Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 28/04/2024 | 12:50

Chủ nhật, 28/04/2024 | 12:50

Chính sách

Cập nhật lúc 10:43 ngày 15/03/2024

Quy hoạch mạng lưới tổ chức KH&CN công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Ngày 13 tháng 3 năm 2024 Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Quyết định số 229/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quyết định đã chỉ rõ mục tiêu đến năm 2030 là phát triển mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ công lập có cơ cấu hợp lý theo định hướng ưu tiên phát triển của quốc gia, ngành và lĩnh vực, nâng cao tiềm lực và hiệu quả hoạt động của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập, tiếp cận với chuẩn mực quốc tế, làm nền tảng để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Nâng cao năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN
Quyết định số 229 cũng vạch rõ các mục tiêu cụ thể bao gồm: tiếp tục kiện toàn, sắp xếp các tổ chức KH&CN công lập, thực hiện giảm đầu mối hợp lý song song với hình thành tổ chức KH&CN mới phù hợp với xu thế phát triển KH&CN của thế giới và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến năm 2025, phấn đầu giảm 10% đầu mối các tổ chức KH&CN công lập so với thời kỳ 2016-2020. Đến năm 2030, đảm bảo giảm 20% đầu mối các tổ chức KH&CN công lập so với thời kỳ 2016-2020.
Nâng cao năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN theo hướng tiếp cận với chuẩn quốc tế. Năm 2025, có khoảng 25 - 30 tổ chức KH&CN công lập được xếp hạng khu vực và thế giới. Đến năm 2030, có khoảng 40 - 50 tổ chức KH&CN công lập được xếp hạng khu vực và thế giới. 
Nâng cao năng lực của các tổ chức KH&CN là một trong những mục tiêu cốt lõi trong quy hoạch mạng lưới KH&CN công lập (Ảnh minh hoạ)
Hình thành hệ thống trung tâm đổi mới sáng tạo và trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo công lập trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo ở các địa phương. Năm 2025, hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại 03 vùng Bắc, Trung, Nam; phấn đấu 40% địa phương hình thành tổ chức KH&CN công lập có chức năng đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. 
Đến năm 2030, 100% địa phương hình thành tổ chức KH&CN công lập có chức năng đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ việc kiện toàn tổ chức đối với các tổ chức KH&CN công lập, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn. 
Nghiên cứu thành lập trung tâm tích hợp KH&CN hiện đại, đạt trình độ tiên tiến, trước mắt thành lập tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, từng bước mở rộng đến các vùng kinh tế - xã hội trọng điểm. 
Đến năm 2025, nhân lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (quy đổi toàn thời gian) đạt 10 người trên một vạn dân, đến năm 2030 đạt 12 người trên một vạn dân.
Đến năm 2050, mạng lưới tổ chức KH&CN công lập đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo của đất nước; một số tổ chức KH&CN công lập bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số ngành, lĩnh vực KH&CN.
Cơ cấu mạng lưới tổ chức khoa học và công nghệ
Đối với hệ thống các tổ chức KH&CN công lập ở trung ương, sẽ tiến hành rà soát, tinh gọn đầu mối các tổ chức KH&CN nghiên cứu ứng dụng, dịch vụ KH&CN thuộc các bộ, ngành, khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, phù hợp với định hướng ưu tiên về phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo của quốc gia, ngành.
Đối với hệ thống các tổ chức KH&CN công lập ở địa phương: Tiếp tục duy trì mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 01 tổ chức dịch vụ KH&CN cung cấp dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, thông tin và thống kê KH&CN, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN, hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và các nhiệm vụ sự nghiệp trong lĩnh vực KH&CN được giao trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đẩy mạnh phát triển các tổ chức dịch vụ KH&CN….
Đối với hệ thống các tổ chức KH&CN công lập thuộc tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công, theo quy hoạch sẽ tiếp tục duy trì các tổ chức KH&CN thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Huy động nguồn lực để đầu tư, phát triển các tổ chức KH&CN thuộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trở thành các viện nghiên cứu chuyên sâu, cung cấp các công nghệ dẫn dắt, tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
Giải pháp trọng tâm
Để triển khai có hiệu quả các mục tiêu đã đề ra, Quyết định đã chỉ rõ 10 nhóm giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, giải pháp về cơ chế, chính sách: cần hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN công lập. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách từng bước chuyển tổ chức KH&CN công lập hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản về trực thuộc các trường đại học, học viện để thúc đẩy gắn kết nghiên cứu với đào tạo; chuyển tổ chức KH&CN công lập hoạt động nghiên cứu ứng dụng mà sản phẩm khoa học có khả năng thương mại hoá về trực thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. 
Thứ hai, giải pháp về phát triển nhân lực KH&CN:Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ cán bộ KH&CN theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm được cơ quan có thẩm quyền ban hành. Tiếp tục triển khai Đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực KH&CN ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước. Khuyến khích cán bộ hoạt động KH&CN nâng cao trình độ chuyên môn thông qua các chương trình học bổng liên kết giữa các tổ chức hoặc thông qua thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. 
Thứ ba, giải pháp về tăng cường cơ sở vật chất: Phân bổ quỹ đất phù hợp cho phát triển các tổ chức KH&CN công lập với ưu đãi về thuế, giải phóng mặt bằng, bố trí mặt bằng cho các doanh nghiệp tổ chức bộ phận hoạt động nghiên cứu và phát triển, nhất là trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu nông nghiệp công nghệ cao, khu sản xuất tập trung. Nâng cao hiệu quả và hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của tổ chức KH&CN công lập trên cơ sở chia sẻ tài nguyên. Bố trí kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm nhằm duy trì, phát triển cơ sở vật chất, nâng cao trình độ, năng lực công nghệ của tổ chức KH&CN công lập. 
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu khánh thành Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. (Ảnh: TTXVN)
Thứ tư, giải pháp về KH&CN: Chú trọng đẩy mạnh việc ứng dụng KH&CN và các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong quản lý, điều hành hoạt động các tổ chức KH&CN công lập; Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý các nguồn lực KH&CN và đổi mới sáng tạo, kết nối, hỗ trợ mạng lưới các nhà quản lý, nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương. 
Thứ năm, giải pháp về liên kết, hợp tác phát triển: Tăng cường thúc đẩy liên kết giữa các tổ chức KH&CN công lập trong vùng, giữa các vùng, giữa các tổ chức KH&CN công lập nghiên cứu liên ngành thông qua đào tạo nhân lực, chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động KH&CN giữa các tổ chức KH&CN công lập và ngoài công lập; Tăng cường liên kết giữa tổ chức KH&CN công lập với các doanh nghiệp để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu; thu hút sự tham gia của doanh nghiệp trong các chương trình, dự án, nhiệm vụ quan trọng cấp quốc gia có sản phẩm khoa học, công nghệ phục vụ tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp; tăng cường liên kết giữa các tổ chức KH&CN công lập với cơ sở giáo dục đại học để hỗ trợ hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu. 
Thứ sáu. Giải pháp về giáo dục, tuyên truyền: Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan và nhân dân về vai trò của KH&CN và đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế - xã hội. 
Thứ bảy, giải pháp về hợp tác quốc tế: Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu và phát triển; ứng dụng KH&CN; đẩy mạnh thực hiện các Hiệp định, Thỏa thuận song phương đối với các đối tác phát triển trong việc đổi mới và nâng cao chất lượng của các tổ chức KH&CN nhằm gia tăng số lượng tổ chức KH&CN công lập được quốc tế xếp hạng. 
Thứ tám, giải pháp về huy động và phân bổ vốn đầu tư: Giải pháp này đòi hỏi phải tăng cường nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu cho các tổ chức KH&CN công lập; Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp lớn để đa dạng hóa nguồn đầu tư, từng bước tăng kinh phí đầu tư cho các tổ chức KH&CN công lập hoạt động có hiệu quả. …
Thứ chín, giải pháp về mô hình quản lý, phương thức hoạt động: Thực hiện giải thể các tổ chức KH&CN công lập hoạt động không hiệu quả theo quy định pháp luật với lộ trình phù hợp; đẩy mạnh việc sắp xếp, tinh gọn đầu mối các tổ chức KH&CN công lập; Đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức KH&CN công lập; tăng cường phân cấp quản lý tổ chức KH&CN công lập, đề cao thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các đại học quốc gia, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có tổ chức KH&CN thuộc thẩm quyền quản lý.
Thứ mười, giải pháp về tổ chức thực hiện và giám sát thực hiện quy hoạch: Tổ chức công bố Quy hoạch theo quy định tại Điều 38 Luật Quy hoạch và Điều 5 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch. Xây dựng Kế hoạch thực hiện Quy hoạch theo quy định tại Điều 45 Luật Quy hoạch. Rà soát quy hoạch định kỳ 05 năm theo quy định tại Điều 52 Luật Quy hoạch…
Xem chi tiết: tại đây
Minh Khuê
lên đầu trang