Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 07:27

Thứ ba, 21/05/2024 | 07:27

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:57 ngày 30/11/2016

Đà Nẵng: Tập trung thu hút vốn đầu tư vào công nghệ cao

Sáng 29-11, Cổng Thông tin điện tử thành phố tổ chức chương trình đối thoại trực tuyến với chủ đề “Thu hút đầu tư vào Đà Nẵng – Thực trạng và giải pháp” với mong muốn góp phần làm rõ những vấn đề tồn tại, các khó khăn vướng mắc và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào thành phố Đà Nẵng, đồng thời tiếp nhận và giải đáp các khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư.

Buổi đối thoại với sự tham gia của lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công  thương, Sở Ngoại vụ, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Ban Quản lý Khu công nghiệp chế xuất Đà Nẵng và thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư với gần 50 câu hỏi.

Với vị trí trung tâm, động lực tăng trưởng của toàn vùng, Đà Nẵng trong những năm qua đã phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, cùng với sự năng động và các nỗ lực cải cách hành chính không ngừng của chính quyền thành phố, Đà Nẵng đã tạo dựng được một môi trường kinh doanh bình đẳng, lành mạnh,thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư và kinh doanh. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Huỳnh Văn Thanh cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có 258 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 78,7 ngàn tỷ đồng; 437 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư là 3,7 tỷ USD.

Các dự án đầu tư trong nước góp phần phát triển mạnh các ngành dịch vụ và bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển trong tình hình nguồn vốn đầu tư từ ngân sách còn thiếu hụt; giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động của địa phương và góp phần phát triển kinh tế-xã hội thành phố Đà Nẵng.


Nguồn vốn FDI cũng là một nguồn lực quan trọng tạo ra chuyển biến lớn trong đầu tư, đa dạng hóa các nguồn lực, đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

Sau giai đoạn bùng nổ về các dự án bất động sản, du lịch vào Đà Nẵng, tình hình thu hút đầu tư vào thành phố có phần giảm sút. Trước thực trạng đó, trong thời gian vừa qua thành phố đã có hàng loạt chương trình xúc tiến, quảng bá đến các thị trường trọng điểm. Đây có thể xem là một sự chuyển hướng trong công tác thu hút đầu tư của thành phố, về quan điểm này, bà Huỳnh Liên Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư khẳng định: Qua các giai đoạn khác nhau thành phố tập trung thu hút đầu tư vào các ngành nghề khác nhau, phù hợp với định hướng phát triển của thành phố. Định hướng trong năm 2016, theo tinh thần Hướng dẫn xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư năm 2016 của Bộ Kế hoạch Đầu tư, thành phố Đà Nẵng tập trung thu hút vốn FDI vào các ngành công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ, các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường, có nền công nghiệp phát triển.

Tại buổi tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Đình Phúc cũng cho biết thêm những thông tin về định hướng phát triển công nghiệp của thành phố trong bối cảnh thành phố nói không với các dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp có khả năng gây ô nhiễm môi trường: thành phố sẽ tập trung phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao, công nghệ cao, công nghiệp sạch và các ngành công nghiệp hỗ trợ, cụ thể đối với các dự án đầu tư mới thì ưu tiên thu hút và ưu đãi đầu tư các dự án thuộc các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện tử-phần cứng, cơ khí chính xác; Khuyến khích và hỗ trợ các dự án đầu tư trong các lĩnh vực: công nghiệp hỗ trợ; cơ khí chế tạo máy móc thiết bị; sản xuất lắp ráp ô tô, phương tiện vận tải, công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng giá trị gia tăng (dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...); công nghiệp môi trường; dự án sản xuất năng lượng sạch;

Đối với các lĩnh vực sản xuất, chế biến khác:  Khuyến khích các dự án đầu tư có nguồn nguyên liệu đảm bảo, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, nhiên liệu, sử dụng công nghệ sạch, tạo ra sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, thân thiện với môi trường và có giá trị gia tăng cao hơn các sản phẩm cùng loại đã có tại Đà Nẵng;  Hạn chế, không thu hút các dự án sản xuất tiêu tốn nhiều năng lượng, chế biến thô, sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao (luyện kim; sản xuất hóa chất cơ bản; sản xuất bột giấy; thuộc da, sơ chế da, nhuộm da; sản xuất VLXD từ đất sét nung...) và những dự án có ảnh hưởng đến an ninh quốc phòng.

Thành phố Đà Nẵng cũng đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm thu hút đầu tư, tuy nhiên công tác này cũng gặp phải nhiều khó khăn vướng mắc như: một số vướng mắc khi triển khai Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư, đặc biệt khi Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp 2014 được triển khai với nhiều thay đổi so với luật đầu tư, luật doanh nghiệp 2004.

Chia sẻ một trong những lý do mà chưa nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Đà Nẵng (hiện mới chỉ trên 134 doanh nghiệp, trong khi Hà Nội khoảng 800 doanh nghiệp, TP Hồ Chí Minh có gần 1.000 doanh nghiệp Nhật Bản), bà Lê Thị Thu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết đó là quỹ đất Khu công nghiệp tại Đà Nẵng không còn nhiều, đặc biệt là Khu công nghiệp có tính liên kết, có cả khu nhà xưởng cho thuê, khu đô thị, liên kết với doanh nghiệp ngành phụ trợ… còn rất thiếu. Thêm nữa, cơ chế ưu đãi đầu tư của thành phố cũng chưa thực sự hấp dẫn so với các địa phương lân cận như Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Một rào cản nữa trong tiếp cận doanh nghiệp Nhật là nguồn nhân lực còn thiếu, năng lực còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu quảng bá, duy trì kênh thông tin. Số lượng người học tiếng Nhật cũng như trung tâm dạy tiếng Nhật của thành phố ngày càng tăng, nhưng giỏi tiếng Nhật thì không nhiều.

Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghiệp và chế xuất Trần Văn Biên cũng cho biết thêm một trong những khó khăn của thành phố trong việc thu hút đầu tư chưa cao là quỹ đất dành cho doanh nghiệp trong KCN không còn nhiều. Hiện nay, tổng diện tích quy hoạch các KCN là 1.066,52ha, đất công nghiệp có thể cho thuê 778,10ha, diện tích đã cho thuê 677,52 ha; đến nay các KCN đã lấp đầy 87,57% diện tích, trong đó có 03 KCN lấp đầy 100% diện tích (KCN Hòa Khánh, KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng, KCN Đà Nẵng).

Ngoài ra, trước nhu cầu bức xúc của doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn về mặt bằng để đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản xuất, Sở Công Thương đã tham mưu UBND thành phố Đề án “Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó dự kiến bổ sung quy hoạch mới 03 khu công nghiệp gồm: Hòa Cầm - Giai đoạn 2 (110 ha), Hòa Ninh (200 ha), Hòa Nhơn (483,57 ha) và 07 cụm công nghiệp gồm: Cẩm Lệ (30 ha), Hòa Nhơn (30 ha), Hòa Phong (50 ha), Hòa Khánh Nam (11,8 ha), Hòa Hiệp Bắc (13 ha), Làng nghề nước mắm Nam Ô (5 ha) và 01 Cụm công nghiệp (5 ha) để bố trí tập trung các ngành nghề thủ công mỹ nghệ tại Đà Nẵng phục vụ du lịch.

Trả lời câu hỏi được nhiều độc giả quan tâm: Chính quyền thành phố đã và đang triển khai các biện pháp gì để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư cả trong nước và ngoài nước tại Đà Nẵng trong thời gian đến, bà Huỳnh Liên Phương cho biết, thành phố đã tăng cường công tác thông tin, đối thoại với doanh nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp về tài chính, mặt bằng phục vụ sản xuất - kinh doanh, đổi mới thiết bị - công nghệ;  tăng cường xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch; trợ giúp đào tạo nguồn nhân lực.

Ngoài ra thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thu hút đầu tư như chính sách hỗ trợ mặt bằng phục vụ sản xuất kinh doanh, đăng tải thông tin cung cấp bản đồ tổng thể về quy hoạch chung của Đà Nẵng và thông tin về các khu đất trống kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường công tác lãnh đạo, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền, đăng tải công khai, minh bạch về các quy định luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, đất đai, thủ tục hành chính,…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của ngành công nghiệp phụ trợ đối với sự phát triển của thành phố, trong quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2020, phát triển công nghiệp phụ trợ được coi là một trong những mũi nhọn phát triển được ưu tiên hàng đầu. Thành phố Đà Nẵng đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ trên địa bàn thành phố.

Trong bối cảnh thu hút FDI sụt giảm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ tiếp tục triển khai 7 chính sách UBND thành phố đã ban hành hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các nhà đầu tư nhằm tăng cường việc thu hút đầu tư trong nước hiện nay.

Xác định Nhật Bản là một trong những đối tác tiềm năng, ngoài thủ đô Tokyo, thành phố Đà Nẵng đã quyết định thành lập thêm 2 văn phòng đại diện nữa tại Nhật Bản.

Bà Lê Thị Thu Hạnh cho biết mục đích và kỳ vọng của thành phố khi thành lập thêm 2 văn phòng này: việc mở thêm các văn phòng tại khu vực phía Bắc và phía Nam Nhật Bản (ví dụ như vùng Kyushu, Okinawa và Hokkaido) để kết nối với các văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Nhật Bản (Tokyo, Osaka và Yokohama) tạo thành một chuỗi liên kết xuyên suốt trên toàn nước Nhật để tận dụng hiệu quả các văn phòng đã được thành lập và nhằm khai thác lượng lớn nhà đầu tư tiềm năng tại Nhật Bản.

Các văn phòng đại diện cũng là cầu nối để khai thông thêm nhiều mối quan hệ, chủ động tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng thông qua những đối tác khác. Đặc biệt, thông qua các văn phòng đại diện, thành phố có thể thiết lập quan hệ với các công ty tư vấn uy tín của Nhật. Các công ty tư vấn là đầu mối quan trọng để giới thiệu và kết nối doanh nghiệp, hỗ trợ các công tác tổ chức hội thảo, tổ chức đoàn doanh nghiệp khảo sát môi trường đầu tư.

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết thêm để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân nhà đầu tư nước ngoài và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong việc cấp mới và điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, UBND thành phố đã quyết định và Cơ quan đăng ký đầu tư đã áp dụng cắt giảm 25% thời gian xử lý hồ sơ (hiện còn 11 ngày làm việc).

Kết thúc buổi đối thoại, đại diện lãnh đạo các sở ngành bày tỏ hy vọng “Với những nỗ lực của lãnh đạo thành phố, sở, ngành trong việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết những khó khăn và vướng mắc của các nhà đầu tư hy vọng trong tương lai gần Đà Nẵng sẽ trở thành điểm đến yêu thích của các nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Hiền Trang

lên đầu trang