Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 11:01

Thứ hai, 20/05/2024 | 11:01

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:22 ngày 26/12/2016

Khoa học công nghệ - động lực quan trọng phát triển ngành Công Thương

Chiều 23/12, Hội nghị tổng kết hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương giai đoạn 2011-2015 diễn ra tại Hà Nội. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phát biểu chỉ đạo

"Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ ngành Công Thương đã bám sát các yêu cầu, định hướng phát triển của Đảng, Chính phủ, góp phần thực hiện các yêu cầu và mục tiêu phát triển ngành Công Thương" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Hội nghị lần này là dịp để đánh giá những ưu khuyết điểm trong việc phát triển và ứng dụng công nghệ cũng như chiến lược phát triển KH&CN ngành Công Thương trong thời gian tới.

Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015 ngoài việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ và cấp Nhà nước, Bộ Công Thương được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì một số chương trình, đề án cấp quốc gia như: Chương trình KH&CN phát triển công nghiệp hóa dược, Đề án phát triển nhiên liệu sinh học, Đề án ứng dụng công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến, Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường….  Kinh phí sự nghiệp khoa học hàng năm giao cho Bộ Công Thương đã tăng từ 241,8 tỷ đồng năm 2011 lên 360,82 tỷ đồng năm 2015.

Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất và kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế. 

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ KH&CN - cho biết: Trong giai đoạn 2011-2015, ngành Công Thương đã tăng cường tiềm lực KH&CN thông qua đầu tư chiều sâu, tăng cường trang thiết bị và đào tạo nguồn nhân lực KH&CN. Các viện nghiên cứu của Bộ đã được nhà nước đầu tư thực hiện 12 dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu với tổng kinh phí đầu tư khoảng 624 tỷ đồng. Ngoài đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước, một số viện nghiên cứu trực thuộc các tập đoàn/tổng công ty cũng được quan tâm đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động nghiên cứu KH&CN.

Các đơn vị có thành tích xuất sắc trong hoạt động KH&CN nhận Cờ của Bộ Công Thương

Điển hình là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đầu tư trên 1.040 tỷ đồng trong giai đoạn 2011-2015 để đầu tư xây dựng Trung tâm phân tích thí nghiệm và văn phòng Viện Dầu khí tại TP. Hồ Chí Minh; đầu tư trang thiết bị, phần mềm phục vụ nghiên cứu, phân tích, thí nghiệm và dịch vụ KH&CN…; Tập đoàn Công nghiệp Than – khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp kết hợp tốt các nguồn vốn trong và ngoài ngành để triển khai thực hiện dự án đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu cho các viện thuộc tập đoàn, tổng công ty, các phòng thí nghiệm đạt tiêu chuẩn quốc gia VILAS và quốc tế.

Việc nâng cao tiềm lực KH&CN đã giúp các doanh nghiệp tự tin, chủ động hội nhập trên trường quốc tế và mang lại hiệu quả về kinh tế xã hội to lớn, không chỉ cho doanh nghiệp, cho ngành Công Thương mà còn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Lần đầu tiên Việt Nam đã nghiên cứu thiết kế và lắp dựng thành công giàn khoan 90m nước - đây là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia đã được các nhà khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện. Dự án thành công đã góp phần đưa Việt Nam trở thành 1 trong 3 quốc gia châu Á và 1 trong số ít quuóc gia trên thế giới thiết kế chi tiết và lắp dựng giàn khoan tự nâng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Trong lĩnh vực điện, các nhà khoa học đã làm chủ công nghệ thiết kế, thi công, vận hành các công trình thủy điện quy mô lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu hay hợp tác, liên kết với Nhật Bản, Liên bang Nga để thiết kế, chế tạo, thử nghiệm lắp đặt, vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện có chất lượng tương đương với tiêu chuẩn châu Âu, có khả năng tham gia đấu thầu cùng cấp thiết bị cho các dự án nhà máy nhiệt điện tại Việt Nam và xuất khẩu.

Lĩnh vực than chúng ta cũng đã ứng dụng, chế tạo thành công và nội địa hóa một số thiết bị khai thác như: Công nghệ cơ giới hóa khai thác vỉa dốc, mỏng bằng tổ hợp dàn chống 2ANSH, Dàn chống tự hành VINALTA-1, Giá khung di động GK 1600/16024HT…

Bên cạnh những thành công, tại hội nghị, đại diện nhiều cơ quan nghiên cứu, ứng dụng đã bày tỏ những khó khăn trong các hoạt động. Ông Nguyễn Chỉ Sáng - Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí - thẳng thắn: Trong bối cảnh ngành công nghiệp thế giới đang bước sang cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì ở Việt Nam, ngành cơ khí chế tạo còn đang khá lạc hậu, trình độ công nghệ chủ yếu vẫn ở trình độ của cuộc cách mạng công nghệ lần 2 với nhiều khó khăn. Ngành sản xuất cơ khí vẫn chỉ ở  làm gia công. Bằng chứng là hầu hết các dự án lớn của đất nước đều do nước ngoài làm tổng thầu, đa số các lĩnh vực chuyên ngành chưa đạt được sự phát triển như mong muốn.

Trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho các đơn vị có nhiều thành tích nổi bật trong hoạt động KH&CN

Ông Phạm Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng - thì cho rằng: Ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước kém phát triển mà nguyên nhân chính là vì hầu hết các nguyên vật liệu và linh kiện đầu vào phục vụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đều phải nhập khẩu dẫn đến sản phẩm cuối cùng không tạo ra giá trị gia tăng cao, trong khi nhân lực cho các ngành công nghiệp hỗ trợ đăc biệt là các ngành chế tạo ngày càng khan hiếm.

Để giải quyết những rào cản trên, theo ông Nguyễn Chỉ Sáng: Nếu chúng ta có mục đích rõ ràng là trong một số ngành công nghiệp chúng ta cần phải tự chủ về công nghệ thiết kế, chế tạo, xây lắp thì chúng ta sẽ đầu tư tiềm lực KHCN một cách có định hướng, chắc chắn sẽ có đội ngũ khoa học công nghệ đảm đương được nhiệm vụ đó.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng ghi nhận và đánh giá cao những thành tựu về hoạt động KH&CN của ngành Công Thương trong giai đoạn vừa qua, đồng thời cũng tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia. Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu các đơn vị phải xác định nhiệm vụ yêu cầu sắp tới của ngành Công Thương như thế nào để cho KH&CN ngành Công Thương có thể đóng góp vào các hoạt động như: quản lý nhà nước, điều hành, thiết lập chính sách,… đảm bảo quá trình điều hành, quá trình sản xuất các sản phẩm ngành Công Thương đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo về môi trường trong sản xuất công nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh trong hội nhập.

Giai đoạn 2016-2020, ngành Công Thương đặt mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp 13%/năm, tăng trưởng giá trị tăng thêm công nghiệp đạt 7%/năm, tỷ trọng công nghiệp và xây dựng chiếm 42-43% trong GDP cả nước…. Nhằm đạt được mục tiêu phát triển nói của ngành Công Thương giai đoạn 2016-2020.

Theo Báo Công Thương

lên đầu trang