Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 22:42

Thứ hai, 20/05/2024 | 22:42

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:35 ngày 10/05/2024

Đưa Đông Nam Bộ trở thành trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo vào năm 2030

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định Phê duyệt Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định). Trong đó đã chỉ rõ phương hướng phát triển và nhiệm vụ trọng tâm để đưa Đông Nam Bộ trở thành trung tâm khoa học và công nghệ của vùng.
Với quan điểm xây dựng Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, phát triển năng động; là trung tâm hàng đầu của cả nước và khu vực Đông Nam Á về kinh tế, tài chính, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; giữ vai trò quan trọng trong liên kết và thúc đẩy phát triển các vùng khác. Phát triển vùng Đông Nam Bộ bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cả nước, chiến lược, quy hoạch cấp quốc gia; đi đầu trong thực hiện các mục tiêu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.
Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ chất lượng cao ngang tầm khu vực và thế giới, có vị thế vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đổi mới tư duy và tầm nhìn phát triển, tạo các cơ chế, chính sách vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao để hình thành không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới.
Quyết định đã chỉ rõ mục tiêu: đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng văn minh, hiện đại, có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước; là vùng động lực tăng trưởng lớn nhất cả nước, phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, công nghiệp công nghệ cao, logistics và trung tâm tài chính quốc tế có tính cạnh tranh cao trong khu vực.
TP HCM sẽ đóng vai trò dẫn dắt, tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng phát triển KHCN (Ảnh: VnExpress)
Đi đầu trong đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội, giáo dục, đào tạo, y tế, phát triển kinh tế xanh, phát thải cac-bon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu. Phát triển nhanh hệ thống đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Cơ bản hoàn thành hệ thống giao thông kết nối nội vùng, liên vùng và khu vực; đầu mối giao thương, hội nhập khu vực và thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố văn minh, hiện đại, năng động sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học đến sinh sống và làm việc, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng; đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ của cả nước; trung tâm tài chính quốc tế, nơi tập trung của các định chế tài chính quốc tế, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới; có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á và phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao
Một trong các phương hướng quan trọng để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra là nâng cao hiệu quả hoạt động của các khu công nghệ cao trên địa bàn vùng, thành lập mới các khu công nghệ cao, công viên khoa học công nghệ tại các địa phương có tiềm năng và điều kiện phát triển như công viên khoa học công nghệ, công viên phần mềm tại tỉnh Bình Dương, khu khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại tỉnh Bình Phước... Hình thành, phát triển một số khu công nghiệp công nghệ cao tập trung vào các ngành như: công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, vi mạch, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, thiết bị rô-bôt...
Ưu tiên mở rộng khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, phát triển trở thành công viên khoa học công nghệ; tạo điều kiện môi trường thuận lợi nhất cho nghiên cứu triển khai, ươm tạo công nghệ và thương mại hóa công nghệ cao. Phát triển khu công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm nghiên cứu khoa học và công nghệ đa chuyên ngành, hạt nhân khoa học công nghệ thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ phát triển nhanh theo xu thế của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao tại các địa phương trong vùng phù hợp với điều kiện, lợi thế của từng địa bàn. Các khu nông nghiệp công nghệ cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đóng vai trò lan tỏa về chuyển giao mô hình, quy trình kỹ thuật cho các địa phương trong vùng và các vùng lân cận.
Bên cạnh đó, phát triển mạng lưới khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đưa KHCN trở thành động lực chủ yếu cho tăng trưởng kinh tế vùng. Chủ động, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ số, sinh học, tự động hoá, vật liệu mới. Xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trên địa bàn vùng, nâng cao năng suất, chất lượng dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế;
Đầu tư cho các tổ chức khoa học và công nghệ công lập hoạt động ứng dụng công nghệ, dịch vụ về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với lợi thế của vùng Đông Nam Bộ về phát triển công nghiệp, công nghiệp công nghệ cao, các ngành dịch vụ hiện đại. Phát triển mạnh hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo, dịch vụ tiêu chuẩn đo lường chất lượng, khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, ngành, lĩnh vực phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn vùng; tập trung hình thành và đẩy mạnh phát triển trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.
Khu công nghệ cao Mapletree tại Thành phố mới Bình Dương (Ảnh: Báo Bình Dương)
Tăng cường liên kết hệ thống đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo, các tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong và ngoài nước. Hình thành trung tâm nghiên cứu đạt tiêu chuẩn quốc tế ở một số trường đại học; khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ hợp tác với doanh nghiệp để sớm chuyển giao công nghệ và kết quả nghiên cứu ứng dụng vào thực tiễn. Đầu tư trọng điểm cho các tổ chức khoa học công nghệ thực hiện vai trò gắn kết các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở cấp vùng và địa phương;
Phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng thông tin thị trường khoa học và công nghệ. Phát triển các sàn giao dịch công nghệ, trong đó lấy sàn giao dịch công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh làm sàn giao dịch công nghệ trọng điểm để kết nối các sàn giao dịch công nghệ trong vùng Đông Nam Bộ. Phát triển mạng lưới các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; liên kết các sàn giao dịch công nghệ quốc gia, các sàn giao dịch công nghệ vùng và địa phương, thực hiện liên thông giữa thị trường khoa học và công nghệ trong nước với thị trường quốc tế. Xây dựng nền tảng cơ sở dữ liệu và nền tảng kỹ thuật tích hợp dùng chung về thị trường khoa học và công nghệ, từng bước liên thông, tích hợp với các nền tảng kỹ thuật về thị trường khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế.
Đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ
Vùng Đông Nam Bộ cần có những giải pháp vượt qua khó khăn, thách thức, tăng cường đầu tư cho khoa học và công nghệ không chỉ từ nhà nước mà còn từ xã hội, đặc biệt từ doanh nghiệp; tăng cường liên kết viện, trường và doanh nghiệp, để doanh nghiệp thực sự trở thành trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia.
Do đó,Quyết định cũng đã nêu rõ các giải pháp trọng tâm để phát triển khoa học công nghệ vùng Đông Nam Bộ bao gồm: xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Phát triển mạnh hệ thống các trung tâm đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại các địa phương, Hoàn thiện cơ chế gắn kết hoạt động nghiên cứu với triển khai và chuyển giao công nghệ để ứng dụng nhanh các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống;Tạo lập thị trường cho hoạt động khoa học, gắn lợi ích hoạt động nghiên cứu triển khai, sản xuất thử nghiệm với các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp điện tử, công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, năng lượng, cơ khí chế tạo, hóa chất, vật liệu... và những lĩnh vực thế mạnh của vùng; Đồng thời, bố trí tăng dần tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Xây dựng cơ chế hỗ trợ phù hợp thu hút đầu tư và tài chính cho triển khai hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo;
Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng đội ngũ nghiên cứu khoa học và công nghệ, nhất là các chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và hạ tầng công nghệ tương xứng với nhiệm vụ cho các tổ chức khoa học và công nghệ, tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ, các trường đại học, cao đẳng và khu công nghệ cao, khu đổi mới sáng tạo; nhân rộng mô hình các phòng thí nghiệm chế tạo, vườn ươm doanh nghiệp và tổ chức thúc đẩy kinh doanh.
Đông Nam Bộ là Vùng kinh tế động lực quan trọng và lớn nhất cả nước, với diện tích hơn 23 nghìn km2, chiếm 7,1% diện tích cả nước; dân số khoảng 18,8 triệu người, chiếm 18,9% dân số cả nước. Các tỉnh/thành phố trong Vùng ngày càng năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Theo dữ liệu cập nhật đến 2022 của Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người Đông Nam Bộ đạt 6.900 USD, cao hơn mức bình quân của cả nước là 4.110 USD. Đến 2023, GDP bình quân đầu người Việt Nam theo giá hiện hành ước đạt 101,9 triệu đồng, tương đương 4.284,5 USD.
Đông Nam Bộ phấn đấu, đến năm 2050 sẽ trở thành vùng phát triển, có thu nhập cao, tiềm lực kinh tế mạnh, cơ cấu hiện đại. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2031-2050 khoảng 7,5% một năm, và GRDP đầu người khoảng 54.000 USD.
Xem chi tiết: tại đây
Minh Khuê
lên đầu trang