Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 17/05/2024 | 16:01

Thứ sáu, 17/05/2024 | 16:01

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:09 ngày 07/07/2022

Công nghiệp Việt Nam: Đổi mới theo hướng hiện đại

Chiều ngày 04/7, Báo Công Thương tổ chức tọa đàm “Công nghiệp Việt Nam – Đổi mới theo hướng hiện đại”. Tọa đàm nhằm hướng đến các giải pháp tháo gỡ khó khăn về các cơ chế, chính sách,... phù hợp trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, giúp cho ngành công nghiệp phát triển bền vững.
Tham dự tọa đàm có TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam; TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương; ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương; ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông và Quan hệ công chúng – Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Tọa đàm "Công nghiệp Việt Nam - Đổi mới theo hướng hiện đại" nhằm tìm ra các giải pháp, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách ngành công nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2011 – 2020, công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong các ngành kinh tế, đóng góp gần 30% vào GDP, trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của đất nước, góp phần đưa Việt Nam từ vị trí 50 năm 2010 lên vị trí 22 năm 2019 trong các quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới. Điều này giúp các doanh nghiệp Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi giá trị công nghiệp chế tạo đa quốc gia. Tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam cần có động lực thúc đẩy từ việc thực thi hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong nước và sự liên kết hợp tác sản xuất giữa các nhà cung cấp trong nước với các công ty đa quốc gia.
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công nghiệp Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình phát triển, đặc biệt trước những yêu cầu, đòi hỏi của phát triển sắp tới, với mục tiêu thúc đẩy tái cơ cấu trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, đổi mới theo hướng hiện đại.
Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, trong 10 năm qua, năng lực cạnh tranh ngành công nghiệp Việt Nam tăng 16 bậc, từ bậc 58 lên bậc 42. Theo đánh giá của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc UNIDO, Việt Nam được đánh giá là nước tăng hạng công nghiệp cao nhất ASEAN, tiếp cận dần nhóm 5 nước có năng lực cạnh tranh cao nhất ASEAN.
Ông Phạm Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương nhận định khả quan về ngành công nghiệp Việt Nam.
Cơ cấu các ngành công nghiệp Việt Nam đang có sự chuyển biến tích cực. Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp lớn cho ngành công nghiệp nói chung, đến năm 2020 công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 5.82%. Xét trong giai đoạn 10 năm, công nghiệp chế biến, chế tạo đã ghi nhận những con số khởi sắc, năm 2010 công nghiệp chế biến, chế tạo đóng góp vào GDP 13%, đến năm 2020 chỉ số này là 16,7%. Cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển, công nghệ cao, công nghệ vừa đã có sự tăng trưởng, từ đó hình thành các tập đoàn công nghiệp có quy mô lớn và có sức cạnh tranh trên toàn cầu.
Ngoài ra, cơ cấu chuyển dịch tỷ trọng công nghiệp đã qua chế biến so với tổng giá trị xuất khẩu đã tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020. Các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao có sự tăng trưởng từ 44% năm 2016 lên khoảng 49% năm 2020. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp trong nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, từ đó hình thành nên các ngành công nghiệp cơ bản với sự hình thành của các tập đoàn điện tử viễn thông, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô,... Đây được xem là một hướng đi mới, tạo tiền đề cho phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, tạo nền tảng bền vững cho phát triển dài hạn của ngành công nghiệp trong nền kinh tế, góp phần vào quá trình công nghiệp hóa đất nước.
Đánh giá về những hạn chế của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho GDP đất nước, TS. Trịnh Thị Thanh Thủy, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương, Bộ Công Thương cho rằng, hiện nay năng lực cạnh tranh của công nghiệp chế biến, chế tạo còn hạn chế, vì vậy đóng góp của ngành vào nền kinh tế chưa thực sự cao, nấc thang giá trị gia tăng của Việt Nam còn thấp. Ngoài ra, công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, nguồn đầu vào phụ thuộc từ thế giới còn lớn.
TS. Trịnh Thị Thanh Thủy cho rằng, công nghiệp chế biến, chế tạo còn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. 
Ngành công nghiệp Việt Nam có nhiều bước tiến kể từ khi quá trình đổi mới bắt đầu. Quá trình phát triển đổi mới của Việt Nam về bản chất là công nghiệp hóa. Ngành công nghiệp đã trở thành cỗ máy tạo công ăn việc làm cho người lao động, chuyển đổi hàng triệu lao động từ khu vực nông nghiệp nông thôn, năng suất thấp sang khu vực công nghiệp.
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, năng suất lao động, giá trị gia tăng của công nghiệp nước ta vẫn còn thấp, so với các nước trong khu vực ASEAN còn chưa đáng kể. Cho đến thời điểm hiện tại, năng lực cạnh tranh công nghiệp Việt Nam chỉ đứng thứ 7 trong ASEAN, năng suất lao động đang ở nhóm thấp trong ASEAN, từ đó giá trị gia tăng đạt được còn thấp.
Hiện nay, ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố, động lực phát triển của ngành công nghiệp, kéo theo sự phát triển của các ngành khác. Vì vậy, sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô được xem là nhân tố tác động tích cực, thúc đẩy các ngành công nghiệp phát triển.
Theo ông Đào Công Quyết, Trưởng Tiểu ban Truyền thông và Quan hệ công chúng – Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam, để sản xuất một chiếc ô tô phải cần 30.000 linh kiện, ngành công nghiệp ô tô đòi hỏi nền tảng công nghiệp rất lớn. Mô hình của ngành công nghiệp ô tô bao gồm công nghiệp phụ trợ, công nghiệp ô tô và các ngành dịch vụ xoay quanh. Công nghiệp phụ trợ gồm nhiều mảng khác nhau như khai khoáng luyện kim, sản xuất thép, sản xuất các loại kim loại khác nhằm tạo phôi để chế tạo các chi tiết máy,... Công nghiệp ô tô bao gồm các nhà sản xuất ô tô và các nhà sản xuất linh kiện. Ngoài ra, ngành dịch vụ bao gồm dịch vụ bảo hiểm sau mua xe, sửa chữa, bảo dưỡng, cung ứng nhiên liệu, quảng cáo,... Vì vậy, ngành công nghiệp ô tô có tác động rất lớn đối với các ngành liên quan.
Ông Đào Công Quyết lý giải ngành công nghiệp ô tô là đầu tàu, động lực phát triển các ngành công nghiệp khác. 
Để giải quyết bài toán phát triển ngành công nghiệp nói chung, công nghiệp phụ trợ nói riêng cần có nhiều giải pháp để thực hiện, thực thi.
Thứ nhất, cần ổn định kinh tế vĩ mô cũng như sớm ban hành những chính sách khắc phục tình trạng ngành công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, ví dụ như: phân bổ nguồn lực cho xã hội, thu hút đầu tư, nhân lực để phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ.
Thứ hai là hoàn thiện, đồng bộ các chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp, ví dụ như: các chính sách về tín dụng, chính sách về thuế, các chính sách để phát triển về nguồn nguyên liệu, hạn chế nhập khẩu. Ngoài ra, cần một số chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu đàn để xây dựng họ lớn mạnh, có hệ thống sinh thái công nghiệp đi theo để phụ trợ, nâng cao năng lực doanh nghiệp, công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. 
Thứ ba, cần phải tạo ra thị trường cho ngành công nghiệp phụ trợ bằng việc phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp phụ trợ. Xét một cách tổng quan, ngoài những chính sách hỗ trợ của Nhà nước, vẫn cần sự vào cuộc, đồng lòng của các ban, ngành trong việc xây dựng chính sách, từ đó mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ sớm hoàn thành.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Bộ Công Thương nên tập trung giúp Chính phủ, trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp. Đây sẽ là bước đi đột phá quan trọng có tính chất nền tảng, xuyên suốt trong quá trình phát triển. Ngoài ra, ông cũng cho rằng, Bộ Công Thương cùng các ban, ngành cần đẩy mạnh tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp Nhà nước, chú ý thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ, chính những doanh nghiệp này sẽ định hình tương lai nền kinh tế Việt Nam. Bên cạnh đó cũng dành sự quan tâm, hỗ trợ cho các tập đoàn tư nhân lớn để đóng vai trò là đầu tàu, song hành với doanh nghiệp nhà nước, kết nối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tương lai.
Ngành công nghiệp Việt Nam có vai trò quan trọng trong nền kinh tế, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, tránh bẫy thu nhập trung bình. Việt Nam cần tiếp tục theo đuổi mục tiêu công nghiệp hóa, lấy công nghiệp chế biến chế tạo làm trọng tâm, cùng với đó là phát triển các ngành dịch vụ, phân phối cho các ngành sản xuất, để tạo động lực kép, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương phục vụ công nghiệp hóa và phát triển bền vững giai đoạn 2020, tầm nhìn đến năm 2030, công nghiệp tạo thị trường cho các ngành dịch vụ phát triển. Vì vậy, nguồn lực xã hội nên tập trung vào xây dựng, nâng cao năng lực, năng suất cho các doanh nghiệp trong nước, hình thành, phát triển các công nghiệp mạnh, các chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị trong nước, có đủ năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Bên cạnh đó cần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng thuận lợi để các doanh nghiệp công nghiệp trong nước tạo ra giá trị gia tăng lớn hơn, kết nối khu vực đầu tư nước ngoài và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với những mục tiêu, giải pháp trên sẽ thúc đẩy nền công nghiệp Việt Nam phát triển, bền vững. Đây được xem là tiền đề quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước có nền công nghiệp hiện đại.
Nhật Quang 



lên đầu trang