Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:56

Chủ nhật, 28/04/2024 | 16:56

Năng suất chất lượng

Cập nhật lúc 09:43 ngày 27/02/2024

Hỗ trợ doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến KAIZEN để nâng cao năng suất chất lượng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập và sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất được coi là yếu tố quyết định tới sự phát triển của các quốc gia, của các ngành hàng và của các doanh nghiệp. 
Hiện nay, nước ta có hơn 541.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang hoạt động trong nền kinh tế và số lượng các DNNVV chiếm khoảng 96,7% tổng số doanh nghiệp. Hoạt động của các DNNVV gặp phải nhiều khó khăn như: tiếp cận vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại còn nhiều hạn chế; nguồn nhân lực thiếu và yếu, năng lực cạnh tranh, khả chiếm lĩnh thị trường thấp; trình độ công nghệ thông tin kém. 
Việc triển khai các công cụ quản trị mới trong các doanh nghiệp làng nghề là cần thiết. Tuy nhiên, các doanh nghiệp làng nghề có nhiều đặc thù nên cần phải có những điều chỉnh phù hợp khi đưa các công cụ quản trị tiên tiến, hiện đại như Kaizen vào áp dụng. Việc xây dựng một mô hình để giúp các doanh nghiệp làng nghề áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen một cách có hiệu quả được đánh giá là một giải pháp tích cực.
Áp dụng công cụ cải tiến KAIZEN sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp như: Giảm lãng phí, gia tăng năng suất trong hoạt động sản xuất, vận hành của doanh nghiệp; giúp nâng cao sự hài lòng khách hàng, tăng giá trị thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp... (Ảnh minh họa: icert.vn/)
Trước vấn đề đó, PGS, TS Bùi Anh Tuấn cùng nhóm nghiên cứu tại Trường Đại học Ngoại Thương đã thực hiện đề tài “Hỗ trợ các doanh nghiệp làng nghề áp dụng công cụ cải tiến Kaizen để nâng cao năng suất chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh” với mục tiêu là thúc đẩy áp dụng công cụ cải tiến Kaizen, hình thành văn hoá cải tiến, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hoá, góp phần phát triển bền vững làng nghề.
Để xây dựng một mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen phù hợp với các doanh nghiệp làng nghề, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu các mô hình Kaizen được triển khai ở trong và ngoài nước thông qua các tài liệu thứ cấp thu thập được… Song song với đó, nhóm nghiên cứu cũng đã tiến hành xây dựng một mô hình áp dụng các công cụ cải tiến Kaizen trên cơ sở điều chỉnh các mô hình đã và đang được áp dụng cho phù hợp với đặc thù của các doanh nghiệp làng nghề. 
Sau thời gian triển khai, nhóm nghiên cứu đã hoàn thành tất cả các mục tiêu như xây dựng được mô hình áp dụng các công cụ cải tiến KAIZEN, phổ biến, hướng dẫn, đào tạo, tư vấn trực tiếp, nhân rộng áp dụng KAIZEN vào các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam cùng những mục tiêu chung đã xác định ban đầu. 
Bên cạnh đó, nhóm triển khai đã hoàn thành đầy các nội dung theo đăng ký trong Thuyết minh nhiệm vụ, cụ thể là: Phổ biến, hướng dẫn áp dụng các công cụ cải tiến KAIZEN cho 237 doanh nghiệp làng nghề ở 05 làng nghề trong 4 nhóm ngành nghề thông qua các hội thảo, tập huấn; Đào tạo hướng dẫn triển khai KAIZEN cho 123 doanh nghiệp làng nghề trong 5 làng nghề; Trực tiếp hỗ trợ hướng dẫn xây dựng và áp dụng KAIZEN thành công 60 doanh nghiệp làng nghề trong số các doanh nghiệp làng nghề tại 05 làng nghề; Thúc đẩy áp dụng rộng rãi các công cụ cải tiến KAIZEN cho các doanh nghiệp làng nghề Việt Nam thông qua các hoạt động thông tin, truyền thông chia sẻ kinh nghiệm.
Chia sẻ thêm về kết quả đạt được, PGS, TS Bùi Anh Tuấn – chủ nhiệm đề tài nhận định, qua quá trình thực hiện nhiệm vụ và các sản phẩm của nhiệm vụ cũng đã đảm bảo đạt được mục tiêu nhân rộng việc áp dụng công cụ KAIZEN. Điển hình như giúp doanh nghiệp trên phạm vi nhiều làng nghề tiếp cận và nghiên cứu khả năng áp dụng tại doanh nghiệp làng nghề thông qua hoạt động quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm; Xây dựng cẩm nang KAIZEN, hỗ trợ quá trình tự triển khai xây dựng KAIZEN nhằm nhân rộng số lượng các doanh nghiệp làng nghề tiếp cận công cụ cải tiến KAIZEN trong quản trị doanh nghiệp một cách thuận lợi, tiết kiệm và hiệu quả…
Kaizen là một triết lý kinh doanh, sản xuất nổi tiếng của Nhật Bản. Trong Nhật ngữ, Kaizen được ghép bởi 2 từ: Kai – liên tục và Zen – cải tiến.
Theo đó, triết lý Kaizen có nghĩa là luôn hướng đến sự cải tiến liên tục, nỗ lực không ngừng dựa trên những gì có sẵn của toàn bộ cá nhân trong một doanh nghiệp, từ các bộ phận cấp cao đến các nhân viên. Điều này nhằm mục đích đảm bảo mọi hoạt động, môi trường làm việc luôn được cải tiến, giúp nâng cao năng suất, hiệu quả làm việc, tiết kiệm chi phí, nguồn lực,...  
Kaizen bao gồm các đặc điểm chính sau:
  • Là một quá trình thực hiện cải tiến liên tục tại nơi làm việc.
  • Tập trung vào mục tiêu nâng cao năng suất lao động, thỏa mãn các yêu cầu từ khách hàng song song với việc giảm lãng phí (chi phí, thời gian,...).
  • Được triển khai với sự tham gia của tất cả các thành viên và ban lãnh đạo trong doanh nghiệp. 
  • Yêu cầu cao về các hoạt động nhóm.
  • Công cụ hữu hiệu khi thực hiện triết lý Kaizen là thu thập, phân tích dữ liệu.
Mỹ Anh
lên đầu trang