Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:58

Thứ bảy, 18/05/2024 | 17:58

Tin KHCN

Cập nhật lúc 09:02 ngày 23/05/2014

Hoạt động khoa học công nghệ: Những mùa quả ngọt

Được coi là động lực cho phát triển kinh tế, thời gian qua, hoạt động khoa học công nghệ (KHCN) đã có đóng góp lớn cho sự phát triển của hầu khắp các ngành kinh tế. Phóng viên Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo một số Bộ, ngành xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Đình Hiệp – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ - Bộ Công Thương: Hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương đã có những chuyển biến tích cực

Nguyễn Đình HiệpThời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ của ngành Công Thương đã có những chuyển biến tích cực, phù hợp với tình hình mới. Nhiều đơn vị thuộc Bộ đã được các Hội đồng Giải thưởng KHCN xét trao nhiều giải thưởng như giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Khoa học và công nghệ, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Giải thưởng Sáng tạo Khoa học nữ… Có thể kể đến một số công trình nghiên cứu KHCN nổi bật đã được ứng dụng thành công trong thời gian qua như: chế tạo được một số thiết bị phục vụ các công trình có quy mô lớn như xi măng lò quay công suất từ 1 - 2 triệu tấn xi măng/năm, thiết bị cơ khí thuỷ công, thiết bị cho các nhà máy điện, thiết bị khai thác mỏ, thiết bị sản xuất bê tông dự lạnh, năng suất 120m3/h dùng cho xây dựng đập bê tông khối lớn; nghiên cứu áp dụng công nghệ cơ giới hóa khai thác và chế tạo loại dàn chống tự hành phù hợp áp dụng đối với điều kiện địa chất các vỉa có độ dốc đến 35o tại vùng Quảng Ninh; Công nghệ khai thác lò chợ hạ trần thu hồi than nóc sử dụng giá khung thủy lực di động tại các mỏ hầm lò; Thiết kế và chế tạo giàn khoan dầu khí tự nâng nửa nổi nửa chìm 90 m nước... Các nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của ngành trong những năm qua luôn gắn với sản xuất, góp phần giải quyết những đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả sản xuất trong cơ chế thị trường, đồng thời hướng tới việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nhập ngoại, đem lại hiệu quả kinh tế.

Trong thời gian tới, hoạt động KHCN của ngành Công Thương sẽ tập trung vào các nhiệm vụ hoàn thiện tổ chức, cơ chế quản lý và thông tin KHCN; nâng cao năng lực nghiên cứu KHCN; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển bền vững các lĩnh vực của ngành Công Thương. Một số lĩnh vực ưu tiên phát triển thời gian tới là: Lĩnh vực chiến lược, chính sách phát triển công nghiệp và thương mại; Lĩnh vực cơ khí, cơ điện tử, thiết bị điện, điện tử và tự động hóa; Lĩnh vực khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất và công nghệ vật liệu; Lĩnh vực công nghiệp năng lượng; Lĩnh vực công nghiệp nhẹ và công nghệ sinh học; Lĩnh vực công nghiệp môi trường.

Hưởng ứng ngày KHCN 18/5, ngoài việc hưởng ứng những hoạt động do Bộ KHCN tổ chức, Bộ Công Thương sẽ tổ chức nhiều hoạt động như treo băng rôn hưởng ứng, tổ chức tổng kết hoạt động KHCN của ngành trong thời gian qua…

Ông Nguyễn Đắc Đồng, Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Phấn đấu đến năm 2015 đưa trình độ khoa học và công nghệ của ngành đạt mức tiên tiến của khu vực Đông Nam Á


Trong thời gian qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong tất cả các lĩnh vực.

Kết quả, giai đoạn 2006 – 2010, ở mảng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho thấy: Công tác triển khai khoa học đã luôn bám sát định hướng nghiên cứu khoa học đã được Bộ phê duyệt. Kết quả đã cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực tiễn để xây dựng và hoàn thiện nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường, như: Luật Đa dạng sinh học được Quốc hội thông qua năm 2008 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật; Luật khoáng sản được Quốc hội thông qua năm 2010; Đã cung cấp luận cứ khoa học và cơ sở thực hiện để xây dựng và hoàn thiện 6 Nghị định trong quản lý đất đai, 4 Nghị định trong quản lý hoạt động khoáng sản, 2 Nghị định về quản lý tài nguyên nước, 16 Nghị định trong quản lý môi trường, biển, hải đảo…

Mảng công tác điều tra cơ bản: đã có các nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực tài nguyên môi trường trên tất cả các lĩnh vực. Đây là mảng rất quan trọng, vì muốn có hiệu quả kinh tế cao thì các dự án phải có điều tra, nghiên cứu trước một bước, gắn chặt hoạt động nghiên cứu.

Có thể nói những kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của ngành Tài nguyên và Môi trường thời gian qua đã đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của cuộc sống, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước.

Trong giai đoạn 2011 – 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học, góp phần đẩy nhanh công tác điều tra cơ bản, nâng cao chất lượng điều tra, quan trắc, dự báo về Tài nguyên và Môi trường phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, quốc phòng. Đồng thời đẩy nhanh tiến trình hiện đại hoá ngành Tài nguyên và Môi trường để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phấn đấu đến năm 2015 đưa trình độ KHCN của ngành Tài nguyên và Môi trường đạt mức tiên tiến của khu vực Đông Nam Á.

Hưởng ứng kỷ niệm ngày KHCN năm nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa như Hội nghị tuyên truyền về về pháp luật KHCN, treo băng rôn khẩu hiệu ngày KHCN, tại hội trường lớn sẽ trưng bày các kết quả KHCN nổi bật trong những năm gần đây. Đồng thời, Bộ sẽ phối hợp với Bộ KHCN tham gia các hoạt động theo hướng dẫn yêu cầu của KHCN.

Ông Ngô Anh Tuấn - Chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực nông nghiệp: DN phải chủ động đầu tư và ứng dụng KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp:

Từ một quốc gia thiếu lương thực, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu (XK) gạo hàng đầu thế giới. Các sản phẩm tôm, cá trước đây của Việt Nam chủ yếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì nay mỗi năm cũng đem về hàng tỷ USD nhờ kim ngạch XK lớn. Kết quả này có được chính là nhờ đóng góp không nhỏ của khoa học công nghệ (KHCN), đặc biệt là những tiến bộ trong lĩnh vực giống.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, KHCN đóng vai trò then chốt, quyết định trong sự phát triển của ngành nông nghiệp. Thời đại kinh tế tri thức, để cạnh tranh phải có KHCN, thực tế, sản phẩm nào chứa nhiều hàm lượng tri thức hơn thì sức cạnh tranh sẽ cao hơn. Tuy nhiên, đầu tư cho KHCN trong nông nghiệp hiện còn nhiều hạn chế trong đó hạn chế lớn nhất là cơ chế quản lý, phân bổ nguồn lực cho các đề tài, các tổ chức khoa học chưa phù hợp.

Trước đây, đề tài vẫn được các nhà khoa học đề xuất với các tổ chức khoa học, tổ chức đề xuất lên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau đó Bộ thành lập hội đồng xét duyệt có sự phối hợp giữa các đơn vị quản lý KHCN và quản lý tài chính. Tuy nhiên, đề tài xuất phát thuần túy từ các nhà khoa học nên không đảm bảo tính bao quát. 

Đơn cử như đối với sản xuất được thức ăn chăn nuôi, phải có khoa học nghiên cứu về dinh dưỡng từng loại động vật cụ thể. Đây là khoa học cơ bản mà Nhà nước cần phải đặt hàng trước để các nhà khoa học nghiên cứu. Việc này triển khai được thì khoa học sẽ đáp ứng đúng cái ngành chăn nuôi trong nước đang cần, không để tình trạng nhập khẩu nguyên liệu cũng như thức ăn chăn nuôi liên tục tăng trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, khi cơ quan quản lý sớm có đánh giá, nhìn nhận việc chúng ta thiếu cả nguồn nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi sẽ đưa ra định hướng xây dựng các vùng nguyên liệu lớn sản xuất ngô, đậu tương chất lượng cao, sản xuất bột cá…

Từ ví dụ trong phát triển thức ăn, có thể khẳng định rằng, trong nghiên cứu KHCN nói chung và KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng, nếu cơ chế quản lý đề tài phân định ra, đâu là lĩnh vực Nhà nước đầu tư, đâu là lĩnh vực xã hội đầu tư, đơn vị nào đặt hàng, đơn vị nào nhận đặt hàng thì câu chuyện sẽ được giải quyết một phần. Đối với các đề tài do ngân sách Nhà nước bỏ tiền ra thì có thể sử dụng phương thức đấu thầu để lựa chọn đơn vị khoa học triển khai nhưng cần làm kiên quyết, công bằng.

Nghị định 115/2005/NĐ-CP ngày 5/9/2005 của Chính phủ đã quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đây là cơ hội để các tổ chức khoa học bung ra, tự chủ. Ngoài ra, Nhà nước cần tiến tới rút hết mọi yếu tố bao cấp, buộc doanh nghiệp phải cạnh tranh thực sự bởi doanh nghiệp muốn phát triển tốt, bền vững thì phải chủ động đầu tư và ứng dụng KHCN./.

 

Phương Lan

lên đầu trang