, 18/05/2024 | 23:16

Tin KHCN

Cập nhật lúc 20:05 ngày 03/09/2021

Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ chuyển đổi số

Chuyển đổi số đang được đánh giá là giải pháp hữu hiệu giúp doanh nghiệp (DN) tìm kiếm cơ hội trong hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD), vượt qua khủng hoảng của đại dịch Covid-19. Theo đó, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số cũng được xem là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay.
Theo nghiên cứu của công ty nghiên cứu thị trường Market Research Future, thị trường chuyển đổi số (CĐS) toàn cầu năm 2018 đã đạt 250,65 tỷ USD và ước tính đến năm 2025 đạt khoảng 817,05 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 18,87%.
Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số là việc làm cần thiết
Tại Việt Nam, nhu cầu CĐS cũng đang trở nên cấp thiết với nhiều DN, trong đó bao gồm cả những DN nhỏ và vừa. Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, anh Nguyễn Văn Khánh – Chủ một DN chuyên phân phối sách và văn phòng phẩm trên địa bàn Hà Nội - cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, những năm gần đây bên cạnh kênh bán hàng truyền thống tại cửa hàng, công ty cũng áp dụng bán hàng theo hình thức trực tuyến, giao hàng tận tay cho khách hàng có nhu cầu và đã mang lại kết quả nhất định.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động CĐS đang diễn ra như một nhu cầu tự nhiên của nhiều cơ sở SXKD, nhằm đáp ứng hành vi tiêu dùng đang thay đổi của khách hàng. Trên thực tế, một tỷ trọng không nhỏ cơ sở SXKD đã ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu và tại Việt Nam, nhu cầu CĐS đối với các DN, cơ sở SXKD lại càng trở nên cấp thiết, giúp họ đổi mới mô hình, chuyển dần các hoạt động kinh doanh theo phương thức truyền thống sang các nền tảng số.
Nhằm hỗ trợ CĐS, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Chương trình hỗ trợ CĐS trong DN, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025. Chương trình đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025: 100% các cơ sở SXKD được nâng cao nhận thức về CĐS; tối thiểu 500.000 cơ sở SXKD nhận được các hỗ trợ từ chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng của CĐS, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, tham gia các gói ứng dụng giải pháp công nghệ CĐS; tối thiểu 800 DN, 100 hợp tác xã và 4.000 hộ kinh doanh được hỗ trợ là thành công điển hình trong CĐS.
Theo các chuyên gia kinh tế, hỗ trợ DN CĐS là việc làm cần thiết. Trên thực tế, một số quốc gia trên thế giới cũng đã thực hiện hỗ trợ CĐS trong DN và đã đạt được thành công, như: Singapore, Thái Lan, Malaysia. Cụ thể, năm 2017, Singapore đã dành 4,5 tỷ USD vốn ngân sách nhà nước nhằm hỗ trợ CĐS cho 23 ngành nghề, chiếm gần 80% GDP của nước này, bao gồm cả các giải pháp tài chính và phi tài chính, nhằm hỗ trợ DN trong quá trình CĐS. Thông qua các chương trình CĐS, Chính phủ Singapore cung cấp cho các DN nhỏ và vừa trong từng ngành nghề, lĩnh vực khác nhau những lộ trình chuyển đổi phù hợp, đồng thời tư vấn cụ thể về hỗ trợ giải pháp công nghệ đã được kiểm chứng thực tế và các chuyên gia tư vấn để hỗ trợ trong quá trình CĐS.
Chuyển đổi số giúp DN thuận tiện hơn trong việc tìm kiếm thị trường, cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động, khả năng cạnh tranh, thích ứng với bối cảnh mới.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang