Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 10:55

Chủ nhật, 19/05/2024 | 10:55

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:52 ngày 01/03/2022

Động lực thúc đẩy kinh tế số

Trong những năm gần đây, Việt Nam không ngừng tìm kiếm động lực mới cho tăng trưởng. Một trong những hướng đi là chủ động tiếp cận cơ hội từ kỹ thuật số và thương mại điện tử cho tăng trưởng kinh tế. Dịch Covid-19 càng khiến cho sự quan tâm của Chính phủ và doanh nghiệp đối với kỹ thuật số mạnh mẽ hơn.
Cơ hội để doanh nghiệp tìm hướng đi mới
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), theo đó Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia có tính động, mở, bao trùm, tạo nền móng, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp phải coi chuyển đổi số quốc gia là một nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo, điều hành và căn cứ tình hình cụ thể của từng bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp để quyết định xây dựng đề án, chương trình, chiến lược, kế hoạch lồng ghép nội dung về chuyển đổi số trong hoạt động của mình. Nội dung chuyển đổi số quốc gia phải được chỉ đạo, giám sát, đánh giá định kỳ hằng năm, giữa nhiệm kỳ, 5 năm.
Bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để khai thác tiềm năng kinh tế số Việt Nam.
Dịch Covid-19 đã và đang tạo áp lực và cả động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ và bùng nổ kinh tế số ở Việt Nam cả về tốc độ và phạm vi, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tìm những hướng đi mới và hoạt động hiệu quả hơn… Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, năm 2021 đối với ngành Thông tin và truyền thông là một năm rất đặc biệt. Covid-19 là “cú hích trăm năm” cho chuyển đổi số; thúc đẩy chuyển đổi số trong cả quản lý và sản xuất kinh doanh, lưu thông phân phối và các hoạt động xã hội truyền thống khác như: hoạt động thương mại điện tử, làm việc, hội họp, học tập, tư vấn và kể cả vui chơi giải trí từ xa… ngày càng trở nên phổ biến.
Các chỉ số xếp hạng trong nhiều lĩnh vực thuộc ngành thông tin và truyền thông đều được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2021, Việt Nam có 64.000 doanh nghiệp công nghệ số, tăng thêm 5.600 doanh nghiệp so với năm 2020 và so với chỉ có 45.600 doanh nghiệp công nghệ số năm 2019. Nhiều doanh nghiệp công nghệ số đã chuyển sang sản xuất các sản phẩm công nghệ 4.0... Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố 34 nền tảng số Make in Viet Nam. Các doanh nghiệp công nghệ số như VNPT, Viettel, CMC, FPT… có tiềm lực, có đóng góp lớn trong phát triển chính quyền số, kinh tế số với việc xây dựng các nền tảng số quốc gia. Các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hiện nay không chỉ gia công, lắp ráp cho nước ngoài. Với tinh thần Make in Viet Nam, các doanh nghiệp đã vươn lên, sản xuất và làm chủ những sản phẩm, nền tảng công nghệ chuyển đổi số trong nước.
Mục tiêu doanh thu trên 1 tỷ USD từ công nghệ số
Năm 2022 sẽ là năm thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số ở mọi ngành trên phạm vi toàn quốc, toàn dân và toàn diện, là năm đầu thực hiện các chiến lược mới về hạ tầng số, dữ liệu, công nghiệp công nghệ số, doanh nghiệp công nghệ số, chuyển đổi số báo chí... Để thúc đẩy chuyển đổi số cần phải đồng bộ thể chế số, hạ tầng số, công cụ sản xuất số, công cụ quản lý số, nhân lực số, thị trường số, và quản lý pháp luật số nhằm có một môi trường số lành mạnh, quản lý được các nguy cơ và rủi ro trên không gian mạng.
Năm 2022, Việt Nam cũng sẽ tập trung xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ số. Xây dựng và bảo vệ được không gian tăng trưởng, phát triển kinh tế số dựa trên các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo, sản xuất, cung cấp, ứng dụng các sản phẩm, dịch vụ của ngành công nghiệp công nghệ số Việt Nam…
Việt Nam đang nỗ lực hướng đến mục tiêu vào năm 2025, công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông chuyển mạnh từ gia công, lắp ráp sang “Make in Viet Nam” đạt trên 45%; tốc độ tăng trưởng doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin bằng từ 2 đến 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Giá trị tăng thêm của doanh nghiệp công nghệ số Make in Vietnam tăng gấp 2 lần. Phát triển 4 loại hình doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đạt số lượng 100 nghìn doanh nghiệp; trong đó, ít nhất có 10 doanh nghiệp công nghệ số đóng vai trò dẫn dắt, có năng lực cạnh tranh quốc tế, doanh thu trên 1 tỷ USD; có ít nhất 10 địa phương đạt doanh thu công nghiệp công nghệ thông tin trên 1 tỷ USD…
Đặc biệt, phấn đấu đến năm 2030 trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp; vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu; cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT). Mở dữ liệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp. Kinh tế số chiếm 30% GDP; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%. Năng suất lao động hàng năm tăng tối thiểu 8%. Việt Nam thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin (IDI), về chỉ số cạnh tranh (GCI) và về đổi mới sáng tạo (GII), cũng như về an toàn, an ninh mạng (GCI).
Phát triển kinh tế số vừa là áp lực thời đại, vừa là cơ hội duy nhất để Việt Nam vượt thoát “bẫy thu nhập trung bình” và sớm hiện thực hóa khát vọng hùng cường ngàn năm của mình…
Doanh thu ngành thông tin và truyền thông tăng 9% năm 2021
Doanh thu ngành thông tin và truyền thông đạt 3.462.170 tỷ đồng năm 2021, tăng 9% so với năm 2020 và cơ bản hoàn thành 100% kế hoạch đặt ra. Giá trị Việt Nam trong tổng doanh thu công nghệ thông tin và truyền thông khoảng 33,568 tỷ USD (chiếm 24,65%).
Theo: Thời Báo Tài chính

lên đầu trang