Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 21:57

Chủ nhật, 19/05/2024 | 21:57

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:20 ngày 11/10/2016

Hà Nội chú trọng phát triển khu, cụm công nghiệp công nghệ cao


Chính sách thông thoáng

Theo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội (BQL), hiện thành phố đã và đang phát triển 19 khu công nghiệp (KCN), khu công nghệ cao (CNC) với tổng diện tích gần 4.100 ha. Trong đó, thành phố đang triển khai xây dựng 3  khu CNC, cùng với đó là 110 cụm công nghiệp với diện tích quy hoạch hơn 3.000 ha. Tính đến hết tháng 8/2016, các KCN đang hoạt động đã thu hút được 616 dự án (323 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài - FDI) với vốn đăng ký 5,22 tỷ USD, vốn đã giải ngân 3,28 tỷ USD, chủ yếu là các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… 293 dự án trong nước với vốn đăng ký 11.891 tỷ đồng (đã giải ngân được 7.168 tỷ đồng). Trong số các dự án FDI, nhiều dự án của các tập đoàn hàng đầu thế giới, sản phẩm CNC như Canon, Panasonic, Hoya, Meiko (Nhật Bản)…

Nhằm thu hút các dự án đầu tư vào KCN cũng như đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư như: Hỗ trợ toàn bộ đường ngoài hàng rào KCN bằng nguồn ngân sách thành phố; hỗ trợ điện nước đến chân hàng rào KCN và đấu nối tới từng doanh nghiệp... Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng giao cho BQL là đầu mối trong công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động của các KCN, điều này đã giúp doanh nghiệp hoạt động trong các KCN không phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan, tránh chồng chéo, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng như nhằm thực hiện và tuân thủ Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, để phát triển công nghiệp theo hướng bền vững, BQL đã tham mưu cho UBND TP. Hà Nội thu hút đầu tư theo hướng phát triển các CNC. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển các KCN mới theo hướng dịch vụ công nghệ thông tin, CNC công nghệ sinh học. Đối với các KCN mới thành lập, yêu cầu phải đồng bộ và có nhà máy xử lý nước thải tập trung trước khi chính thức đi vào hoạt động, đồng thời thu hút đầu tư có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án kỹ thuật cao, sử dụng ít lao động, các dự án thân thiện môi trường; tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh lớn; tạo lập thương hiệu sản phẩm công nghiệp, đặc biệt các ngành công nghiệp mũi nhọn của thành phố.

Hà Nội cũng cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cán bộ, công chức quản lý, để đến năm 2018 có 80% thủ tục tại BQL được giải quyết ở cấp độ 3, 4. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế đặc biệt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngay tại địa phương có đất phát triển KCN cũng như tạo điều kiện cho công nghiệp hỗ trợ phát triển bằng cách tạo thuận lợi về đầu vào; xác định rõ các sản phẩm chủ đạo, nổi trội để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng khi cung cấp cho các công ty mẹ, làm cơ sở cho thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ tạo chuỗi liên kết giá trị sản phẩm cuối cùng được tạo ra…

Góp phần nâng tầm thủ đô

Có thể khẳng định, sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, các KCN, khu chế xuất của Hà Nội đã có những đóng góp không nhỏ phát triển kinh tế - xã hội thủ đô. Trong số 616 dự án đầu tư tại các KCN Hà Nội, có trên 550 dự án đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, giá trị doanh thu trong sản xuất, công nghiệp bình quân đạt 5,1 tỷ USD/năm, với mức tăng trưởng doanh thu đạt khoảng 11% /năm; bình quân 1 ha thu ngân sách trên 2,5 tỷ đồng/năm; kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD, chiếm khoảng 40% kim ngạch xuất khẩu của thành phố và tăng bình quân 7%/năm; giải quyết việc làm mỗi năm từ 7.000-10.000 lao động. Cụ thể, đến hết tháng 8/2016, các KCN Hà Nội đã thu hút 143.057 lao động, trong đó lao động Việt Nam là 141.883 người. Điều này đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thủ đô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tạo dựng hệ thống hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu công nhân lao động trong các KCN, trở thành nhân tố quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa.

Hệ thống xử lý nước thải tại Cụm công nghiệp Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì

Thời gian tới, Hà Nội sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; tăng cường thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch, triển khai các chương trình, hoạt động thu hút đầu tư FDI vào các KCN, khu chế xuất Hà Nội; tạo điều kiện mở rộng thị trường, liên kết sản xuất, kinh doanh giữa các doanh nghiệp FDI trong các KCN Hà Nội với doanh nghiệp trong nước. Trong đó, tập trung vào những giải pháp như ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp CNC, công nghiệp hỗ trợ, phát triển công nghiệp sạch để tăng giá trị sản phẩm và bảo vệ môi trường.

Hà Nội tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động trong các KCN; đẩy mạnh chương trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; quan tâm chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện sống và sinh hoạt của người lao động nhằm phát triển bền vững và lâu dài của các KCN.


Theo Báo Công Thương

lên đầu trang