Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 17:29

Thứ sáu, 17/05/2024 | 17:29

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:13 ngày 28/11/2016

Tăng cường nghiệp vụ truyền thông khoa học và công nghệ

Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ (KH&CN) - Bộ KH&CN vừa tổ chức hội thảo tăng cường năng lực nghiệp vụ báo chí, tuyên truyền cho cán bộ đầu mối các đơn vị thuộc Bộ KH&CN.

Toàn cảnh hội thảo

Tại hội thảo, các báo cáo viên đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về nghiệp vụ truyền thông KH&CN qua một số chủ đề như: Đánh giá công tác truyền thông KH&CN năm 2016 và dự kiến kế hoạch năm 2017; Vai trò của truyền thông trong phát triển sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Truyền thông qua mạng Internet, hiệu quả và những điểm cần lưu ý.

Các đại diện của các đơn vị đã có những thảo luận sôi nổi, đưa ra các đề xuất, giải pháp phù hợp nhằm mục đích tăng cường nghiệp vụ truyền thông KH&CN cho các đầu mối, giúp cho cộng đồng hiểu được những đóng góp thiết thực của các hoạt động KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thúc đẩy sự phát triển của truyền thông KH&CN trong thời gian tới.

Tiến sĩ Trần Bá Dung - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, hiện nay, bên cạnh những tiện ích, thì các nguy cơ và tác động tiêu cực từ Internet rất đa dạng như: Vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đánh cắp công nghệ, tài sản trí tuệ, bản quyền trên Internet ngày càng tăng; Nguy cơ gián điệp mạng đã trở nên phức tạp, nguy hiểm, tấn công làm tê liệt hoặc chiếm quyền kiểm soát các trang Web là rất nghiêm trọng; Sử dụng môi trường Internet để phát tán những thông tin bịa đặt, thông tin không được kiểm chứng, không có nguồn gốc đáng tin cậy, những thông tin độc hại, phản cảm nhằm vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức, thương hiệu, gieo rắc tư tưởng; Đặc biệt thông tin trên Internet được chia sẻ và lan truyền rất nhanh, gây nên các hiệu ứng và hậu quả xấu.

“Môi trường Internet tiềm ẩn nhiều rủi ro, không phải ai cũng biết cách kiểm soát và sử dụng công nghệ hiệu quả, hỗ trợ tốt nhất cho công việc và học tập. Do đó, cần phải có kĩ năng kiểm soát bản thân trong môi trường Internet, cần biết cách tìm kiếm, chọn lọc, phân tích thông tin; làm chủ máy tính, xây dựng website, phần mềm; sử dụng các dịch vụ online phổ biến, kết nối mạng xã hội; tổ chức và kiểm soát các diễn đàn trên mạng…”, TS.Trần Bá Dung nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong thời gian gần đây, truyền thông trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ngày càng đóng vai trò quan trọng. Trước vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN cho hay, để truyền thông trong phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt hiệu quả cao cần lưu ý làm rõ định nghĩa về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phân biệt khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp thông thường và phân biệt, hiểu rõ các khái niệm, thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp để có những phương thức, nội dung truyền thông phù hợp. Bên cạnh đó, truyền thông không chỉ tập trung vào câu chuyện thành công mà còn truyền thông để khuyến khích tinh thần chấp nhận thất bại, truyền thông không chỉ tập trung vào các kênh truyền thông chính thức mà còn mở rộng ra phương thức truyền thông qua mạng xã hội, liên kết giữa truyền thông trong nước và truyền thông quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang