Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 09:02

Thứ bảy, 04/05/2024 | 09:02

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 08:05 ngày 22/04/2024

VIMLUKI: 9 định hướng hoạt động giai đoạn 2022 - 2025

Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) là đơn vị nghiên cứu - triển khai khoa học và công nghệ (KHCN) về khai thác, chế biến khoáng sản, luyện kim trong lĩnh vực công nghiệp mỏ, trực thuộc ngành Công Thương.
Trong suốt hơn 50 năm hình thành và phát triển, Viện đã ghi dấu ấn trên nhiều công trình trọng điểm của đất nước. Trong giai đoạn 2017-2021, Viện đã thực hiện 53 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia và cấp bộ, ngành với tổng giá trị thực hiện đạt trên 54 tỷ đồng. Các nhiệm vụ đều hoàn thành đúng tiến độ, được các hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, nhiều công trình đã được chuyển giao kết quả ứng dụng vào sản xuất.
Trên cơ sở định hướng hoạt động KHCN ngành Công Thương, định hướng chiến lược phát triển của lĩnh vực khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim, vật liệu mới, môi trường công nghiệp và phân tích hóa-lý và thực trạng phát triển trong hơn 50 năm qua, Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim sẽ tập trung thực hiện một số định hướng chính như sau:
Một là: Tái cơ cấu Viện một cách toàn diện theo chỉ đạo của Bộ Công Thương (Bộ) theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu quả, sáp nhập các bộ phận có chức năng liên quan, giảm nhân lực gián tiếp, tăng nhân lực R-D KHCN, đặc biệt là nhân lực trình độ cao. Kiến nghị Bộ và Chính phủ cho hợp nhất các đơn vị thuộc Bộ có chức năng chuyên môn tương đồng vào Viện để tập trung nguồn lực cho giai đoạn phát triển mới. Đổi mới phương thức quản lý và cơ chế vận hành công tác R-D KHCN. Nâng cao mức độ tự chủ chi thường xuyên để tiến tới tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên;
Hai là: Thực hiện tốt chức năng tham mưu công tác quản lý ngành cho Lãnh đạo Bộ Công Thương và Chính phủ thông qua hoạt động xây dựng và tham gia xây dựng công cụ quản lý ngành như các Nghị định, Thông tư, Quy hoạch, Chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực, các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn, Định mức kinh tế kỹ thuật….;
Ba là: Duy trì, tiếp tục khẳng định vị trí hàng đầu của tổ chức R-D thông qua các sản phẩm trí tuệ và sản phẩm vật chất KHCN để thúc đẩy quá trình đổi mới nhận thức, đổi mới và hiện đại hóa công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản (KS). Công tác R-D lấy ngành, doanh nghiệp làm trọng tâm, giải quyết các vấn đề về công nghệ, thiết bị,… để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quá trình khai thác, chế biến KS;
Bốn là: Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức KHCN trên thế giới có trình độ tiên tiến để hợp tác nghiên cứu, tiếp thu trình độ chuyên môn và kỹ năng quản lý KHCN;  
Lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) và Tổng Công ty Tài nguyên và Cải tạo Mỏ Hàn Quốc (KOMIR).
Năm là: 100% các công trình R-D được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước, phấn đấu có công trình công bố ngoài nước. 100% kết quả các nhiệm vụ R-D KHCN cấp quốc gia và các nhiệm vụ R-D KHCN cấp Bộ tiêu biểu được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong giai đoạn năm 2022-2025 được cấp ít nhất 02 bằng sáng chế hoặc giải pháp hữu ích. Tham gia đào tạo sau đại học với Trường Đại học Bách Khoa và Trường Đại học Mỏ-Địa chất.
Sáu là: Đảm nhận và tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề tài và dự án KHCN cấp quốc gia, cấp bộ, cấp cơ sở và hợp đồng với doanh nghiệp. Gia tăng công bố các công trình nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế. Tích cực đăng ký bảo hộ các sáng chế, kết quả nghiên cứu. Đến năm 2025, 100% các công trình nghiên cứu được công bố kết quả trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín ở trong nước, đồng thời mỗi năm có từ 1-5 công trình được công bố trên các tạp chí hoặc kỷ yếu hội nghị khoa học quốc tế. Cán bộ khoa học, trước hết là các CNĐA, CNĐT có 1-2 công trình khoa học được công bố mỗi năm. Chú trọng đến vấn đề bản quyền và đăng ký bản quyền đối với sản phẩm sau nghiên cứu.
Bảy là: Duy trì sản xuất các sản phẩm thử nghiệm, sản phẩm thương mại truyền thống như thiếc kim loại, hợp kim thiếc, các loại hợp kim thép, đồng… có tính năng đặc biệt, đồng thời, tự phát triển và tiếp thu công nghệ để sản xuất các sản phẩm từ nguyên liệu thiếc có giá trị gia tăng cao, đáp ứng nhu cầu rất lớn của ngành công nghiệp điện tử trong nước và xuất khẩu, sản xuất các loại vật liệu tiên tiến phục vụ công nghiệp dân sinh và an ninh quốc phòng, tham gia các chương trình công nghiệp phụ trợ và công nghệ cao;  
Tám là: Tận dụng mọi nguồn lực phát triển đội ngũ nhân lực KHCN chất lượng cao, song song với tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu tiệm cận với trình độ khu vực Asean và châu Á và đáp ứng yêu cầu ở mức độ cơ bản của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Nhân lực của Viện đến năm 2025 có khoảng 250 người, trong đó tập trung nâng cao số lượng nhân lực làm R-D, giảm tối đa nhân lực ở các bộ phận trung gian, gián tiếp.
Chín là: Tăng cường công tác quản trị, đặc biệt là quản trị chi phí, quản trị rủi ro và quản trị kết quả sản xuất kinh doanh, thực hiện triệt để tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả trên cơ sở quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm vật tư, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm.
Các nhiệm vụ khoa học công nghệ do Viện Khoa học và công nghệ Mỏ - Luyện kim thực hiện trong thời gian qua vừa có tính chất đón đầu xu hướng khoa học, công nghệ, vừa giải quyết các nhiệm vụ xuất phát từ nhu cầu của thực tế sản xuất. Đồng thời, song hành cùng các doanh nghiệp trong mục tiêu đổi mới công nghệ, thiết bị, quản trị ở các doanh nghiệp đang hoạt động và phát triển các doanh nghiệp mới có công nghệ, thiết bị hiện đại, trình độ quản trị tiên tiến. Do đó, trong 10 năm qua, hầu hết các dự án triển khai về khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim lớn của đất nước đều có sự tham gia của VIMLUKI.
Hà Nguyễn
lên đầu trang