Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 29/04/2024 | 01:56

Thứ hai, 29/04/2024 | 01:56

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 15:17 ngày 24/08/2023

Bộ Công Thương nghiệm thu các nhiệm vụ KHCN do VIELINA thực hiện

Sáng 24/8/2023, tai Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện các nhiệm vụ KHCN do Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa (VIELINA) chủ trì thực hiện. 
Buổi nghiệm thu có sự tham gia của đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, cùng các chuyên gia trong lĩnh vực đo lường, điều khiển, tự động hóa, cơ khí – tự động hóa, công nghệ thông tin, đến từ Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Hội đồng tư vấn, đánh giá nghiệm thu các đề tài khoa học của Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa.
Các đề tài được nghiệm thu bao gồm “Thiết kế chế tạo máy đo 3D không tiếp xúc sử dụng công nghệ quét chùm ánh sáng cấu trúc và thị giác máy” do Th.S Nguyễn Đình Tuấn làm chủ nhiệm và đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, thiết bị tích hợp rửa siêu âm kết hợp dòng xoáy và sấy khô có khả năng tự kiểm tra ứng dụng trong các sơ cở ý tế” do ThS. Lai Thị Vân Quyên làm chủ nhiệm. Cả hai đề tài đều là các nhiệm vụ cấp Bộ được thực hiện trong thời gian từ tháng 4/2021 đến tháng 6/2023.
Trong đó, đề tài “Thiết kế, chế tạo máy đo 3D không tiếp xúc sử dụng công nghệ quét chùm ánh sáng cấu trúc và thị giác máy” được thực hiện nhằm thiết kế, chế tạo máy đo 3D không tiếp xúc sử dụng công nghệ quét chứa ánh sáng cấu trúc và công nghệ thị giác máy, máy đo có một số ưu điểm nổi bật như tái tạo nhanh mô hình 3D của vật thể đo, đo các kích thước trên mô hình 3D với độ chính xác trên dải đo khoảng 20 µm. Trên cơ sở đó, ứng dụng sản phẩm trong nhà máy tại Việt Nam để kiểm tra kích thước trong dây chuyền thay thế các phương pháp đo chạm truyền thống (Panme, thước cặp, máy đo 3D sử dụng đầu dò) hay các máy đo 2D. Cụ thể, kiểm tra các chi tiết có kích thước tối đa 10x10x10mm, có trọng lượng tối đa 2kg như chi tiết điện thoại, chi tiết cơ khí của ô tô, xe máy, máy in,...
Kết quả được báo cáo tại buổi nghiệm thu cho thấy, đề tài đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công 01 máy đo 3D không tiếp xúc sử dụng công nghệ chùm sáng cấu trúc và thị giác VMES3D.01. Đồng thời, hoàn thiện đầy đủ bộ phần mềm điều khiển, thu thập dữ liệu và phần mềm thị giác máy tính; Bộ tài liệu khoa học công nghệ bao gồm bản vẽ thiết kế hệ thống cơ khí, tài liệu phân tích thiết kế hệ thống phần mềm, tài liệu hướng dẫn cài đặt và sử dụng máy đo, tài liệu hướng dẫn hiệu chỉnh máy.
ThS. Nguyễn Đình Tuấn báo cáo đề tài “Thiết kế chế tạo máy đo 3D không tiếp xúc sử dụng công nghệ quét chùm ánh sáng cấu trúc và thị giác máy”
Còn với đề tài “Nghiên cứu, thiết kế, thiết bị tích hợp rửa siêu âm kết hợp dòng xoáy và sấy khô có khả năng tự kiểm tra ứng dụng trong các sơ cở y tế” được thực hiện nhằm làm chủ công nghệ thiết kế chế tạo thiết bị tích hợp rửa siêu âm kết hợp dòng xoáy và sấy khô cung cấp cho các cơ sở y tế để làm sạch các dụng cụ y tế kim loại. Đồng thời, chế tạo nội địa hóa thiết bị tích hợp rửa siêu âm kết hợp dòng xoáy và sấy khô tương đương với thiết bị ngoại nhập.
Sau 27 tháng triển khai thực hiện, đề tài đã nghiên cứu thiết kế, chế tạo thành công 03 thiết bị rửa siêu âm kết hợp dòng xoáy và sấy khô VUSH2122 dùng trong y tế. Bên cạnh đó, hoàn thiện đầy đủ tài liệu thiết kế thiết bị, bản vẽ, giấy chứng nhận hiệu chuẩn, kiểm tra an toàn và bộ tài liệu hướng dẫn sử dụng thiết bị rửa VUSH2122. Sản phẩm của đề tài hứa hẹn sẽ có thị trường khá lớn và có ý nghĩa thiết thực trong công tác làm sạch các dụng cụ không chỉ trong y tế, công nghiệp mà còn có khả năng làm sạch các sản phẩm nông sản.
Th.S Lai Thị Vân Quyên trình bày tổng quan về đề tài nghiên cứu trước Hội đồng nghiệm thu
Sau khi các chủ nhiệm đề tài trình bày tóm tắt kết quả đạt được của nhiệm vụ, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu đã đưa ra những nhận xét, đánh giá một cách khách quan về tính cấp thiết, nhu cầu thị trường về sản phẩm của các đề tài, cũng như bố cục, nội dung và hình thức của đề tài. Bên cạnh đó, các thành viên trong Hội đồng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế để nhóm nghiên cứu tiếp thu, chỉnh sửa và hoàn thiện lại các báo cáo.
Kết luận buổi nghiệm thu, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đã đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện đề tài. Các đề tài đã được triển khai với hướng đi chính xác, phù hợp với nhu cầu thực tiễn của thị trường, được nhóm nghiên cứu thực hiện công phu, bám sát với mục tiêu và yêu cầu đề ra. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến của các thành viên trong hội đồng, PGS.TS Nguyễn Đức Khoát đề nghị các nhóm tác giả sớm bổ sung ý kiến đóng góp của hội đồng và các thành viên phản biện để sớm hoàn thiện đề tài và ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn.
Với số phiếu đánh giá Đạt 100%, các đề tài của Viện nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hóa đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua.
Trong hơn 30 năm hình thành và phát triển, Viện Nghiên cứu Điện tử, Tin học, Tự động hoá đã và đang chủ trì thực hiện hơn 134 đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NCKH&PTCN) và dự án sản xuất thử nghiệm (SXTN) cấp Bộ, 53 đề tài NCKH&PTCN và dự án SXTN cấp Nhà nước, 04 Dự án Quốc tế, 85 tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành.

Hầu hết các đề tài, dự án được nghiệm thu xếp loại Đạt trở lên, trong đó có một số xếp loại xuất sắc. Điển hình có một số đề tài đã được nhận giải thưởng và bằng khen của Bộ Khoa học và Công nghệ, 02 đề tài và 03 loạt sản phẩm đã được nhận giải VIFOTEC trong các năm 1999, 2000 và 2008.

Viện đã công bố 294 công trình khoa học được đăng trên các tạp chí, hội nghị trong nước và trên thế giới, đồng thời liên tục được chọn là cơ quan chủ trì Chương trình nghiên cứu KHCN trọng điểm của Nhà nước về Tự động hoá qua các giai đoạn 1991-1995 (Chương trình KC.02), 1996-2000 (Chương trình KHCN-04) và 2001-2005 (Chương trình KC.03)

Tố Uyên

lên đầu trang