Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ tư, 24/04/2024 | 11:47

Thứ tư, 24/04/2024 | 11:47

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 08:14 ngày 31/05/2023

Các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa: nâng cao hiệu quả sản xuất nhờ khoa học công nghệ

Xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là yếu tố quyết định đến sự thành - bại của doanh nghiệp, nhiều đơn vị sản xuất dệt may tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, bước đầu đạt được thành công.
Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực và giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của nền kinh tế. Tại Thanh Hóa, đây cũng là ngành sản xuất có vị thế ấn tượng, được quy hoạch là một trong những ngành công nghiệp “mũi nhọn” của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. 
Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 kéo dài đã khiến nhiều doanh nghiệp dệt may của Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng gặp nhiều khó khăn trong sản xuất: tỷ lệ đơn hàng sụt giảm, đối tác quốc tế ít quan tâm, yêu cầu sản phẩm làm ra khắt khe hơn,... Tình trạng này buộc các doanh nghiệp sản xuất phải đổi mới, nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi chung của ngành dệt may.
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 177 dự án đầu tư sản xuất gia công may mặc, da giày đã và đang đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng 8.700 ha, với tổng nguồn vốn đăng ký đầu tư 365.555 tỷ đồng, công suất thiết kế trên 700 triệu sản phẩm/năm. Năm 2022, toàn tỉnh sản xuất và xuất khẩu được gần 367 triệu sản phẩm may mặc và gần 203 triệu đôi giày; tiếp tục phấn đấu trong năm 2023 sẽ sản xuất 450 triệu sản phẩm may mặc và 250 triệu đôi giày. Hiện các dự án ngành may mặc, da giày đang tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động, chiếm hơn 60% số lao động toàn ngành công nghiệp.
Từ yêu cầu thực tiễn, kết hợp với sự phát triển mạnh mẽ về khoa học công nghệ trong thời đại 4.0, nhiều doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa đã và đang từng bước đầu tư đổi mới công nghệ, ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số để góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa ứng dụng công nghệ trong sản xuất (Ảnh: baothanhhoa.vn/)
Theo báo cáo của Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, ngành công nghiệp dệt may Thanh Hóa trong những năm gần đây đã có những bước phát triển đáng kể với tổng số 286 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Trong đó, khoảng 75% doanh nghiệp đã chủ động đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, thay thế các khâu sản xuất thủ công thành quy trình sản xuất tự động hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời nhiều doanh nghiệp còn triển khai ứng dụng các giải pháp số hóa trong hoạt động quản trị doanh nghiệp như: sử dụng hệ thống chấm công tự động để quản lý nhân sự từ xa; ứng dụng các phần mềm kế toán, quản lý kho hàng, thực hiện giao dịch thương mại điện tử, ký kết đơn hàng trực tuyến với khách hàng, liên kết với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán để tiến hành thanh toán từ xa, thanh toán không dùng tiền mặt… Qua đó giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa được các yêu cầu về chi phí, tăng năng suất lao động và mở rộng thị trường.
Ông Trịnh Xuân Lâm - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thanh Hóa cho biết: "Tri thức và công nghệ luôn là những yếu tố quan trọng cho sự phát triển của doanh nghiệp cũng như một ngành công nghiệp. Nhu cầu doanh nghiệp luôn là cải tiến kỹ thuật, áp dụng công nghệ mới trong sản xuất, kinh doanh và quản trị nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất. Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng và đón đầu những xu thế chung của các thị trường mà ngành dệt may đang hướng đến, việc ứng dụng các thành tựu của khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp là việc làm cần thiết, cần đẩy mạnh triển khai hơn nữa trong thời gian tới."
Điển hình cho hoạt động chuyển đổi số của các doanh nghiệp dệt may Thanh Hóa chính là Công ty Cổ phần Tập đoàn Tiên Sơn, hiện có 3 nhà máy gia công xuất khẩu sản phẩm may mặc tại thị xã Bỉm Sơn, huyện Yên Định và Thạch Thành, với trên 2.000 công nhân. Có vai trò là đối tác chiến lược may gia công của nhiều thương hiệu thời trang lớn trên thế giới, Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn đã tiến hành chuyển đổi mô hình kinh doanh ngay từ sớm, tập trung chủ yếu vào việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, thành quả kỹ thuật số trong sản xuất, kinh doanh như: máy vẽ sơ đồ tự động, may tự động, máy trải vải, máy cuộn viền, máy kiểm tra vải, máy tời vải… Kết quả thu được giúp doanh nghiệp giảm bớt công đoạn thủ công, giảm chi phí nhân công nhưng vẫn đảm bảo năng suất nguồn cung, gia tăng hiệu quả sản xuất; ghi nhận mức doanh thu năm 2022 đạt 950 tỷ đồng, giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 87 triệu USD, nộp ngân sách Nhà nước 12 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 90 tỷ đồng.
Tương tự với trường hợp của Công ty CP Tập đoàn Tiên Sơn, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nam Linh ở huyện Quảng Xương cũng là một trong những điển hình ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất dệt may. Hiện công ty đang hoạt động chủ yếu trong gia công hàng dệt may để xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Hàn Quốc, với 10 dây chuyền may cùng 450 công nhân lao động. Theo chia sẻ của đại diện công ty, để tạo được giá trị lợi nhuận cao trong khi giảm thiểu chi phí từ việc sử dụng nhân công, chi phí vận hành sản xuất, chi phí quản lý và chi phí tài nguyên đầu vào, công ty đã tiến hành chuyển đổi nhiều công đoạn sản xuất thủ công sang sản xuất tự động, tiến hành đầu tư nhiều máy móc công nghệ mới, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất như: máy trải vải tự động, máy may tự động…
Bà Lê Thị Thu Hiền - Phó Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Nam Linh chia sẻ: "Máy trải vải tự động là công nghệ đã được dùng từ lâu trong các doanh nghiệp sản xuất dệt may, đặc biệt là các doanh nghiệp tập đoàn lớn. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, công nghệ này mới được các công ty, xưởng sản xuất nhỏ lẻ đưa vào sử dụng để nâng cao năng lực sản xuất, giảm bớt áp lực cho nhân công lao động. Nếu như trước đây, khâu trải vải của phương pháp sản xuất truyền thống cần tối thiểu 2 người ở hai bên đầu bàn cắt để thao tác trải vải được nhanh chóng hơn, và có thể sẽ tăng gấp đôi nếu thực hiện tải và cắt nhưng khổ vải lớn thì hiện nay, việc sử dụng máy trải vải tự động chỉ cần 1 người thực hiện khâu nạp vải và điều chỉnh bằng các nút bấm hiển thị trên màn hình. Lúc này, máy trải vải tự động thực hiện các thao tác tạo nếp gấp và kéo vải trải đều trên bề mặt bàn cắt mà không bị so le hoặc lệch các mép gấp."
Sử dụng máy trải vải trong sản xuất giúp doanh nghiệp tối ưu hóa được bài toán chi phí và năng suất lao động (Ảnh: truyenhinhthanhhoa.vn/)
"Sử dụng máy trải vải bàn tự động sẽ cho năng suất trải vải cao. Trong vòng 1 phút máy có thể tự động trải được 70m vải. Máy có thể trải 1 chiều hoặc trải kiểu Zig Zag. Hệ thống tự mặc định cắt khi trải vải 1 chiều rồi trả về vị trí ban đầu để thực hiện trải cho các lần tiếp theo, chiều cao các lớp vải trải 1 chiều lên đến 150mm. Đối với vải trải theo kiểu zích-zắc cho chiều cao khoảng 100mm. Máy tải được trọng lượng cây vải khoảng 40kg và đường kính khoảng 350mm... Các sản phẩm dệt may của công ty sau khi cắt từ máy tự động luôn đảm bảo được thông số, kích thước và tiêu chuẩn kỹ thuật của khách hàng" - bà Lê Thị Thu Hiền cho biết thêm.
Từ những kết quả có được, các doanh nghiệp dệt may tỉnh Thanh Hóa xác định việc chuyển đổi, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ cần phải tiếp tục được đẩy mạnh, phát huy các thế mạnh vốn có, kết hợp với cải tiến kỹ thuật, đào tạo nhân sự chất lượng cao… góp phần phát triển các doanh nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo nền tảng để ngành dệt may phát triển bền vững. 
Không chỉ Thanh Hoá, nhiều doanh nghiệp dệt may khác trên cả nước cũng đang đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh. Đặc biệt vào cuối năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1643/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da Giầy Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035”, xác định chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ là một trong những giải pháp mà ngành dệt may của Việt Nam cần phải nỗ lực triển khai, nhằm phát triển ngành dệt may và da giầy trở thành ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế.
Quang Ngọc
lên đầu trang