Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 04/05/2024 | 21:05

Thứ bảy, 04/05/2024 | 21:05

Tin KHCN

Cập nhật lúc 13:02 ngày 29/01/2024

Các nhiệm vụ trọng tâm của ngành khoa học và công nghệ Hà Nội năm 2024

Năm 2024 là năm bứt phá, quyết định việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP Hà Nội 5 năm 2021-2025. Đây là nhận định của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn tại Hội nghị triển khai công tác KH&CN của TP Hà Nội năm 2024.
Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Giám đốc Sở KH&CN TP Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến Lãnh đạo Bộ KH&CN, Lãnh đạo Thành phố, các sở, ban ngành, quận/huyện/thị xã và đặc biệt là các chuyên gia, nhà khoa học đã đồng hành cùng ngành KH&CN Thủ đô năm 2023. Để triển khai các nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo năm 2024 theo Chương trình 07-CTr/TU của Thành ủy, Kế hoạch số 345/KH-UBND của UBND Thành phố, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Thành phố năm 2024 cũng như các chương trình, kế hoạch, đề án khác, Sở KH&CN TP Hà Nội đề xuất 8 nhiệm vụ trọng tâm:
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đối với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: định hướng và khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tăng cường nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào sản xuất và đời sống; chú trọng công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát huy tiềm năng và nguồn lực tri thức phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô...
Tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện cơ chế, chính sách: tiếp tục hoàn thiện nội dung cụ thể về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để đưa vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi); rà soát, cập nhật các chủ trương, định hướng mới, hoàn thiện các nội dung về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050...
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và quản lý đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh: chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp; năng lượng tái tạo, xử lý rác thải, trí tuệ nhân tạo, năng lượng sinh khối, công nghệ vật liệu mới...; rà soát, lựa chọn các vấn đề thiết thực, dân sinh bức xúc của Thủ đô hiện nay như: tình trạng ách tắc giao thông, úng ngập, xử rác thải, ô nhiễm môi trường... để đặt hàng nhiệm vụ KH&CN; nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ KH&CN để tạo các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; rà soát, lựa chọn các sản phẩm OCOP có tiềm năng để đề xuất xét bảo hộ nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý...
Phát triển thị trường KH&CN: phối hợp chặt chẽ với Bộ KH&CN để triển khai các hoạt động hình thành thị trường KH&CN Hà Nội; thành lập và đưa vào vận hành “Sàn giao dịch công nghệ Hà Nội”; thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp - viện, trường theo hướng đặt hàng công nghệ hoặc hình thành dự án nghiên cứu, ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp KH&CN...; tăng cường tổ chức các hội nghị ba nhà: nhà quản lý - nhà khoa học - doanh nghiệp, các chợ công nghệ và thiết bị, các hội thảo khoa học, các buổi trình diễn, giới thiệu công nghệ mới, các cuộc thi ý tưởng sáng tạo trong giải quyết các vấn đề cấp bách trên địa bàn TP...
Thúc đẩy hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển tài sản trí tuệ: hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các hoạt động đổi mới sáng tạo có hiệu quả, xây dựng các điển hình tốt để định hướng, dẫn dắt hoạt động đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng và chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, hệ thống quản lý tiên tiến, các công cụ nâng cao năng suất, chất lượng, hỗ trợ áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, xây dựng, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, nhãn hiệu sản phẩm chủ lực...; đề xuất cơ chế, chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo, đặc biệt là đổi mới sáng tạo trong học sinh, sinh viên...
Triển khai thực hiện các nội dung trong Biên bản hợp tác giữa Ban Cán sự Đảng Bộ KH&CN và Ban cán sự Đảng UBND TP: tổ chức chuỗi các hoạt động (Tuần lễ KH&CN) kỷ niệm Ngày KH&CN Việt Nam; 65 năm ngày thành lập Bộ KH&CN (dịp 18/05/2024); tổ chức các sự kiện hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới (26/04/2024); tham mưu UBND TP phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức sự kiện kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam (chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/2024)...
Nâng cao hiệu quả hoạt động sáng kiến, sáng tạo: phát huy hiệu quả phong trào sáng kiến Thủ đô, đẩy mạnh hoạt động sáng kiến, sáng tạo trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, kịp thời biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có nhiều hoạt động đổi mới sáng tạo, sáng chế, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, ứng dụng và chuyển giao công nghệ mới mang lại hiệu quả thiết thực; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác giả có công trình KH&CN tham gia xét tặng Giải thưởng KH&CN Thủ đô.
Phát huy vai trò của Hà Nội là trung tâm khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước: xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội; thành lập mạng lưới sáng kiến để phối hợp, hợp tác, liên kết giữa các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp ở Hà Nội với các cơ quan quản lý và cơ quan nghiên cứu khoa học của Trung ương trên địa bàn nhằm phát huy nguồn lực KH&CN cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Hồng và trong cả nước, tăng cường và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo...
Nguồn: vjst.vn/
lên đầu trang