Mỗi quốc gia trên thế giới luôn diễn ra sự tìm kiếm để gia tăng thịnh vượng. Các yếu tố như nguồn lao động, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý... mặc dù vô cùng quan trọng nhưng không đủ để tạo ra sự thịnh vượng của một quốc gia, mà cần dựa trên khả năng cạnh tranh, đổi mới, nâng cấp của các ngành công nghiệp. Bởi vậy, để đảm bảo tăng trưởng bền vững, các quốc gia phải liên tục đổi mới sáng tạo và nâng cấp để tăng năng suất lao động.
Theo báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022; đồng thời được đánh giá là một trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về đổi mới sáng tạo trong thập kỷ qua. Trong đó, báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu là bộ công cụ đánh giá năng lực đổi mới sáng tạo quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như điểm mạnh, điểm yếu của mình.
Các chuyên gia đánh giá, những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực mạnh mẽ trong cải thiện năng suất lao động cả về giá trị và tốc độ. Minh chứng là trong giai đoạn 2011-2020 trung bình mỗi năm năng suất lao động của Việt Nam tăng khoảng 8,9 triệu đồng/lao động, từ mức 70 triệu đồng/lao động của năm 2011 lên mức 150,1 triệu đồng/lao động vào năm 2020; năng suất lao động năm 2020 gấp 2,1 lần năm 2011. Năm 2021, năng suất lao động của Việt Nam tăng lên mức 172,8 triệu đồng/lao động và năm 2022 năng suất lao động đạt 188 triệu đồng/lao động.
Phát triển dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là hướng đi bền vững. (Ảnh minh họa)
Để thúc đẩy tăng năng suất dựa trên đổi mới sáng tạo, ngày 11/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 36/QĐ-TTg Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, đưa ra các mục tiêu cụ thể cho giai đoạn đến năm 2025 và 2030 là: Góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm và 7.5%/năm. Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP khoảng 45% và 50% vào tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu 12-15 tỉnh, thành phố và 30 đến 35 tỉnh, thành phố hoàn thành việc xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; 3-5 và 5-7 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất.
Tối thiểu 300 và 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tỉnh, thành phố triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất. Hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại 10 và 20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Quyết định cũng cụ thể hóa các nhiệm vụ và giải pháp về: Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Phát triển hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất; Đẩy mạnh áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp; Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất; Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế.
Để thích ứng và tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh mới, doanh nghiệp cần tận dụng tối đa sự hỗ trợ của Nhà nước trong nâng cao năng suất, chất lượng và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, cần triển khai các nhóm giải pháp đổi mới, sáng tạo trong quá trình sản xuất, kinh doanh, bao gồm toàn bộ các giai đoạn từ khâu thiết kế sản phẩm, cung ứng nguyên, phụ liệu, sản xuất, xuất khẩu và marketting đến đổi mới phương thức, mô hình quản trị, đổi mới cách tiếp cận đến giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng cho phù hợp với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Nguồn: vietq.vn