Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ sáu, 20/09/2024 | 04:53

Thứ sáu, 20/09/2024 | 04:53

Tin KHCN

Cập nhật lúc 14:23 ngày 08/08/2024

Hà Nội ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ để tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội

Tận dụng lợi thế vị trí, tiềm năng sẵn có, Hà Nội hướng đến đột phá phát triển kinh tế - xã hội thông qua khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Sáng 6-8, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hà trình bày báo cáo kết quả triển khai thực hiện Chương trình số 07-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 năm 2023 và 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quốc Hà trình bày báo cáo. (Ảnh: Đình Hiệp/Hà Nội Mới)
Ứng dụng công nghệ cao để phát triển
Năm 2024, ngân sách thành phố bố trí 110 tỷ đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Trong đó 69,124 tỷ đồng kinh phí thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp, 40,876 tỷ đồng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp mới. 
Ngày 12-3-2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã công bố Chỉ số đổi mới sáng tạo (PII) năm 2023 của 63 tỉnh, thành phố. TP. Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về Chỉ số PII với 62,86 điểm. Các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ đã được ứng dụng ở tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần nâng cao năng suất chất lượng hàng hóa và dịch vụ.
Trong nửa đầu năm 2024, UBND TP. Hà Nội tăng cường phương thức tương tác trực tuyến trên môi trường số giữa công dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp qua nền tảng “Công dân Thủ đô số”. Nhờ vào nền tảng số, nhiều cơ quan, đơn vị đã chủ động thực hiện giải quyết phản ánh, kiến nghị, được người dân, doanh nghiệp đánh giá và hài lòng (97,45% giải quyết đúng hạn).
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao những thành tựu trong chuyển đổi số của hai lĩnh vực y tế và giáo dục thành phố, trong khi đó Đảng ủy Khối các trường đại học, cao đẳng đã kết nối với các trường đại học tổ chức các hội thảo khoa học, góp ý vào lĩnh vực liên quan trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Đình Hiệp/Hà Nội Mới)
Hay trong lĩnh vực y tế, với việc thúc đẩy chuyển đổi số để phát triển y tế thông minh, Sở Y tế Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thông tin tiên tiến tại bộ phận một cửa. Hiện tại, 100% các dịch vụ công, bao gồm 131 dịch vụ, đều đã được triển khai. Trong số đó, có 6 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 125 dịch vụ công trực tuyến một phần. Tất cả các bệnh viện đã áp dụng phần mềm quản lý thông tin bệnh viện (HIS), trong khi 90,2% số bệnh viện đã triển khai phần mềm quản lý thông tin xét nghiệm (LIS). Hơn 65,9% bệnh viện đã trang bị hệ thống RIS-PACS, và 100% bệnh viện đều có trang web riêng. Ngoài ra, 5 bệnh viện đã triển khai hệ thống Bệnh án điện tử, và 88% các đơn vị đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Khai thác khoa học, công nghệ hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá, qua báo cáo và 11 ý kiến phát biểu đã cho thấy, trong 6 tháng năm 2024, Chương trình 07-CTr/TU đã được triển khai khá đồng đều, nhiều nhiệm vụ quan trọng bước đầu đạt kết quả tích cực. Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đánh giá cao vai trò của cơ quan Thường trực Chương trình là Sở KH&CN Hà Nội. Sở đã nghiêm túc triển khai, đi khảo sát thực tế việc thực hiện Chương trình. Bên cạnh đó, các địa phương, sở, ngành trên địa bàn TP cũng tích cực triển khai thực hiện Chương trình này. 
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội Nguyễn Việt Hùng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: Văn Anh/Báo Đại biểu nhân dân)
Đặc biệt, thành công nhất của Chương trình đó là nhận thức về câu chuyện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ngày càng rõ nét. Nhiều địa phương đã khuyến khích được sự tham gia của người dân, lan tỏa được vào cộng đồng, để người dân nhận thấy lợi ích và tham gia hiệu quả. Trên thực tế rất nhiều thôn, làng, tổ dân phố đã chủ động, không trông chờ vào sự hỗ trợ của ngân sách.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc ứng dụng khoa học công nghệ tại Thủ đô vẫn còn gặp nhiều điểm nghẽn. Hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách, xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.
Đến nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội chưa hình thành dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát, gây khó khăn trong công tác triển khai các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025...
Do đó, trong giai đoạn tiếp theo, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất triển khai các mô hình khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhận diện sinh trắc học phục vụ y tế, giáo dục, hành chính công. Triển khai các giải pháp giao thông thông minh, các giải pháp tạo môi trường làm việc số cho thành phố.
Luật Thủ đô (sửa đổi), vừa được Quốc hội thông qua, được kỳ vọng sẽ giải quyết và khắc phục những khó khăn, vướng mắc và bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện. Luật này sẽ góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô xứng đáng với vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.

Đức Chung

lên đầu trang