Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 06/05/2024 | 22:07

Thứ hai, 06/05/2024 | 22:07

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:31 ngày 07/11/2017

Ngành da giày có nhiều cơ hội phát triển

Chiếm trên 9% tổng kim ngạch XK của cả nước, ngành da giày có vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh thế mạnh về sản lượng và kim ngạch XK, ngành da giày vẫn còn nhiều điểm yếu cần phải khắc phục để nâng cao giá trị gia tăng, đảm bảo phát triển bền vững.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương, tính đến nay, Việt Nam có khoảng 1.700 DN da giày (trong đó có khoảng 800 DN lớn) sử dụng 1,2 triệu lao động trực tiếp. Trong giai đoạn 2011-2015, ngành da giày có tốc độ tăng trưởng trung bình từ 15% đến 20% mỗi năm. Trong năm 2016, kim ngạch XK của ngành da giày đạt 16,2 tỷ USD chiếm 9,2% tổng kim ngạch XK hàng hóa cả nước, tăng 8,8% so với năm 2015, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng và thứ 2 thế giới về trị giá XK. Hầu hết sản phẩm da giày của Việt Nam có chất lượng tốt, được nhiều nước chấp nhận, nhiều thương hiệu nổi tiếng trên thế giới đã có mặt ở Việt Nam. Hiện tại, sản phẩm da giày Việt Nam đã XK tới gần 50 nước với các thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…

Thông tin từ Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) cho biết, ngành da giày Việt Nam vẫn tăng trưởng khá mạnh ở khu vực Đông Nam Á với kim ngạch XK 2 tháng đầu năm 2017 đạt 2,1 tỉ USD, tăng gần 11% so với cùng kì năm 2016. Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso cho biết, hoạt động sản xuất của ngành da giày đang phát triển khá tốt với xu hướng dịch chuyển sản xuất khoảng 3% (so với năm 2011) từ khu vực Đông Nam Bộ sang khu vực Tây Nam Bộ và mặc dù tỉ lệ tăng trưởng ở khu vực FDI vẫn nhanh hơn, cao hơn so với khu vực DN trong nước (năm 2016 khu vực FDI chiếm 81% tổng kim ngạch XK của ngành) nhưng các DN trong nước cũng đã ngày càng tự tin hơn ở thị trường XK cũng như nội địa.

Bên cạnh đó, số lượng thống kê của Lefaso cũng cho thấy, sản lượng NK da thuộc trong giai đoạn từ 2011 đến 2016 đang tăng lên (trung bình hơn 20%/năm) cho thấy kim ngạch XK ở phân khúc sản phẩm cao cấp đang tăng lên, đặc biệt đối với mặt hàng va li- túi xách với kim ngạch XK năm 2016 đạt 3,2 tỉ USD trong khi 5 năm trước chưa đến 1 tỉ USD. Theo ông Diệp Thành Kiệt, từ nay đến năm 2030 thậm chí đến năm 2035, ngành da giày Việt Nam vẫn đủ điều kiện để phát triển do còn lợi thế cạnh tranh với Trung Quốc về GDP theo đầu người và lương cho người lao động. Bên cạnh đó, chính sách kinh tế của Việt Nam cũng như sức cạnh tranh tại các thị trường chính là Mỹ và EU cũng đang tạo điều kiện cho ngành da giày tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

Cùng quan điểm như trên, ông Phạm Chí Dũng, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ- Bộ Công Thương cho biết, Chính phủ đang có nhiều nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, riêng đối với công nghiệp hỗ trợ, đang có nhiều chính sách khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó có các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho ngành da giày. Dự báo năm 2017, các thị trường Mỹ và EU có dấu hiệu hồi phục, trong khi chi phí sản xuất tăng lên tại Trung Quốc đã tạo ra xu hướng dịch chuyển đơn hàng sang Việt Nam. Làn sóng đầu tư mới trong nước và nước ngoài đã tăng lên đáng kể khi Việt Nam ký kết hàng loạt các FTA tạo điều kiện thu hút nguồn vốn đáng kể cho ngành da giày.

Ông Dũng cũng cho biết, với định hướng phát triển nhanh nhưng đảm bảo tính bền vững trên cơ sở hội nhập sâu vào thương mại thế giới, huy động mọi nguồn lực trong nước và đầu tư nước ngoài, triệt để khai thác các lợi ích từ FTA, kí kết và mở rộng thị trường XK, ngành da giày phải thực hiện mục tiêu tái cơ cấu theo hướng tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm trong đó ưu tiên khắc phục điểm yếu của ngành là sản xuất nguyên phụ liệu, tăng tỉ lệ nội địa hóa, giảm dần phương thức sản xuất gia công, tăng khả năng thiết kế cung cấp nguyên liệu, tập trung sản xuất các sản phẩm trung cao cấp hợp thời trang cho thị trường trong nước và XK. Để tận dụng cơ hội vượt qua thách thức của hội nhập các DN da giày sẽ phải nỗ lực, phấn đấu liên kết lại để tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ tham gia tích cực vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nhằm gia tăng giá trị cho ngành da giày XK, theo ông Phạm Chí Dũng, Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng một quy hoạch mới cho giai đoạn phát triển 2025 và tầm nhìn tới 2035. Theo dự kiến đến 2025 Việt Nam sẽ sản xuất 2 tỉ đôi giày, dép, kim ngạch XK 30 tỉ USD. Đến 2035 thì sản xuất 3 tỉ đôi giày dép với kim ngạch 45 tỉ USD. Việc tăng sản xuất và XK dẫn đến tăng nhu cầu nguyên phụ liệu, vì vậy trong những năm tới Việt Nam phát triển công nghiệp hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu sản xuất XK của ngành. Trong quy hoạch này, Chính phủ Việt Nam cũng khuyến khích DN xây dựng các nhà máy sản xuất thuộc da và giả da, vải giả da tráng PU và các loại nguyên phụ liệu khác. Bộ Công Thương cũng đang xem xét kiến nghị Nhà nước dành ra một quỹ đất để xây dựng khu công nghiệp chuyên ngành sản xuất nguyên phụ liệu cho ngành da giày và Nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua các chính sách đất đai, phát triển khoa học công nghệ, môi trường, đào tạo nhân lực.

Nguyễn Huế

lên đầu trang