Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 28/06/2024 | 17:22

Thứ sáu, 28/06/2024 | 17:22

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 09:07 ngày 24/06/2024

Làm chủ công nghệ thu hồi bụi và xử lý mùi khí thải của nhà máy sản xuất bột cá

Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hóa chất đã thành công nghiên cứu, chế tạo thiết bị thu hồi bụi và xử lý mùi của khí thải sau quá trình sấy sản phẩm bột cá bằng cách sử dụng thiết bị lọc bụi tĩnh điện và thiết bị khử mùi theo nguyên lý plasma. Thành phần khí thải đầu ra có hàm lượng bụi rất thấp gần như bằng không và gần như hết mùi hôi thối.
Với đường bờ biển dài hơn 3000km, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thuỷ hải sản. Tuy nhiên, song song với sự phát triển của ngành là những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất, chế biến gây nên.
Trên thực tế, các nhà máy chế biến thủy hải sản thường có dây chuyền sản xuất bột cá để tận thu nguồn nguyên liệu dư thừa từ quá trình chế biến. Khí thải phát sinh từ quá trình sấy bột cá thường được đưa qua xyclon để thu hồi bụi bột cá trước khi thải ra ngoài môi trường. Tuy nhiên, đối với việc xử lý khí thải bằng xyclon, chỉ xử lý được các hạt bụi có kích cỡ lớn mà không xử lý được bụi mịn và mùi hôi. Bụi mịn và mùi hôi trong khí thải khi phát tán ra ngoài môi trường gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân xung quanh các nhà máy. 
Ảnh minh hoạ bột cá (Nguồn: thuysanviethan)
Để giải quyết các vấn đề trên, Trung tâm Phát triển Công nghệ CEGO thuộc Công ty Cổ phần Thiết kế Công nghiệp Hoá chất đã tiến hành thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thiết bị thu hồi bụi bột cá và xử lý mùi ứng dụng vào các cơ sở sản xuất bột cá để giảm thiểu ô nhiễm môi trường” nhằm nghiên cứu giải pháp bổ sung cho hệ thống xử lý khí thải công đoạn sấy bột cá để hạn chế tối thiểu sự phát thải bụi mịn và mùi hôi ra môi trường. Đây là đề tài cấp Bộ Công Thương do TS. Đỗ Hoàng Tùng làm chủ nhiệm.
Nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra, tổ thực hiện đề tài đã tiến hành khảo sát thực tế hiện trạng của hệ thống xử lý khí thải của dây chuyền sản xuất bột cá tại cơ sở chế biến thủy hải sản. Tiến hành đo đạc lấy mẫu, phân tích một số chỉ tiêu ô nhiễm trong khí thải. Trên cơ sở các kết quả đo và phân tích được đánh giá hiệu quả xử lý của hệ thống xử lý hiện tại và đưa ra giải pháp nâng cấp xử lý triệt để thành phần bụi mịn và mùi hôi từ quá trình sản xuất bột cá. Từ đó, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị xử lý bụi mịn và mùi hôi trong khí thải ở quy mô pilot và ứng dụng triển khai trong thực tế sản xuất.
Sau quá trình khảo sát, nhóm thực hiện đề tài quyết định nghiên cứu chế tạo hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện và thiết bị khử mùi bằng plasma để thu hồi bụi bột cá và giảm thiểu ô nhiễm mùi cho môi trường. Từ kết quả thử nghiệm trên thực tế, hệ thống thu hồi bụi và khử mùi bằng plasma cho thấy hiệu quả rất tốt. Hàm lượng bụi đầu ra gần như bằng không và độ mùi cũng gần như không phát hiện thấy. 
Thiết bị thu hồi bụi và xử lý mùi của nhà máy sản xuất bột cá (Ảnh: ngheandost)
Qua kết quả khảo sát thời gian hấp phụ và xử lý của hệ thống phù hợp nhất là 10 phút tương ứng với hiệu suất oxy hóa là 100%. Tỷ lệ đóng mở cửa lật là 50/50, khi đó bố trí một nửa số lượng cửa lật thường đóng và một nửa thường mở (lệch pha 90º) và luân phiên đổi ca trong suốt quá trình vận hành.”, chủ nhiệm đề tài Đỗ Hoàng Tùng cho biết.
Có thể thấy, giải pháp khử mùi bằng nguyên lý plasma là một giải pháp mới có nhiều tiềm năng ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu của đề tài và các lĩnh vực khác. Giải pháp này không chỉ đóng góp quan trọng vào việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong ngành chế biến bột cá, mà còn cải thiện chất lượng không khí, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững ngành công nghiệp thủy hải sản.
Mặc dù giải pháp công nghệ khử mùi bằng plasma áp dụng cho khí thải đầu ra của quá trình sấy sản phẩm bột cá cho hiệu quả rất tích cực. Tuy nhiên hiện nay trong các ngành công nghiệp khác như công nghiệp nhựa, dệt, công nghiệp sơn, sản xuất ô tô… cũng có những thành phần gây mùi rất đa dạng với nhiều mức ô nhiễm khác nhau. Đó là một trong những thách thức cho các nhà khoa học nói chung và nhóm nghiên cứu nói riêng trong việc xử lý chất ô nhiễm và làm sạch môi trường.
Do đó, nhóm nghiên cứu đã đề xuất những hướng đi tiếp theo bao gồm: nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý các hợp chất hữu cơ bay hơi VOCs trong sản xuất nhựa ứng dụng công nghệ plasma; và nghiên cứu giải pháp công nghệ xử lý mùi trong công nghiệp chế biến thủy hải sản.
Tố Uyên

lên đầu trang