Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 13:01

Chủ nhật, 19/05/2024 | 13:01

Tin KHCN

Cập nhật lúc 08:27 ngày 23/10/2017

Mô hình công viên khoa học sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Hội nghị thường niên các công viên khoa học châu Á (ASPA) lần thứ 21

ASPA lần thứ 21 với sự tham dự của gần 400 đại biểu, trong đó có 90 đại biểu nước ngoài đến từ 11 quốc gia, vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Butan, Singapore, Malaysia, Đài Loan…

Với chủ đề “Công viên Khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia”, trong các bài tham luận của phiên toàn thể, các chuyên gia nước ngoài đã chia sẻ những kinh nghiệm phát triển mô hình công viên khoa học, trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ nguồn tài chính, đặc biệt là chính sách pháp lý để mô hình này phát triển, trở thành những “không gian kiểu mẫu” để phát triển kinh tế cho các quốc gia.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, TP. Hồ Chí Minh định hướng phát triển khoa học và công nghệ phải thực sự trở thành động lực trực tiếp, đóng góp quan trọng vào chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững của TP. Hiện nay, TP đã có Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC), Khu Công nghệ cao (SHTP), Khu Nông nghiệp công nghệ cao (AHTP). Nhằm tăng cường thu hút đầu tư các ngành giàu chất xám, thành phố đang xúc tiến thành lập Công viên khoa học công nghệ tại quận 9 với quy mô 200 ha, tổng mức đầu tư 4.300 tỉ đồng. Đây sẽ là nơi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm công nghệ xanh, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cũng cho rằng, việc phát triển các khu công viên khoa học là một trong những giải pháp tích cực để thúc đẩy sự phát triển của TP. Theo ông Tuyến, định hướng của TP là phát triển thêm nhiều công viên khoa học nhằm hướng đến hình thành khu đô thị khoa học, công nghệ. Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư; hình thành doanh nghiệp lớn, tập đoàn công nghệ; hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao; hội nhập quốc tế ngày càng sâu về kinh tế và khoa học, công nghệ.

Các chuyên gia đến từ các nước cũng chia sẻ kinh nghiệm phát triển các công viên khoa học. Hiệu trưởng Đại học Daegu (Hàn Quốc), ông Duck Ryul Hong cho rằng, công viên khoa học đóng vai trò chủ đạo trong phát triển công nghệ mới, các ngành quan trọng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Theo ông, các khu công viên khoa học cần đầu tư để nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng cho các sản phẩm thay vì chạy theo số lượng; tạo mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu. Ngoài ra, cần có chính sách khuyến khích các quỹ đầu tư mạo hiểm tham gia, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp tăng tốc.

Theo các chuyên gia Nhật Bản các khu công viên khoa học tại Nhật Bản hiện nay có vai trò làm đầu mối cung cấp các dịch vụ, các ứng dụng về công nghệ và hỗ trợ khởi nghiệp. Đây cũng là nơi thu hút nhiều quỹ đầu tư để nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, phục vụ đời sống người dân.

Tại hội nghị, các đại biểu thuộc các công viên khoa học công nghệ châu Á cũng khẳng định các khu công viên khoa học là nơi để thu hút các tập đoàn đầu tư công nghệ, thu hút chuyên gia hàng đầu đến làm việc và sinh sống; thúc đẩy ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào thực tế, nâng cao giá trị nội địa hóa trong sản phẩm. Đây cũng là nơi phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nội sinh; hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ...

Theo Báo Công Thương

 

lên đầu trang