Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 05/05/2024 | 23:27

Chủ nhật, 05/05/2024 | 23:27

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:59 ngày 23/06/2022

Đẩy mạnh hợp tác trong tiến trình chuyển đổi năng lượng Việt Nam

Sáng 22/06/2022, tại Hà Nội, Báo Công Thương và Công ty General Electric (GE) tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức tọa đàm “Chiến lược và hợp tác thúc đẩy chuyển đổi năng lượng Việt Nam” nhằm trao đổi những thông tin về năng lượng tái tạo (NLTT) cũng như nguồn điện bền vững ở Việt Nam.
Tham dự tọa đàm có ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương; ông Sean Lawlor - Chuyên gia Năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam; ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương; ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)… cùng hơn 100 lãnh đạo và chuyên gia trong ngành.
Phát triển năng lượng tái tạo kết hợp với các nguồn điện bền vững là giải pháp khả thi nhằm giảm thiểu đáng kể lượng phát thải, đồng thời mang đến nguồn điện ổn định với chi phí hợp lý.
Phát biểu khai mạc, ông Hoàng Tiến Dũng - Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam có nền kinh tế năng động với tốc độ tăng trưởng cao trong nhiều năm liên tục. Vì thế nhu cầu sử dụng năng lượng, đặc biệt là điện năng ngày càng tăng cao. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng theo tinh thần phát huy nội lực, đồng thời tăng cường sự hợp tác, hỗ trợ từ các đối tác phát triển. 
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định 2157/QĐ - TTg ngày 21/12/2021 thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26). Theo đó, Bộ Công Thương đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình kế hoạch cũng như đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả. Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
“Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vùng. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy” – ông Hoàng Tiến Dũng cho hay. 
Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết của chuyển đổi năng lượng cũng như nêu ra các vấn đề liên quan trong quá trình thực hiện chuyển đổi.
Tiềm năng phát triển NLTT - Những dự báo trong tương lai
Tại buổi tọa đàm, các diễn giả tham dự đã có những trình bày cụ thể xung quanh chủ đề chuyển đổi năng lượng Việt Nam. Trong đó, ông Nguyễn Ngọc Hưng – Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện năng lượng, Bộ Công Thương đã chia sẻ về hiện trạng phát triển năng lượng ở Việt Nam và thế giới. Cụ thể, sau hơn 30 năm đổi mới, thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn, quá trình đô thị hóa và xây dựng hạ tầng kinh tế - kỹ thuật diễn ra ngày càng mạnh mẽ. Bên cạnh đó, nguồn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài ngày càng tăng lên, đóng một vai trò quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.  
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức về bảo vệ môi trường sinh thái và cũng như cam kết quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Cùng với đó là sự cạnh tranh mới trong thị trường năng lượng ở giai đoạn đầu. Hơn thế nữa, trữ lượng và khả năng cung cấp năng lượng trong nước ngày càng hạn hạn chế và nhu cầu vốn cho phát triển năng lượng ngày càng lớn. 
Ông Nguyễn Ngọc Hưng - Trưởng phòng Kinh tế Năng lượng, Viện năng lượng, Bộ Công Thương chia sẻ thêm về bối cảnh, quan điểm, mục tiêu phát triển của Việt Nam về chuyển đổi năng lượng.
Đặc biệt, Ông Nguyễn Ngọc Hưng cũng đưa ra các kịch bản chuyển đổi năng lượng cụ thể. Đối với kịch bản Tổng cung cấp năng lượng sơ cấp ở mức 154 triệu tấn dầu quy đổi (TOE) năm 2030, 287 triệu TOE năm 2045, 335 triệu TOE năm 2050. 
Khi đó, các xu thế chính được đưa ra là sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, giảm mạnh việc sử dụng than và sản phẩm dầu mỏ, đồng thời tăng sử dụng khí trong công nghiệp. Ngoài ra, dự kiến sẽ tăng mạnh việc sử dụng các nhiên liệu sinh học trong giao thông vận tải, nhiên liệu sinh khối trong phát điện và công nghiệp. Năng lượng gió và mặt trời cũng tăng theo, có tỷ trọng rất cao trong tổng năng lượng sơ cấp. Hơn thế nữa, chuyên gia cũng cho rằng sẽ có sự tham gia của năng lượng nguồn gốc hydro từ sau 2040. Như vậy, kịch bản chỉ ra tổng phát thải CO2 sẽ giảm dần từ 401 triệu tấn năm 2030, 264 triệu tấn năm 2045 và xuống 96 triệu tấn vào năm 2050. 
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong ngành năng lượng
Tại tạo đàm, đại diện của Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cũng mang đến góc nhìn mới về chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong phát triển chính sách, cũng như những hỗ trợ cho Việt Nam trong hành trình này. Theo Ông Sean M. Lawlor - Chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam: “Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển đổi từ hơn một thập kỷ trước, đến nay đã cắt giảm điện than còn một nửa, phát triển điện khi đạt 38 % tổng hỗn hợp năng lượng đồng thời khuyến khích các giải pháp năng lượng Công Thương 26 sạch ". 
"Chính quyền Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực này bằng mục tiêu lắp đặt 30 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng tỷ trọng điện mặt trời lên tới 40 % trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2035" - Ông Sean M. Lawlor cho hay
Ông Sean M. Lawlor cũng cho biết phía Hoa Kỳ đang khuyến khích chính phủ Việt Nam triển khai các giải pháp sáng tạo về chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy chuyển đổi năng lượng, hướng đến thực hiện cam kết mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đặt ra tại COP26, Các chính sách bao gồm cơ chế mua bán điện trực tiếp, đấu giá, tiêu chuẩn vay vốn và phê duyệt cho các khoản đầu tư cũng như dự án truyền tải điện. Đồng thời, Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, vốn, chuyên môn về chính sách và kỹ thuật để đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này. 
Ngoài ra, toạ đàm đã lắng nghe những chia sẻ của ông Narendra Asnani - Tổng Giám đốc Khối Dịch vụ, GE Gas Power Châu Á về vai trò của công nghệ trong hỗ trợ chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam, các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, các giải pháp như công nghệ khí hydro và thu giữ cacbon có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon. Đồng thời ông Narendra Asnani cho biết, khí tạo ra nguồn điện đủ linh hoạt, có khả năng củng cố lưới điện để bổ trợ cho các loại điện tái tạo.
Với sự hiện diện lâu dài ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng.
"Nội lực Quốc gia" - tiềm lực chính phát triển NLTT
Tại sự kiện, Ông Nguyễn Đức Ninh - Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã cung cấp những thông tin về kinh nghiệm của EVN trong sự bùng nổ của NLTT. Theo chia sẻ, trước năm 2019, NLTT ở Việt Nam chưa thực sự được quan tâm. Tuy nhiên, hơn ba năm trở lại đây, NLTT đã được chú trọng và có nhiều khởi sắc. Theo thống kê, tính đến hết năm 2021, công suất hệ thống điện của Việt Nam đã đạt khoảng 76.620 MW. Trong đó, thuỷ điện đạt 22.111 MW, nhiệt điện than là 25.397MW, nhiệt điện khí là 7.398MW và công suất điện năng lượng tái tạo đạt khoảng 21.100 MW.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm Điều độ Hệ thống Điện Quốc gia, Tập đoàn Điện lực Việt Nam chia sẻ tại Toạ đàm.
Để đạt được những con số này, ông Nguyễn Đức Ninh cũng chia sẻ những khó khăn, thách thức mà phía Điện lực gặp phải như tắc nghẽn đường dây truyền tải, quá tải với đường dây 220, 110kV ở miền Trung, và nghẽn mạch ở đường dây truyền tải Bắc Nam. Ngoài ra, hiện 220 nhà máy điện NLTT chưa được điều động hết do tắc nghẽn cục bộ. Nguy cơ mất ổn định hệ thống và cơ chế khuyến khích cho các dịch vụ phụ trợ không hấp dẫn, theo đó dẫn đến thiếu nguồn dự trữ của NLTT… 
“Thời gian tới, cần thúc đẩy việc thực hiện các chương trình điều chỉnh phụ tải điện thương mại nhằm cải thiện khả năng đáp ứng của tải trọng dựa trên thị trường. Đồng thời, tạo thị trường tài chính phái sinh mới cho điện như đấu giá hợp đồng, thị trường kỳ hạn, thị trường tương lai. Đặc biệt, cần cải thiện và nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và đào tạo, nâng cao nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới về vận hành hệ thống điện và thị trường.” - ông Nguyễn Đức Ninh nhận định.
Cuối chương trình, với phần thảo luận chuyên sâu, các đại diện từ Viện Năng lượng, USAID, EVN, T&T cùng GE đã trao đổi và đề xuất những giải pháp từ các khía cạnh công nghệ, chính sách, tài chính... nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng cho Việt Nam. Những kinh nghiệm và ý tưởng được chia sẻ trong hội thảo cho thấy tầm quan trọng của chuyển đổi năng lượng để đạt được sự phát triển bền vững. 
Đồng thực hiện tọa đàm, Báo Công Thương là một trong những cơ quan thực hiện tốt công tác tuyên truyền các vấn đề xoay quanh nền kinh tế vĩ mô, các ngành công nghiệp, thương mại nội địa và quốc tế, trong đó có vấn đề đảm bảo nguồn năng lượng, thúc đẩy phát triển bền vững. 
Về GE Việt Nam, đây là một trong những công ty Hoa Kỳ đầu tiên có mặt tại Việt Nam. Vào năm 2003, GE thành lập Công ty TNHH GE Việt Nam với 100 % vốn của GE, chuyên cung cấp các dịch vụ hậu mãi đa ngành trong các lĩnh vực thiết bị y tế, điện và năng lượng. Năm 2010, GE xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió tại Hải Phòng. Năm 2016, GE thành lập GE Dung Quất (Quảng Ngãi), một trong hai nhà máy chuyên sản xuất lò hơi thu hồi nhiệt (HRSG) của GE trên toàn cầu. Với những kinh nghiệm này, GE Việt Nam hứa hẹn sẽ là đơn vị có tầm ảnh hưởng lớn đến ngành năng lượng Việt Nam.
Qua những kinh nghiệm và ý tưởng được chia sẻ trong Tọa đàm, có thể thấy, đây là thời điểm quan trọng để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng để đạt được sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Để đạt được hiệu quả trong vấn đề này, cần có sự vào cuộc, chúng tay của nhiều bên, đặc biệt là sự hợp tác song phương, đa phương nhằm xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách, sử dụng công nghệ tiên tiến cũng như công tác thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng xã hội.
Phương Loan
lên đầu trang