Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 13:42

Chủ nhật, 19/05/2024 | 13:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 11:56 ngày 15/08/2022

Đầu tư vào R&D, hướng phát triển cho doanh nghiệp trong thời đại mới

Thông qua hoạt động đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển), nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được cho mình hướng đi đúng, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và gia tăng khả năng cạnh tranh thương mại với các đối thủ khác trên thị trường.
Khi hội nhập thế giới ngày càng đẩy mạnh, các doanh nghiệp của Việt Nam bắt đầu được tiếp cận với làn sóng đầu tư, xu thế phát triển mới của các tập đoàn quốc tế. Trong đó, xu hướng tiếp nhận, chuyển giao và đầu tư các trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) đang là hướng đi được nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm. Điều này sẽ mở ra cơ hội giúp các công ty này có khả năng tiếp cận với công nghệ mới, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Đồng thời, cũng giúp các doanh nghiệp chuẩn bị sẵn những công nghệ tân tiến, hiện đại nhằm quản trị rủi ro trước khả năng bị đối thủ đánh cắp, sao chép công nghệ.
R&D (nghiên cứu và phát triển) đang là lĩnh vực các công ty, tập đoàn lớn đẩy mạnh đầu tư (Ảnh minh họa)
Do đó, ngay từ khi xuất hiện những làn sóng chuyển dịch và các cuộc hội thảo, tọa đàm về R&D đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam, đã có một số doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư sang loại hình mới mẻ này. Tuy nhiên, việc triển khai, đầu tư vào R&D vẫn còn diễn ra khá chậm chạp bởi tâm lý “ăn chắc mặc bền” đã đi cùng người Việt qua từng năm tháng. Nhiều doanh nghiệp lo sợ rằng việc đầu tư vào R&D sẽ gây ra tốn kém, tiêu hao tiềm lực, trong khi năng lực sản xuất hiện tại vẫn đáp ứng đủ nhu cầu và thị hiếu thị trường.
Chính vì suy nghĩ đó mà trong quá trình phát triển, đã có những doanh nghiệp từng rơi vào bước đường cùng, buộc phải tiến hành đổi mới để tiếp tục cạnh tranh và thậm chí là tồn tại. Điển hình trong đó chính là trường hợp của Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông hay Công ty Gốm sứ Minh Long I.
Đối với Minh Long I, công ty này cho đến nay vẫn luôn là địa chỉ tin cậy cho khách hàng khi chọn mua các sản phẩm về gốm, sứ. Tuy nhiên, vào thời điểm 15 trước, Minh Long I lại từng gặp phải sự bế tắc do giá nhiên liệu tăng cao, dẫn đến mức chênh lệch biến động hàng ngày giữa chi phí đầu vào và chất lượng sản phẩm. Theo chia sẻ của ông Lý Ngọc Minh (TGĐ Công ty Gốm sứ Minh Long I), giá thành gas lúc đó đã tăng từ 500 USD/ tấn lên đến ngưỡng 1.000 – 1.500 USD/tấn, khiến cho gốm sứ Minh Long I phải bỏ ra số tiền lớn để sản xuất một mẻ sản phẩm đạt chất lượng xuất khẩu. Nút thắt này kéo dài không giải quyết được, Minh Long I hoàn toàn có khả năng bị phá sản.
Chính trong khó khăn đó, ông Lý Ngọc Minh cùng đội ngũ kỹ sư của mình đã tiến hành nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp nhằm xử lý hiệu quả vấn đề. Hàng loạt những kiến nghị đã được đưa ra, với phương pháp cuối cùng được lựa chọn chính là giải pháp xử lý hệ thống lọc nước và khí để pha chế nguyên liệu luôn đạt hiệu quả trung tính và tinh khiết, đồng thời trong vòng ba phút có thể đưa một lượng khí lớn vừa sạch, vừa trung hòa độ pH và ion hóa, có nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khoảng 10 độ vào các xưởng khép kín.
Bộ bát đĩa tiệc được làm từ loại đất đặc biệt của Minh Long I (Ảnh: kyluc.vn)
Từ giải pháp này, đội ngũ kỹ sư của Minh Long I tiếp tục cải tạo hệ thống lò nung, lắp đặt thêm hệ thống sấy, xử lý nguyên liệu đầu vào cho men và đất,… giúp tạo ra công nghệ nung mới một lần lửa. Kết quả thu được từ công nghệ này giúp cho công ty Minh Long I vừa giảm thiểu được chi phí nhiên liệu, rút ngắn thời gian nung trong khi sản lượng được gia tăng gấp đôi nhưng vẫn đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Cũng từ đó, công ty Minh Long I dần thay đổi phương hướng sản xuất truyền thống sang sản xuất kết hợp nghiên cứu R&D nhằm liên tục phát triển sản phẩm và cả phương pháp sản xuất.
Tương tự với trường hợp của Minh Long I chính là câu chuyện của Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông. Là một trong những đơn vị tiên phong trong hành trình sản xuất công nghiệp nhẹ của Việt Nam, nhưng trước những thay đổi của thế giới và sự phát triển của khoa học công nghệ, Công ty Cổ phần Bóng đèn và Phích nước Rạng Đông đã gặp phải những biến động khiến họ đứng trên bờ vực phá sản. Tuy nhiên, thông qua “phép thần” thu hồi bột huỳnh quang mà các nhà khoa học ở Viện AIST (Đại học Bách khoa HN) mang đến, Rạng Đông đã dần hồi phục để vươn lên phát triển.
Dây chuyền sản xuất đèn LED hiện đại của Rạng Đông (Ảnh: vista.gov.vn/)
Việc tái sử dụng được phế phẩm từ quá trình sản xuất cũ đã giúp Rạng Đông có hướng nhìn khác đối với vấn đề đầu tư vào R&D, mở ra quá trình hợp tác mới với Viện AIST (Đại học Bách Khoa Hà Nội) để thành lập một phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm chung HUST – RALACO. Từ sự mở đầu này, phòng thí nghiệm chung đã được Rạng Đông quyết định nâng cấp thành Trung tâm R&D Rạng Đông, đồng thời mở thêm một phòng thí nghiệm chung nữa được đặt tại ĐH Bách Khoa. Đây là nền tảng giúp cho Rạng Đông nghiên cứu phát triển các sản phẩm chiếu sáng công nghệ cao, chuyên dụng cho phát triển nông nghiệp như đèn LED tiết kiệm điện để trồng cây cúc, cây thanh long,… mở ra hướng phát triển mới ngoài lĩnh vực chiếu sáng dân dụng của Rạng Đông.
Với câu chuyện của Minh Long và Rạng Đông, có thể thấy việc đầu tư vào R&D là điều kiện để cho các doanh nghiệp tiếp tục phát triển và vững bước trong tương lai. Bởi doanh nghiệp chính là nền móng của mỗi quốc gia, doanh nghiệp mạnh thì nền kinh tế quốc gia mới phát triển. Đặc biệt, trong kỷ nguyên 4.0 để phát có thể phát triển bền vững thì đầu tư vào R&D mới là chiến lược khôn ngoan, đúng đắn cho các tập đoàn.
Theo nhận định của Tờ Nikkei Asia, những quốc gia sở hữu nhiều bằng sáng chế R&D thường dẫn đầu về các công nghệ tiên tiến và tiếng nói hơn khi thế giới thiết lập các tiêu chuẩn ngành. Do vậy, nhiều doanh nghiệp hàng đầu thế giới đã và đang chạy đua liên tục để xây dựng các trung tâm R&D mới trên toàn thế giới. Trong số này, có những doanh nghiệp hiện lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư như: Samsung với Trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD, được xây dựng làm nơi làm việc cho khoảng 3.000 kỹ sư, dự kiến hoàn thành trong năm nay; Grab mở trung tâm R&D tại TP. Hồ Chí Minh; LG chuẩn bị mở trung tâm R&D thứ hai tại Đà Nẵng trong khi Panasonic và Toshiba đã có các trung tâm R&D tại Việt Nam. Ngoài ra, Qualcomm cũng đã thành lập phòng thí nghiệm duy nhất của mình ở Đông Nam Á, đặt tại Hà Nội với quy mô 4 phòng lab, tập trung vào nghiên cứu các công nghệ có vai trò quan trọng hàng đầu hiện nay. Đây cũng là trung tâm R&D lớn nhất của tập đoàn này tại Đông Nam Á.
Samsung bắt đầu xây trung tâm R&D 220 triệu USD tại Việt Nam
Phối cảnh trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội (Ảnh: Báo Dautu.vn/)
Từ bài học kinh nghiệm của những công ty đi trước, có thể thấy việc chuyển đổi, đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đặc biệt là R&D sẽ là hướng phát triển cần thiết cho bất kỳ công ty, tập đoàn nào. Nhất là khi thế giới đang ngày càng dịch chuyển sang công nghệ số, ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, nếu không thay đổi kịp thời, các doanh nghiệp sẽ mất đi cơ hội, chậm chân trong tiến trình phát triển vươn ra khu vực và quốc tế.
Quang Ngọc
lên đầu trang