Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 19/09/2024 | 08:41

Thứ năm, 19/09/2024 | 08:41

Tin KHCN

Cập nhật lúc 07:51 ngày 12/08/2024

Ứng dụng khoa học công nghệ để chống buôn lậu, hàng giả

Sáng 08/8, tại Hà Nội, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai phương hướng, nhiệm vụ những tháng còn lại năm 2024 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả quốc gia.
Theo báo cáo của BCĐ 389 Quốc gia, 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng chức năng phát hiện, xử lý hơn 64.180 vụ việc vi phạm. Trong đó, phát hiện, bắt giữ hơn 6.040 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 55.130 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 3.000 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.066 tỷ đồng, khởi tố hình sự 650 vụ/1.913 đối tượng.
Trong tổng số các vụ việc trên, có 55.133 vụ gian lận thương mại và gian lận về thuế; 3.010 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ, lần lượt giảm 9,7% và tăng 8,55% so với cùng kỳ năm 2023. Các lực lượng chức năng đã khởi tố hình sự 650 vụ với 1.912 đối tượng, giảm 44,25% về số vụ và giảm 18,82% về số đối tượng.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: VGP)
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đánh giá cao nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong thời gian qua. Phó Thủ tướng yêu cầu, trong thời gian tới, các lực lượng chức năng quyết liệt hơn, phối hợp tốt hơn trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó phải nêu cao vai trò của người đứng đầu.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong chống hàng lậu, hàng giả
Trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giải quyết và làm giảm tình trạng vi phạm trong lĩnh vực này. Một trong những bước quan trọng đầu tiên là việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật.
Gần đây, Bộ đã chủ trì soạn thảo Nghị định số 46/2024/NĐ-CP, thay thế Nghị định số 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nhằm điều chỉnh quy định về xử lý hành chính liên quan đến vi phạm sở hữu công nghiệp. Nghị định số 46/2024/NĐ-CP đã làm rõ các hành vi vi phạm trong môi trường thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang hợp tác chặt chẽ với Bộ Công Thương và Bộ Thông tin và Truyền thông để hoàn thiện khung pháp lý và chính sách nhằm bảo vệ và duy trì hệ sinh thái thương mại điện tử. Những nỗ lực này nhằm xây dựng niềm tin vào thương mại điện tử, giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ trong cả môi trường trực tuyến lẫn ngoại tuyến tại Việt Nam, đồng thời nâng cao năng lực cho các cán bộ phụ trách xử lý vi phạm.
Các đại biểu tham quan trưng bày về phân biệt hàng giả - hàng thật do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức. (Ảnh: Báo Hà Nội Mới)
Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đang tích cực xử lý các đơn yêu cầu liên quan đến vi phạm, bao gồm các đơn từ doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp trong nước, và các cá nhân sở hữu tên miền.
Theo bà Nguyễn Như Quỳnh, Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Trưởng ban Thường trực Chương trình phối hợp hành động phòng, chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, một trong những nguyên nhân chính khiến hàng giả và hàng nhái gia tăng trên các nền tảng thương mại điện tử là do người tiêu dùng còn thiếu thông tin và nhận thức hạn chế. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tích cực tham gia các hoạt động nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, thông qua việc tổ chức các diễn đàn và phối hợp với các bộ, ngành liên quan. Những diễn đàn này tập trung vào việc phân biệt hàng giả với hàng thật và những yếu tố cần chú ý để nhận diện hàng giả.
Bà cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh nỗ lực từ các sàn thương mại điện tử và cơ quan chức năng, người tiêu dùng cần thay đổi thói quen mua sắm trực tuyến, cẩn trọng hơn và phản ứng mạnh mẽ khi phát hiện hàng hóa vi phạm chất lượng, chẳng hạn như yêu cầu trả hàng hoặc tố cáo. Những hành động này sẽ góp phần bảo vệ các doanh nghiệp chân chính và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như cộng đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ lưu ý, những tháng còn lại của năm 2024, dự báo tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sẽ gia tăng do nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao. Do đó, các bộ, ngành Trung ương và Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố cần rà soát, điều chỉnh các quy định pháp luật còn bất cập, ứng dụng công nghệ thông tin trong đấu tranh, phát hiện, xử lý hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Hữu Bằng
lên đầu trang