Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 07:16

Thứ ba, 21/05/2024 | 07:16

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:53 ngày 30/12/2016

Hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển VTTTĐ phía Nam”

Sáng ngày 23/12, Hội đồng Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (VKTTĐ phía Nam) tổ chức hội thảo “Cơ chế, chính sách phát triển VTTTĐ phía Nam” tại TP. Hồ Chí Minh. 

Phát biểu tại hội thảo, ông Lê Thanh Liêm – Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP cho rằng, để VKTTĐ phía Nam trong giai đoạn 2016 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, được phát triển nhanh và bền vững, TP. Hồ Chí Minh mạnh dạn đề xuất với Chính phủ ưu tiên tập trung nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn ODA để đầu tư, xây dựng các công trình giao thông trọng điểm của VKTTĐ, tập trung vốn công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển hệ thống logistics trong các Vùng KTTĐ, có sự kết nối với hệ thống cấp quốc gia và liên vùng, bao gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật hoàn chỉnh và mạng thông tin quản lý. Đặc biệt, Chính phủ cần xác định lại tỷ lệ điều tiết cho ngân sách địa phương, đảm bảo tương ứng với vai trò đóng góp của ngân sách mỗi tỉnh, thành phố với ngân sách TW, tạo nguồn lực cho các địa phương trong Vùng tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, giữ ổn định tỷ lệ này đến hết năm 2020.

Chủ tịch Hội đồng VKTTĐ phía Nam Nguyễn Thành Phong

Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cũng đề nghị, trong nhiệm kỳ tới (2017 – 2021) nên có một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Hội đồng VKTTĐ phía Nam đủ sức điều phối, đủ sức có thẩm quyền quyết định các hoạt động liên kết Vùng trên mọi lĩnh vực, chứ không chỉ đóng vai trò tư vấn, khuyến nghị như hiện nay.

Phát biểu tại hội thảo, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đề nghị, Hội đồng Vùng KTTĐ phía Nam, cần có sự rà soát, điều chỉnh từng quy hoạch ngành, lĩnh vực của từng địa phương, để tiến đến đồng bộ với quy hoạch kinh tế - xã hội chung của toàn Vùng, tránh sự phân tán, chồng chéo, ngoài ra, Vùng KTTĐ phía Nam cần tính đến những chính sách thu hút đầu tư và xây dựng cơ chế kinh tế Vùng gần giống như một đặc khu kinh tế.

Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng

Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng thẳng thắn nhìn nhận, tình hình kinh tế - xã hội của toàn Vùng vẫn còn nhiều khó khăn, làm hạn chế sự tăng trưởng kinh tế, qua các con số báo cáo của VKTTĐ phía Nam, dù có tăng nhưng sự tăng trưởng này thiếu tính bền vững, do chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các quy hoạch của mỗi địa phương với nhau, quy hoạch hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội, sự phân công, phân cấp chưa rõ ràng, nên chưa phát huy được tiềm năng của từng địa phương, dẫn đến sự lãng phí nguồn lực và hiệu quả phát triển của toàn Vùng.

VKTTĐ phía Nam bao gồm 08 tỉnh, Thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang. VKTTĐ phía Nam có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của cả nước.

Hơn 16 năm qua (từ 1998 – 2015), VKTTĐ phía Nam luôn bám sát các nội dung chỉ đạo của TW, cùng nỗ lực phấn đấu của các tỉnh, thành phố trong Vùng và sự tham gia tích cực của Ban Chỉ đạo điều phối phát triển các Vùng KTTĐ, cơ cấu kinh tế các tỉnh, thành trong Vùng đã có bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đúng hướng, hiệu quả sản xuất được nâng cao về chất và lượng.

Hà Nguyễn

lên đầu trang