Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:06

Thứ năm, 28/03/2024 | 21:06

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 07:56 ngày 26/05/2023

Ứng dụng công nghệ sản xuất vải dệt kim có khả năng kháng khuẩn cao

Việc hoàn thiện các quy trình và làm chủ công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn chất lượng cao đã giúp nhiều doanh nghiệp dệt may rút ngắn quá trình thương mại hoá.
Trong lĩnh vực dệt may, vải kháng khuẩn được sử dụng rộng rãi để sản xuất mặt hàng đồ lót, hàng thể thao, hàng gia dụng, các trang bị để băng vết thương và quần áo bảo vệ ở những nơi có nguy cơ lây nhiễm cao như bệnh viện, khách sạn, trường học, quần áo sử dụng cho bác sĩ, nhân viên y tế và cho bệnh nhân.
Quy trình chung để cho ra đời các sản phẩm vải kháng khuẩn là đưa các chất kháng khuẩn và giữ chúng bền lên (hoặc vào trong) vật liệu dệt trong suốt quá trình sử dụng. Các chất kháng khuẩn được đưa lên vải thường là những chất diệt khuẩn hoặc ức chế vi khuẩn phát triển. 
Tại Việt Nam, vải kháng khuẩn đã được nghiên cứu từ những năm 2003, sau khi dịch SARS nổ ra. Tuy nhiên, do nhu cầu thị trường không lớn, khả năng thương mại hóa thấp nên nghiên cứu vẫn chỉ dừng ở những kết quả đã đạt được. Cho đến khi đại dịch Covid-19 và những dịch bệnh có khả năng lây nhiễm cao bùng phát thì nhu cầu về vải kháng khuẩn mới tăng cao trong xã hội. 
Thời điểm này, Công ty Cổ phần Viện nghiên cứu Dệt may đã tập trung nghiên cứu dự án: “Hoàn thiện và làm chủ các quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn chất lượng cao” nhằm đáp ứng khả năng kháng khuẩn của sản phẩm và tổ chức sản xuất công nghiệp tại các doanh nghiệp.
Dự án tập trung nghiên cứu các nội dung bao gồm: Lựa chọn được tổ hợp nguyên liệu sợi phù hợp để sản xuất vải có độ bền kháng khuẩn cao; Lựa chọn hóa chất, chất trợ dệt, thuốc nhuộm phù hợp; Thiết lập các thông số công nghệ tại các quá trình tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất. 
Từ đó, hoàn thiện và làm chủ các quy trình công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn chất lượng cao, bền với nhiều lần giặt và tổ chức sản xuất công nghiệp vải dệt kim tại doanh nghiệp đối tác.
Vải dệt kim rất dễ bị vi khuẩn xâm nhập, vậy nên đây là chất liệu rất được chú trọng để tạo ra lớp kháng khuẩn. Khi sản xuất vải dệt kim, trong giai đoạn thêm các chất phụ gia để làm mềm vải, các chất kháng khuẩn cũng được sử dụng ngay lúc này để chúng giữ giặt bên trong từng sợi vải (Ảnh minh hoạ - Nguồn: bnews.vn)

Về quy trình cụ thể, việc đưa các chất kháng khuẩn lên vải chủ yếu được thực hiện sau công đoạn tẩy trắng, nhuộm màu hoặc in hoa theo các cách khác nhau: ngấm ép, tráng phủ hoặc phun… Xử lý theo phương pháp này, vải thành phẩm có khả năng diệt tới 90% khuẩn sau 1h tiếp xúc và giảm còn 60-70% sau một số lần giặt (sau 10 hoặc 20 lần giặt tùy theo loại chất kháng khuẩn sử dụng).

Sau thời gian nghiên cứu, dự án đã hoàn thiện và làm chủ 02 công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn từ sợi bông pha crabyon, và công nghệ sản xuất vải dệt kim kháng khuẩn từ sợi PES và sợi bông pha crabyon quy mô công nghiệp.
Dự án đã nghiên cứu thành công hai loại vải:
Mặt hàng VD1: vải dệt kim bông pha crabyon 165 g/m2 sử dụng 03 loại sợi: Sợi bông Ne40, bông pha crabyon Ne 40 ( bông/crabyon là 70/30) và sợi Spandex 20D
Mặt hàng VD2: vải dệt kim Pes chứa chitosan 185 g/m2 sử dụng 03 loại sợi: Sợi bông pha crabyon Ne40 ( tỷ lệ bông/crabyon là 70/30), sợi Pes 150D/75f  
Các loại vải đều trải qua các bước công đoạn dệt vải, tiền xử lý, nhuộm và hoàn tất các loại vải dệt kim khác nhau.
Trong quá trình thực hiện dự án, do nhu cầu vải kháng khuẩn phục vụ may khẩu trang vải phòng dịch Covid-19 tăng đột biến, Công ty CP Viện nghiên cứu Dệt may đã chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp đối tác để sản xuất và tiêu thụ vải VD1 để may khẩu trang vải phục vụ nhân dân trong phòng chống dịch Covid-19.
Sản xuất khẩu trang bằng vải dệt kim kháng khuẩn (Ảnh: Báo Tài nguyên & Môi trường)
Hiện tại, dự án đã tổ chức sản xuất và tiêu thụ trên 15 tấn vải VD1 và VD2. Cả hai loại vải 02 loại vải dệt kim đều có độ bền kháng khuẩn cao, sau 25 lần giặt vẫn có khả năng ức chế khuẩn đạt tỷ lệ ức chế vi khuẩn trên 90%.
Tố Uyên
lên đầu trang