Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:22

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:22

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:16 ngày 22/05/2013

Nâng cao chất lượng đào tạo từ công tác nghiên cứu khoa học

Nghiên cứu KHCN và áp dụng các sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy vào thực tiễn vốn là thế mạnh của Trường Cao đẳng nghề Mỏ Hồng Cẩm – Vinacomin trong nhiều năm qua. Chỉ riêngnăm 2011, Trường có 31 sáng kiến đăng ký thực hiện được phê duyệt, trong đó có 21 sáng kiến đã và đang áp dụng vào quản lý, đào tạo, đáp ứng kịp thời yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nghề của Nhà trường trong tình hình mới.

Hoạt động nghiên cứu KHCN

Đây là hoạt động thường xuyên của Nhà trường và hàng năm đều có tổng kết, đánh giá kết quả các đề tài nghiên cứu. Trong năm 2011, Nhà trường có 04 đề tài nghiên cứu khoa học, trong đó có 01 đề tài về lĩnh vực quản lý; 02 đề tài nâng cao chất lượng đào tạo và 01 đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy còn hạn chế về số lượng, nhưng về cơ bản, các đề tài đã góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của Nhà trường và thúc đẩy phong trào hoạt động nghiên cứu KHCN trong đội ngũ cán bộ giáo viên.

Hệ thống tự động hóa bơm thoát nước mỏ hầm lò – Một trong 21 sáng kiến được công nhận và nghiệm thu

Công tác phát huy sáng kiến làm đồ dùng, thiết bị dạy học luôn được Nhà trường chú trọng, động viên, khích lệ. Năm 2011, Trường có 14 đề tài, sáng kiến được nghiệm thu đưa vào ứng dụng với tổng kinh phí là 235 triệu đồng. Qua đánh giá cho thấy, các mô hình thiết bị dạy học tự làm đều có thể thay thế các thiết bị đắt tiền, phục vụ tốt trong công tác giảng dạy, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo, tiết kiệm chi phí cho Nhà trường.

Nhà trường đã thành lập Tiểu ban Phát triển chương trình mới, ngành nghề mới, tích cực nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Nhiều đề tài có tính ứng dụng cao như: Chương trình đào tạo sư phạm nghề cho giáo viên có trình độ trung cấp nghề, sơ cấp nghề; Chương trình liên thông trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề cho các nhóm nghề; Kỹ thuật xây dựng mỏ hầm lò; Kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò và kỹ thuật cơ điện mỏ hầm lò; Chỉnh lý nội dung bồi dưỡng các môn văn hóa cho đối tượng học các nghề đặc thù...

Những sáng kiến đi vào thực tiễn

Năm 2011, Hội đồng khoa học Nhà trường đã thẩm định và phê duyệt 31 sáng kiến đạt yêu cầu về giải pháp, khả năng ứng dụng và hiệu quả kinh tế trên tổng số 40 sáng kiến đăng ký thực hiện,. Trong đó, nhiều sáng kiến có tính ứng dụng cao trong công tác giảng dạy, điển hình như: Mô hình máy cắt dầu; Mô hình Hệ thống tự động bơm thoát nước mỏ hầm lò; Mô hình thiết bị vận tải monoray; Thiết kế thi công vị trí khoan thăm dò khí, nước ở lò... Bên cạnh các sáng kiến về thiết kế đồ dùng, mô hình dạy học, các sáng kiến trong lĩnh vực quản lý như: Thiết kế phần mềm quản lý ký túc xá; Phần mềm quản lý tài sản, thiết bị, dụng cụ... đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhân sự, tài sản của Nhà trường. Các Đề án đổi mới giảng dạy chương trình bồi dưỡng văn hóa; tin học, ngoại ngữ… phù hợp với đối tượng người học, ngành nghề đào tạo, góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo của Nhà trường.

Kế hoạch cho năm 2012

Những thành công trong công tác nghiên cứu KHCN và áp dụng các sáng kiến cải tiến phương pháp giảng dạy vào thực tiễn rất có ý nghĩa đối với sự phát triển của Nhà trường và cần phải phát huy hơn nữa trong thời gian tới. Tuy rằng, tính ứng dụng thực tế trong sản xuất của các đề tài, các sáng kiến còn chưa cao và phần lớn mới chỉ dừng lại ở cấp độ mô hình phục vụ dạy học và thực hành rèn luyện tay nghề cơ bản; mối liên kết giữa Nhà trường – Nhà chế tạo – Nhà sản xuất chưa có, càng làm hạn chế khả năng ứng dụng của đề tài vào thực tiễn; các đề tài cấp Tập đoàn, cấp Bộ chủ yếu thuộc lĩnh vực đào tạo (chương trình, giáo trình, tiêu chuẩn kỹ năng nghề, đề thi). Để khắc phục hạn chế và phát huy kết quả đạt được, trong năm 2012, Nhà trường đang chú trọng triển khai các đề tài khoa học – công nghệ trong lĩnh vực đào tạo ứng dụng công nghệ đào lò giếng, công nghệ chống lò bằng vì neo. Đồng thời, tập trung chỉnh lý chương trình đào tạo nghề phục vụ khai thác than – khoáng sản của Tập đoàn. Phương hướng hoạt động này sẽ hứa hẹn nâng chất lượng đào tạo của Nhà trường, góp phần vào sự phát triển chung của ngành Than – Khoáng sản Việt Nam.

                                                                                                                  Trần Bản

 

 

 

lên đầu trang