Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 22:59

Thứ bảy, 18/05/2024 | 22:59

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:24 ngày 17/10/2022

Phổ cập hiểu biết số: nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng

Đó là nội dung chính của Hội thảo “Phổ cập hiểu biết số: Nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng” được tổ chức ngày 13/10 vừa qua tại Hà Nội
Bên cạnh những yếu tố đọc - hiểu - viết thông thường, việc sinh sống trong thời đại công nghiệp 4.0 đang phát triển sẽ yêu cầu mỗi người trong chúng ta sẽ cần trang bị thêm năng lực cơ bản là “hiểu biết số - digital literacy”, nhằm nâng cao những kỹ năng và bí quyết để nắm bắt thông tin, giữ an toàn khi trực tuyến, đề phòng lừa đảo và tấn công qua mạng. 
Tuy nhiên tại Việt Nam, vấn đề này vẫn chưa thực sự được chú trọng, với số lượng các vụ lừa đảo trên không gian mạng vẫn gia tăng nhanh chóng. Trong khi đó, truyền thông số lại đang trở thành nguồn thông tin chính cho mọi tầng lớp người dân, khiến cho nguy cơ trở thành nạn nhân của tin giả hay bị định hướng tư duy bởi truyền thông, quảng cáo ngày càng lớn.
Để giải quyết thực trạng này cần có sự tham gia, vào cuộc của các bên liên quan bao gồm cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp và các cơ quan truyền thông. Từ yêu cầu này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với một số đối tác nước ngoài như: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), Tổ chức Lao động Thế giới (ILO) tổ chức Hội thảo “Phổ cập hiểu biết số: Nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng”. Sự kiện diễn ra vào ngày 13/10/2022 tại Hà Nội. 
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: congthuong.vn)
Phát biểu tại hội thảo, ông Triệu Minh Long - Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, các nước trên thế giới đang tập trung xây dựng chiến lược về phát triển quốc gia số, kinh tế số và xã hội số. Gốc của các chiến lược này là đều phải có công dân số, nghĩa là chúng ta cần phổ cập, nâng cao nhận thức và đào tạo kỹ năng về công nghệ, dịch vụ, ứng dụng số cho người dân để họ có thể khai thác tối ưu những tiện ích số phục vụ cho sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống.
“Bộ Thông tin và Truyền thông đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng là hợp tác với các tổ chức quốc tế cùng các cơ quan, tổ chức trong nước để đẩy mạnh nâng cao kỹ năng số cho người dân” - ông Triệu Minh Long nhấn mạnh.
Đánh giá về tầm nhìn 2030 và các mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, UNICEF đánh giá rất cao tầm nhìn và các mục tiêu được đưa ra trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” của Việt Nam, được thể hiện ở cả 3 trụ cột Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Chương trình này cũng đã làm rõ rằng, chuyển đổi số phải đặt con người làm trung tâm, đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau.
Do đó, trong quá trình đẩy mạnh việc chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện thì việc phổ cập “hiểu biết số - digital literacy” nâng cao ý thức, kỹ năng của người dân trên không gian mạng, là yếu tố quan trọng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra trong “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công an sau một năm thực hiện Chỉ thị số 21 của Thủ tướng về tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản (25/5/2020 -25/5/2021), đã có hơn 5.400 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hàng nghìn tỷ đồng, với gần một nửa được triển khai qua không gian mạng. Trong đó, hơn 420 vụ sử dụng mạng xã hội, kết bạn làm quen, thông báo gửi quà; 527 vụ giả danh cán bộ cơ quan tố tụng để gọi điện thoại đe dọa; 526 vụ hack tài khoản mạng xã hội; 473 vụ lừa trúng thưởng, kinh doanh trên web; 144 vụ góp vốn kinh doanh đa cấp, tiền ảo...
Quang Ngọc
lên đầu trang