Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 23/04/2024 | 13:56

Thứ ba, 23/04/2024 | 13:56

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 07:54 ngày 22/08/2022

Tỉnh Trà Vinh nâng cao chất lượng sản xuất thủy sản nhờ ứng dụng khoa học công nghệ

Thông qua áp dụng các biện pháp khoa học công nghệ mới trong sản xuất, năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Trà Vinh đều tăng cao hơn từ 2 – 5 lần so với phương thức sản xuất truyền thống. 
Thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa sông Tiền và sông Hậu với hơn 65km đường bờ biển, diện tích đất nông nghiệp lớn lên đến 185.160ha, chiếm 77,45% tổng diện tích toàn tỉnh, có thể thấy Trà Vinh có nhiều lợi thế để phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy, hải sản. Không chỉ vậy, nền nông nghiệp của tỉnh còn được bổ sung nhiều yếu tố hỗ trợ khác như khí hậu mát mẻ, địa hình thấp bằng phẳng, đất đai màu mỡ, ít bị ảnh hưởng với bão, lũ, thiên tai.
(Nguồn: Niên giám thống kê ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn năm 2019)
Tuy nhiên, đứng trước những lợi thế đặc biệt, Trà Vinh lại chưa thể hiện rõ năng lực khi nền nông nghiệp của địa phương này mới dừng ở mức khá, thậm chí còn thua kém khá nhiều những địa phương xung quanh như: Sóc Trăng, Cần Thơ,… Do vậy, việc tăng cường đầu tư, phát triển ngành nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất, hiệu quả kinh tế là một trong những ưu tiên hàng đầu của địa phương này trong giai đoạn mới.
Để hiện thực hóa mục tiêu, Trà Vinh trong những năm gần đây đã liên tục ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thay thế quá trình sử dụng, sản xuất theo phương pháp truyền thống. Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, trong tổng diện tích hơn 23.700 ha đất sản xuất nông nghiệp được ứng dụng công nghệ cao có 7.000 đất trồng lúa và trên 5.000 ha trồng màu, vườn cây ăn trái ứng dụng công nghệ nhà lưới, thủy canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; hơn 11.000 ha nuôi trồng thủy sản theo phương thức thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao.
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại tỉnh Trà Vinh (Ảnh: tepbac.com/)
Cụ thể trong nông nghiệp, các hộ sản xuất đã chuyển đổi việc sản xuất thủ công truyền thống sản ứng dụng công nghệ nhà lưới, kết hợp với hệ thống tưới phun tự động cho sản phẩm đạt chuẩn VietGAP. Đối với nuôi trồng thủy sản, tiến hành chuyển đổi mô hình sang nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao trong ao nổi lót bạt có hệ thống ao trữ lắng lọc, ao xử lý nước thải tuần hoàn khép kín không xả thải để bảo vệ môi trường. Việc dùng máy tự động để cho tôm ăn giúp hạn chế thức ăn nằm lâu tan trong nước, gây ô nhiễm đáy ao.
Từ quá trình ứng dụng công nghệ cao, việc sản xuất nông nghiệp ở Trà Vinh đã dần chuyển biến với nhiều kết quả tốt. Ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh cho biết: “Các mô hình sản xuất nông nghiệp được ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao đều cho năng suất, chất lượng sản phẩm vượt trội.”
Trong đó với nông nghiệp, thành công trong việc chuyển đổi sang mô hình đạt chuẩn VietGAP giúp tăng giá trị cung ứng thêm từ 10 – 15%. Ngoài ra, các loài cây ăn trái như dừa sáp sau khi ứng dụng công nghệ mới giúp nâng cao tỷ lệ cho trái đạt 70%, cao hơn 30 – 40% so với cây giống được nhân từ cây giống đầu dòng.
Còn với nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt trong quá trình nuôi tôm thẻ chân trắng, việc ứng dụng công nghệ mới mang lại kết quả cao về sản lượng, với mức bình quân dao động 40  - 50 tấn/vụ, cao gấp 5 – 7 lần so với nuôi tôm bán thâm canh, thâm canh bình thường. Ngoài ra, quá trình ứng dụng còn mang đến dòng tôm thương phẩm có chất lượng tôm và hạn chế được tối đa những rủi ro về dịch bệnh trên tôm.
Nhận thấy những thành công trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất sang ứng dụng khoa học, công nghệ cao, Hội đồng Nhân dân tỉnh Trà Vinh đã ban hành Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND về Quy trình chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, giai đoạn 2021-2025. Qua đó, tỉnh ưu tiên hỗ trợ cho các tổ chức, đơn vị, hộ nông dân thực hiện các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ, thực hành sản xuất nông nghiệp tốt về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thủy sản. Đây cũng là cơ hội để các hộ sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản của tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình đổi mới, ứng dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, phù hợp với mục tiêu phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế bền vững.  
Quang Ngọc

lên đầu trang