Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 12/10/2024 | 09:48

Thứ bảy, 12/10/2024 | 09:48

Chính sách

Cập nhật lúc 08:39 ngày 26/02/2024

Quy định rõ hơn về đổi mới sáng tạo

Luật Khoa học và Công nghệ (KHCN) 2013 đã đề cập đến khái niệm đổi mới sáng tạo nhưng chưa có các quy định điều chỉnh hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Bộ KHCN đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KHCN, trong đó điểm đáng chú ý là sẽ làm rõ hơn quy định về đổi mới sáng tạo, từ các khái niệm liên quan, nội hàm của đổi mới sáng tạo đến các chính sách.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt tham quan hệ thống xử lý ảnh và chụp hình đồng bộ hóa dữ liệu Poliface, có thể xác định mối quan hệ huyết thống, ước lượng sự già hóa của người chụp... của Viện KH&CN Việt Nam - Hàn Quốc - Ảnh: VKIST
Luật KHCN được Quốc thông qua vào ngày 18/6/2013 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014 bao gồm 11 Chương, 81 Điều.
Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt, qua thực tiễn gần 10 năm thi hành, Luật KHCN đã phát huy vai trò to lớn trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động KHCN. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận lại, Luật KHCN năm 2013 được ban hành trong bối cảnh đất nước ta mới trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) chưa lâu, các hoạt động KHCN tập trung chủ yếu ở khu vực công, gồm các các viện nghiên cứu và trường đại học. 
Khi đó, hoạt động KHCN ở khu vực doanh nghiệp chưa phát triển mạnh mẽ, phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, sự xuất hiện của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa rõ nét, chưa có tác động sâu rộng để thúc đẩy hoạt động KHCN trong doanh nghiệp.
Sau 10 năm, bối cảnh phát triển kinh tế-xã hội và KHCN trong nước và đặc biệt là sự phát triển như vũ bão của KHCN thế giới, đòi hỏi Luật KHCN cần được cập nhật, hoàn thiện để làm rõ hơn nội dung, nội hàm quản lý đối với một lĩnh vực có khả năng tăng trưởng nhanh và có vai trò ngày càng quan trọng như KHCN và đổi mới sáng tạo đối với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước. Đặc biệt hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của xã hội trong những năm gần đây.
Thực tế, thời gian qua, các hoạt động về đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nước ta ngày càng phát triển và đạt được một nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm 2023, chỉ số đổi mới sáng tạo (GII) của Việt Nam được xếp hạng 46/132 quốc gia/nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022. Việt Nam tiếp tục duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp (sau Ấn Độ xếp hạng 40). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 4 sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Iran). Việt Nam cũng là một trong 3 quốc gia có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Moldova và Việt Nam).
Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam hiện có khoảng hơn 1.400 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, trong đó có 202 khu làm việc chung; 208 quỹ đầu tư/nhà đầu tư; 35 tổ chức thúc đẩy kinh doanh (BA); 79 cơ sở ươm tạo (BI) trong đó, khoảng 72% cơ sở tập trung tại Hà Nội và TPHCM - hai thành phố có mật độ tổ chức KHCN, cơ sở giáo dục đại học và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ nhất trong cả nước.
Bên cạnh đó, đã có nhiều thành tố tham gia vào hệ thống đổi mới sáng tạo, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm - vừa là nơi phát sinh nhu cầu, vừa là nơi triển khai và thụ hưởng trực tiếp kết quả của đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp với loại hình, lĩnh vực khác nhau sẽ có vai trò và nhu cầu khác nhau trong hoạt động đổi mới sáng tạo.
Do đó, các hoạt động hỗ trợ từ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia nói chung, từ phía Chính phủ nói riêng cần huy động được đa dạng các nguồn lực nhằm đáp ứng nhu cầu của các giai đoạn phát triển, loại hình và lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
Hoàn thiện pháp lý về đổi mới sáng tạo là rất cấp thiết
Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, ông Bùi Văn Sỹ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ KH&CN) cho biết, thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, Bộ KH&CN đang đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KHCN.
"Chúng tôi đưa rất nhiều nội dung về hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và cụ thể hóa một loạt chủ trương của Đảng về vai trò của hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, đồng bộ cho hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thử nghiệm công nghệ mới….", ông Bùi Văn Sỹ nói.
Có thể nói, Luật KHCN 2013 đã đề cập đến khái niệm đổi mới sáng tạo nhưng chưa có các quy định điều chỉnh hoạt động đổi mới sáng tạo, bao gồm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, Luật KHCN 2013 chỉ quy định khái niệm "Đổi mới sáng tạo" tại Khoản 16 Điều 3 và tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 47 quy định về khuyến khích hoạt động sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất và đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, các quy định của pháp luật về đổi mới sáng tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã xuất hiện rải rác ở một số nơi như: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Nghị định số 94/2020/NĐ-CP ngày 21/08/2020 của Chính phủ quy định cơ chế, chính sách ưu đãi đối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia...
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển toàn cầu, hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh để bảo đảm sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia.
Để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia phát triển, cần bổ sung, làm rõ các thuật ngữ, các thành tố, có các cơ chế, chính sách phù hợp, vượt trội để hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia trong Luật KHCN; chuyển sang tập trung nhiều hơn vào khuyến khích, đẩy mạnh huy động các nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực từ doanh nghiệp tư nhân, xã hội để tổ chức tốt hơn các chiến lược, chính sách về đổi mới sáng tạo, đưa ý tưởng, kết quả nghiên cứu, quy trình mới, sản phẩm mới, mô hình tổ chức, kinh doanh mới vào thực tiễn.
Trên cơ sở tình hình thực tiễn và nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trong khu vực, việc hoàn thiện hành lang pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dự thảo Luật KH&CN mới sẽ tập trung vào việc bổ sung, giải thích khái niệm, thuật ngữ về hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, ngành, doanh nghiệp; các quy định về hoạt động đổi mới sáng tạo, nhiệm vụ đổi mới sáng tạo; huy động nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo; phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, vùng, ngành và doanh nghiệp; chính sách thuế, tín dụng đối với hoạt động đổi mới sáng tạo; chính sách thử nghiệm đối với hoạt động ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo đối với các công nghệ/lĩnh vực mới...
Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 15/2/2024 về việc đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán Giáp Thìn 2024, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&CN trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 2/2024 dự thảo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang làm Trưởng Ban Chỉ đạo.
Tuy nhiên, việc sửa đổi, ban hành một luật cần nhiều thời gian. Trong khi chờ Luật KHCN được sửa đổi, bổ sung, Bộ KH&CN đang đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng một Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trao đổi thêm, ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KHCN (Bộ KHCN) cho biết, là cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Bộ KH&CN nhận thấy cần có một khuôn khổ pháp lý để tạo sự thống nhất và đồng bộ trong cơ chế, chính sách có liên quan đến hoạt động trong khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KHCN chưa được ban hành.
"Việc xây dựng một Nghị định về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là một bước hoàn thiện hành lang pháp lý, làm rõ các khái niệm cơ bản về các chủ thể trong hệ sinh thái, thế nào là chủ thể đổi mới sáng tạo, tổ chức hỗ trợ là gì, khái niệm về các chuyên gia, cố vấn, huấn luyện viên, các nhà đầu tư thiên thần thậm chí chưa được xuất hiện trong các văn bản pháp quy hiện nay. Vì vậy, rất cần thiết sớm ban hành Nghị định này và tạo ra hành lang pháp lý thúc đẩy cho các chủ thể tham gia hệ sinh thái", ông Phạm Hồng Quất nói.
Ông Phạm Hồng Quất cũng cho biết thêm, các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư mạo hiểm thường tìm đến các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khi các doanh nghiệp này đã có thị trường hoạt động và có khả năng tăng trưởng quy mô. Vì vậy, việc tạo thị trường ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rất quan trọng, do đó, Bộ KHCN đã góp ý và đề xuất với Bộ Kế hoạch và đầu tư đưa doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo là một trong các chủ thể được ưu tiên, ưu đãi tại dự thảo Nghị định hướng dẫn định hướng dẫn chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu 2023 về lựa chọn nhà thầu.
Hy vọng việc hoàn thiện hành lang pháp lý về đổi mới sáng tạo tới đây sẽ đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và tình hình mới, xu thế mới của thời đại, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Theo https://hanoimoi.vn/
lên đầu trang