Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 06:32

Chủ nhật, 19/05/2024 | 06:32

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:16 ngày 11/10/2016

Ngành Công Thương Hà Nội: Đẩy mạnh liên kết, hợp tác

Nhiều chương trình giao thương, liên kết được tổ chức thành công

Đẩy mạnh hợp tác

Hà Nội sau 62 năm kể từ ngày đoàn quân tiếp quản Thủ đô đã có sự thay đổi đến ngỡ ngàng. Với ngành công thương, 62 năm là quãng thời gian đồng hành cùng sự phát triển của Thủ đô yêu dấu.

Trải qua những biến thiên của lịch sử, ngành Công Thương Hà Nội đã chứng tỏ vị thế của mình cả trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, xây dựng miền Bắc XHCN, qua những năm đổi mới và đến nay là hội nhập kinh tế quốc tế. Giờ đây, không chỉ là động lực phát triển kinh tế Thủ đô, ngành Công Thương Hà Nội còn gánh trọng trách là trung tâm kết nối, đầu mối xuất khẩu hàng hóa.

Bà Trần Thị Phương Lan- Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội- cho biết, với phương châm “Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội”, ngành Công Thương Hà Nội đã đẩy mạnh giao thương, hợp tác với các địa phương trong cả nước, nhằm tăng cường liên kết, hợp tác khai thác tiềm năng, thế mạnh hỗ trợ cùng phát triển. Với dân số 7,5 triệu người và khoảng 2 triệu người làm việc, lao động, Hà Nội là thị trường tiêu thụ rất lớn các sản phẩm thiết yếu như gạo, rau, củ, thủy - hải sản…, trong khi khả năng tự cung ứng của Hà Nội còn hạn chế, phần lớn phải nhập từ các tỉnh, thành phố trên cả nước. Không những là thị trường tiêu thụ lớn, Hà Nội còn có thế mạnh trong xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế. Với mục tiêu kết nối giao thương, Hà Nội đã tổ chức nhiều chương trình liên kết vùng, kết nối giao thương với các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm địa phương.

Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan (thứ hai từ phải sang) nghe giới thiệu về đặc sản An Giang

Năm 2016, Sở Công Thương Hà Nội đã thực hiện chương trình kết nối giao thương với các tỉnh Sơn La, Bắc Giang, Thái Bình…, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đưa các sản phẩm thế mạnh của các tỉnh vào hệ thống phân phối của Hà Nội tiếp cận trực tiếp đến người tiêu dùng Thủ đô, nhằm tạo đầu ra cho sản phẩm các địa phương này.

Trong tháng 9/2016, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức đoàn công tác xúc tiến thương mại thực hiện Chương trình kết nối giao thương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại tỉnh An Giang và Cà Mau. Đoàn công tác gồm những doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn của TP. Hà Nội như: Tổng công ty Thương mại Hà Nội, Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart), Công ty Hữu Nghị, Công ty Thực phẩm sạch An Việt… đã tìm hiểu thông tin thị trường, tham gia hợp tác đầu tư, tạo sự kết nối bền vững nhằm thực hiện giao thương, tiêu thụ sản phẩm.

Tạo đầu ra cho sản phẩm vùng miền

Bà Trần Thị Phương Lan chia sẻ, đến các tỉnh phía Nam như An Giang và Cà Mau, chúng tôi thấy các địa phương có rất nhiều đặc sản vùng miền, như nông sản An Giang thật phong phú, chất lượng rất ngon, còn thủy - hải sản ở Cà Mau thì rất đặc sắc, hiếm nơi nào có được… Mặc dù một số sản phẩm thế mạnh của hai tỉnh này cũng đã có mặt tại thị trường Hà Nội, tuy nhiên, số lượng còn ít và chủ yếu đưa vào các chợ truyền thống, chưa xứng với tiềm năng, thế mạnh và chưa trở thành những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao.

Tỉnh An Giang nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng ĐBSCL, là trung tâm kinh tế thương mại vùng và khu vực, có đường biên giới đất liền tiếp giáp vương quốc Campuchia. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi để sản xuất, chế biến các sản phẩm trong nông nghiệp, đặc biệt là các loại gạo chất lượng cao và thủy sản nước ngọt. Cà Mau, với địa hình ba mặt giáp biển với chiều dài bờ biển hơn 254km, có lợi thế về nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Bình quân hàng năm, Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản từ 1 tỷ USD trở lên. Tuy nhiên, các sản phẩm thủy sản, cũng như một số hàng hóa đặc sản của Cà Mau tiêu thụ tại thị trường nội địa chưa nhiều, doanh thu còn khá khiêm tốn.

Giám đốc Trung tâm khuyến công và Xúc tiến Thương mại Cà Mau (trái) giới thiệu đặc sản Cua Năm Căn với các nhà phân phối Hà Nội

Qua các cuộc giao thương với các tỉnh, thành phố, Sở Công Thương Hà Nội đã kết nối doanh nghiệp phân phối Hà Nội với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất địa phương, đưa được các sản phẩm thế mạnh của tỉnh An Giang như gạo, hoa quả đóng hộp, đường thốt nốt; đặc sản Cua Năm Căn, tôm, cá… Cà Mau vào hệ thống bán lẻ hiện đại của các doanh nghiệp Hà Nội như siêu thị Hapro, Fivimart, được các địa phương đánh giá cao. 

Tại các hội nghị giao thương kết nối, các doanh nghiệp phân phối Hà Nội đã chủ động trao đổi kinh nghiệm về cách thức để đưa hàng vào các chuỗi siêu thị, xây dựng kênh phân phối hàng hóa, xây dựng kế hoạch cung ứng cụ thể trong từng thời điểm mùa vụ để xác lập hợp đồng kinh tế giữa các bên; đồng thời cam kết tạo điều kiện thuận lợi, tư vấn, hỗ trợ… để sản phẩm của doanh nghiệp tỉnh An Giang và Cà Mau vào được các kênh phân phối của đơn vị, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng Thủ đô và người tiêu dùng trên cả nước, qua đó thực hiện kết nối cung-cầu, tạo sự liên kết vững chắc giữa nhà sản xuất với nhà phân phối và người tiêu dùng.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, mặc dù khoảng cách địa lý giữa Hà Nội với An Giang và Cà Mau khá xa, nhưng hiện nay, hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đặc biệt là đường hàng không và mạng lưới bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và thương mại điện tử đã phát triển. Đó là cơ sở để các tỉnh ĐBSCL khắc phục khó khăn trở ngại, đẩy mạnh hợp tác với Thủ đô.

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội:

Từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức giao thương tại các vùng kinh tế trọng điểm trên cả nước và đón đoàn của các tỉnh, thành phố về giao thương tại Hà Nội, để Hà Nội ngày càng phát huy vai trò trung tâm kết nối kinh tế vùng miền cả nước, đồng thời tạo sức lan tỏa các chương trình phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.


Theo Báo Công Thương

lên đầu trang