Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 23:59

Thứ hai, 06/05/2024 | 23:59

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:53 ngày 15/11/2021

Cách mạng năng lượng xanh tại Nga chuyển đổi để phát triển

Việc tiết kiệm và tăng hiệu suất sử dụng năng lượng vừa giúp nâng cao hiệu quả của nền kinh tế, vừa góp phần bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững. Chuyên đề “Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả - nền tảng phát triển bền vững” cung cấp thông tin thực tiễn từ áp dụng công nghệ mới cho tới chiến lược, kế hoạch tổng thể mà Việt Nam và một số quốc gia đi đầu trong việc sử dụng năng lượng hiệu quả đã triển khai và gặt hái thành công.
Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả - phát triển bền vững là xu thế tất yếu của thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, đặc biệt đối với những nước có quy mô ngành năng lượng đứng đầu thế giới như Liên bang Nga.
Vùng Nizhny Novgorod hiện là một trong những trung tâm công nghiệp công nghệ cao của Nga. Tuy nhiên, vào cuối những năm 90 của thế kỷ XX, vùng này đã phải chi trả một khoản ngân sách “đột biến” cho ngành năng lượng.
Nguyên nhân là do sự yếu kém của chính quyền trong công tác tính toán, kiểm soát, cũng như điều tiết việc tiêu thụ năng lượng ở tất cả các ngành chưa hợp lý; đồng thời người tiêu dùng cũng không chú trọng đến việc sử dụng năng lượng tiết kiệm. Thực tế, ở Nizhny Novgorod nói riêng và ở Nga nói chung không ưu tiên việc sản xuất thiết bị sử dụng năng lượng hiệu quả, bên cạnh đó tồn tại thực trạng có sự độc quyền trong việc cung cấp điện…
Thành phố Nizhny Novgorod. (Ảnh: agrozavod.ru)
Đến năm 2005, số tiền ngân sách của vùng chi cho năng lượng giảm đáng kể nhờ chính quyền đã triển khai các chính sách tích cực trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng hiệu quả. Nhờ đó, ở vùng Nizhny Novgorod ghi nhận những chuyển biến tích cực gồm: tăng trưởng trong sản xuất công nghiệp; bảo đảm sự hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất hiện có, đồng thời hiện đại hóa thiết bị và sử dụng công nghệ hiệu quả năng lượng; tạo môi trường đầu tư thuận lợi trong vùng.
Theo một nghiên cứu được Phái đoàn của Ủy ban châu Âu tại Nga thực hiện, vùng Nizhny Novgorod được công nhận là có triển vọng thúc đẩy quy mô lớn các nguồn năng lượng tái tạo. Ở đây không những có đủ nguồn năng lượng mặt trời và năng lượng gió, chất thải hữu cơ và chất thải nông nghiệp, mà còn có môi trường đầu tư thuận lợi và sự hỗ trợ từ cả các cơ quan chính quyền khu vực, cũng như từ quần chúng và doanh nghiệp.
Với sự hỗ trợ tích cực từ phía các cơ quan chính quyền khu vực, các dự án năng lượng thí điểm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo đã được triển khai trong khu vực.
Hiện nay, ở Nizhny Novgorod đã lắp đặt và sử dụng rất hiệu quả hệ thống quang điện: ví dụ, nguồn điện của một tòa nhà dân cư tư nhân ở làng Tumbotino thuộc quận Pavlovsky được cung cấp từ các tấm quang điện do doanh nghiệp Soltek của vùng Nizhny Novgorod sản xuất.
Sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng sinh học và sử dụng sinh khối để sản xuất các nguồn năng lượng là rất hứa hẹn đối với vùng Nizhny Novgorod.
Sinh khối thường được chia thành nguyên sinh (thực vật, động vật…) và thứ cấp (chất thải từ quá trình chế biến sinh khối sơ cấp và các sản phẩm thải của con người và động vật).
Năng lượng được lưu trữ trong sinh khối sơ cấp và thứ cấp có thể được chuyển đổi thành nhiên liệu hoặc năng lượng theo một số cách:
- Thu được hydrocacbon thực vật (đặc biệt là dầu thực vật, có thể được sử dụng làm nhiên liệu hoặc phụ gia nhiên liệu)
- Chuyển đổi nhiệt hóa sinh khối thành nhiên liệu bằng cách đốt trực tiếp, nhiệt phân, khí hóa… (gỗ, than bùn, rơm rạ)
- Công nghệ sinh học chuyển đổi sinh khối thành nhiên liệu (khí sinh học từ chất thải chăn nuôi, khí sinh học trong bãi chôn lấp chất thải).
Thế nên, tại trang trại gia cầm Balakhna (làng Aleshino, quận Balakhninsky thuộc vùng Nizhny Novgorod) đang thí điểm mô hình năng lượng sinh học.
Đồng thời, tại Nizhny Novgorod, Viện nghiên cứu và phát triển công nghiệp Nyimestprom đã phát triển và triển khai nhà máy phát điện gió với trục quay thẳng đứng, có thể chuyển đổi năng lượng gió thành năng lượng điện. Mô hình này tạo ra nguồn năng lượng độc lập và rất dễ dàng lắp đặt tại nhà riêng hoặc khu dân cư, làng mạc, trang trại và các hộ tiêu dùng khác.
Ngoài ra, tại đây đã và đang xây dựng, đưa vào hoạt động một số nhà máy thủy điện và nhiệt điện nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện của cư dân.
Vùng Nizhny Novgorod nằm ở trung tâm của nước Nga, ở giao điểm của các hành lang vận tải Bắc - Nam và Tây - Đông, nên có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Liên bang Nga.
Thống đốc vùng Nizhny Novgorod V.P. Shantsev
Từ kết quả triển khai thành công của vùng và trước những yêu cầu mới trên thị trường năng lượng thế giới, Nga đã và đang đưa ra những chính sách, chiến lược nhằm bảo đảm nền kinh tế của đất nước phát triển ổn định.
Thách thức đối với ngành năng lượng của Liên bang Nga
Nga được coi là siêu cường năng lượng với trữ lượng, khối lượng sản xuất và xuất khẩu tài nguyên năng lượng hàng đầu thế giới.
Ngành công nghiệp năng lượng của Liên bang Nga, với 6 lĩnh vực chính (dầu mỏ, khí đốt, than đá, than bùn, điện lực và cung cấp nhiệt) đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra nguồn thu ngân sách của nước này.
Tổ hợp nhiên liệu và năng lượng tại Nga. (Ảnh: gazprom.ru)
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngành năng lượng của Liên bang Nga đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, như:
Phụ thuộc vào các nguồn nguyên liệu hóa thạch - tài nguyên không tái tạo (dầu mỏ, khí đốt, than đá), nhưng trữ lượng đang suy giảm; phụ thuộc vào nhu cầu năng lượng của thị trường thế giới, nhưng sự tăng trưởng chậm của nền kinh tế thế giới kéo theo nhu cầu tiêu dùng năng lượng giảm; thiếu cơ chế, khuôn khổ pháp lý để phát triển ngành năng lượng; hạn chế trong phát triển, ứng dụng khoa học và công nghệ của ngành năng lượng, khó nâng cao hiệu quả sản xuất, dự trữ và sử dụng năng lượng; không gian phân bổ các nguồn năng lượng trên lãnh thổ đất nước chưa đồng đều; thiếu nguồn đầu tư, hạn chế về khả năng thu hút tài trợ dài hạn từ các nhà đầu tư nước ngoài; chưa dự báo hết các tác động bên ngoài và các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành năng lượng, bao gồm các điều kiện và yếu tố văn hóa, biến đổi xã hội, quan hệ quốc tế...
Đường ống dẫn khí qua sông Ural. (Ảnh: gazprom.ru)
Để giải quyết những vấn đề trên, Chính phủ Nga đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững, thể hiện cụ thể qua: 9 đạo luật nhằm tăng cường sử dụng năng lượng hiệu quả của nền kinh tế Nga (năm 2019); Chương trình tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng đến năm 2035; Chiến lược năng lượng của Liên bang Nga đến năm 2035; Chiến lược phát triển công nghiệp xây dựng, nhà ở và tiện ích của Liên bang Nga đến năm 2030; Chiến lược phát triển hợp nhất cho ngành sản xuất của Liên bang Nga đến năm 2024 và giai đoạn đến năm 2035…, với những nội dung đáng chú ý là:
Khẳng định ưu tiên trong chính sách năng lượng của Liên bang Nga
Bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước nói chung và cho các chủ thể cấu thành của Liên bang Nga, đặc biệt là các thực thể nằm trong vùng lãnh thổ địa chiến lược của Nga; Ưu tiên đáp ứng nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng; Chuyển đổi sang năng lượng thân thiện với môi trường và tiết kiệm tài nguyên.
Trạm tăng áp số 3 và đơn vị xử lý khí tích hợp số 14 của Gazprom. (Ảnh: gazprom.ru)
Bên cạnh đó, nâng cao tính cạnh tranh của các tổ hợp nhiên liệu và năng lượng trên thị trường nội địa; Quản lý tài nguyên thiên nhiên hợp lý và sử dụng năng lượng hiệu quả; Sử dụng tối đa các thiết bị kỹ thuật được sản xuất trên lãnh thổ Liên bang Nga; Nâng cao hiệu quả quản lý và hiệu suất hoạt động của các tổ hợp nhiên liệu và năng lượng; Tối đa hóa lợi ích của hệ thống cung cấp năng lượng được tập trung hóa.
Tôi yêu cầu Chính phủ Nga cập nhật chương trình nhà nước về tiết kiệm năng lượng và hiệu quả năng lượng đến năm 2035, tăng cường hoạt động trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế quốc gia nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng về giảm cường độ sử dụng năng lượng trong GDP, giảm tác động tiêu cực tới môi trường.
Tổng thống Nga V. Putin
Xác định những hoạt động chính để đạt được mục tiêu phát triển năng lượng ở Liên bang Nga
Bảo đảm tối đa nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội của Liên bang Nga theo các chương trình và dự án quốc gia, trên cơ sở cân đối giữa nhu cầu trong nước và khả năng sản xuất của ngành năng lượng; Phát triển ngành năng lượng theo không gian và khu vực, chuyển đổi và tối ưu hóa cơ sở hạ tầng năng lượng, có tính đến sự phát triển của thị trường trong nước và thế giới đối với các sản phẩm và dịch vụ trong ngành năng lượng, quá trình hội nhập kinh tế, chính trị và những thay đổi trong quan hệ quốc tế.
Việc sản xuất khí tại mỏ Urengoyskoye được thực hiện trong mọi thời tiết. (Ảnh: gazprom.ru)
Đạt được sự độc lập về công nghệ của ngành năng lượng và tăng khả năng cạnh tranh để đủ khả năng cung cấp cho các tổ hợp nhiên liệu và năng lượng với công nghệ, thiết bị, dịch vụ… được sản xuất trên lãnh thổ Liên bang Nga và các vùng lãnh thổ thuộc quyền tài phán của Liên bang Nga; Cải thiện quản lý nhà nước và phát triển quan hệ quốc tế trong lĩnh vực năng lượng.
Chúng ta cần chuẩn bị cho việc giảm dần sử dụng dầu, khí đốt và than đá, phát triển năng lượng thay thế. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch để nước Nga thích ứng với những điều chỉnh này đến năm 2030.
Thủ tướng Nga M. Mishustin
Đề ra giải pháp tiết kiệm năng lượng và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng
Cải thiện khuôn khổ pháp lý, bao gồm việc ban hành lệnh cấm sản xuất và sử dụng máy móc, thiết bị, tòa nhà, quy trình công nghệ kém hiệu quả năng lượng; Tăng cường ưu đãi về thuế và phi thuế đối với việc các tổ chức thuộc tổ hợp nhiên liệu và năng lượng sử dụng các công nghệ tốt nhất hiện có, bao gồm việc phát triển và sử dụng các sách thư mục thích hợp và sổ đăng ký các công nghệ tốt nhất hiện có về quy định kỹ thuật và môi trường, cũng như việc mua thiết bị tiết kiệm năng lượng; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn từ ngân sách các cấp, vốn ngoài ngân sách, vốn của các tổ chức phát triển, cũng như tài trợ vốn vay ưu đãi cho các dự án sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng (bao gồm cả cấp bù lãi suất các khoản vay liên quan).
Mỏ Chayandinskoye của Gazprom ở Đông Siberia. (Ảnh: gazprom.ru)
Nghị định của Chính phủ Liên bang Nga số 1289 ngày 7/10/2019 đã đưa ra các yêu cầu về việc cắt giảm mức độ tiêu thụ năng lượng trong các cơ quan nhà nước
Đồng thời, cải thiện khung khổ pháp lý cho thị trường dịch vụ năng lượng; Cập nhật các hệ thống quản lý năng lượng hiện có và áp dụng các hệ thống quản lý năng lượng mới phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 50001: 2018; Trao đổi kinh nghiệm và phổ biến các biện pháp cải thiện hiệu quả và tiết kiệm năng lượng đối với các tổ hợp nhiên liệu và năng lượng, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Cụ thể hóa các chỉ số tiết kiệm và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng
Từ năm 2021 đến 2030 dự kiến tổng khối lượng tiết kiệm nhiên liệu có thể đạt 466 triệu tấn dầu tương đương, trong đó: ngành điện - 33,8 triệu tấn; cung cấp nhiệt - 2,2 triệu tấn; công nghiệp chế tạo và khai thác - 25,8 triệu tấn; vận tải - 11,0 triệu tấn; dịch vụ và các tổ chức ngân sách - 2,1 triệu tấn; nhà ở và dịch vụ cộng đồng - 19,8 triệu tấn… Qua đó, giúp giảm lượng khí thải nhà kính lên tới 900 triệu tấn CO2 đến năm 2030; thấp hơn 30% so với năm 1990 và đến năm 2050, lượng khí thải nhà kính tích lũy ròng ở Nga phải thấp hơn ở Liên minh châu Âu.
Nhà máy thủy điện Boguchanskaya. (Ảnh: fotostrana.ru)
Dự thảo chiến lược phát triển kinh tế xã hội mới của Nga xác định: tăng mạnh tỷ trọng năng lượng hạt nhân từ 20% lên 37% và giảm tiêu thụ điện than từ 13% xuống 5%, nhằm giảm lượng khí thải nhà kính.
Trong bối cảnh thế giới đang lo ngại tình trạng biến đổi khí hậu và hàng loạt diễn đàn quốc tế về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh xanh của chúng ta như Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc được tổ chức hằng năm, yêu cầu tất yếu đối với các quốc gia phải có trách nhiệm và đưa ra cam kết cụ thể để thực hiện Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu.
Với vị thế là quốc gia sản xuất, xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới, Nga đã thể hiện trách nhiệm trong việc tham gia các cơ chế chung của Liên hợp quốc, đồng thời đang triển khai những chính sách phù hợp trong lĩnh vực năng lượng và phát triển kinh tế, góp phần vào sự phát triển bền vững của Liên bang Nga và toàn thế giới.
Theo Báo Nhân Dân
lên đầu trang