Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ hai, 20/05/2024 | 17:14

Thứ hai, 20/05/2024 | 17:14

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:11 ngày 27/06/2014

Những văn bản hỗ trợ thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ sửa đổi

Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã ban hành kịp thời nhiều văn bản hướng dẫn thi hành để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, góp phần vào sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế quốc dân, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu sắc và toàn diện.

Ngày 27/01/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2014/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2014. Cụ thể, Nghị định quy định mỗi tổ chức khoa học và công nghệ phải có ít nhất 5 người có trình độ đại học trở lên, bao gồm làm việc chính thức kiêm nhiệm; trong đó có ít nhất 30% có trình độ chuyên môn phù hợp với lĩnh vực chủ yếu xin đăng ký hoạt động và ít nhất 40% làm việc chính thức. Riêng người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ phải có trình độ đại học trở lên và có kinh nghiệm quản lý, năng lực chuyên môn phù hợp. Trường hợp thành lập tổ chức khoa học và công nghệ để phát triển ngành khoa học và công nghệ mới thì tổ chức đó phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học trở lên thuộc ngành đăng ký hoạt động làm việc chính thức.


Điểm được đánh giá có tính đột phá của Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) là quy định về việc phân chia lợi nhuận sau thuế khi sử dụng, chuyển giao quyền sử dụng, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước thì Nghị định này cũng quy định cụ thể. Theo đó, thù lao cho tác giả được phân chia theo thỏa thuận giữa các bên nhưng tối thiểu là 30%; thù lao cho người môi giới (nếu có) cũng được phân chia theo thỏa thuận nhưng không quá 10%. Phần lợi nhuận còn lại sau khi phân chia cho tác giả và người môi giới (nếu có) được phân chia như sau: Trong trường hợp được giao quyền sở hữu thì 50% dành cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% dành cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức; Trường hợp được giao quyền sử dụng thì phải trả lại cho đại diện chủ sở hữu nhà nước theo thỏa thuận nhưng không quá 10%, phần còn lại được dành 50% cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức.

Những quy định trên là cơ sở pháp lý quan trọng để kết quả thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đánh giá khách quan, minh bạch hơn, ngăn chặn tình trạng lãng phí trong sử dụng tiền của ngân sách nhà nước để chi tiêu với danh nghĩa nghiên cứu khoa học!

Tiếp đến, ngày 14/2/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 14/2014/QĐ-TTg về hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ quyết định, các đề án cần lấy ý kiến tư vấn, phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam bao gồm: Các đề án về đường lối, chủ trương, chính sách quan trọng của Đảng; các chương trình, dự án lớn, công trình quan trọng quốc gia; chương trình, dự án lớn, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, chính sách xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức thuộc thẩm quyền quyết định, phê duyệt của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các chương trình, dự án lớn, chủ trương quan trọng của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đến khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo, xây dựng đội ngũ trí thức và đề án do các cơ quan của Đảng, Nhà nước ở Trung ương và tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đặt hàng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và các hội thành viên thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội... Nguồn kinh phí thực hiện hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các loại đề án nêu trên do ngân sách nhà nước bố trí hàng năm từ nguồn ngân sách sự nghiệp khoa học và công nghệ. Hàng năm, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam có trách nhiệm lập kế hoạch nội dung và dự toán kinh phí tư vấn, phản biện và giám định xã hội đối với các đề án nêu trên, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước để thực hiện.

Cụ thể hơn, ngày 18/2/2014, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Thông tư số 01/2014/TT-BKHCN hướng dẫn xác định phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/4/2014, trong đó, đáng chú ý là quy định về tiêu chí xác định phương tiện vận tải chuyên dùng cần thiết cho hoạt động dầu khí, như: Ngoài việc là phương tiện vận tải chuyên dùng được liệt kê trong danh mục máy móc, thiết bị của dự án đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, phương tiện vận tải chuyên dùng cần thiết cho hoạt động dầu khí còn phải có kết cấu đặc thù, có lắp đặt các thiết bị chuyên ngành phục vụ hoạt động tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí, kể cả các hoạt động phục vụ trực tiếp cho các hoạt động này. Trường hợp để vận chuyển sản phẩm dầu khí, phương tiện phải được lắp đặt bộ phận chứa và các thiết bị đặc biệt để vận chuyển an toàn các dạng sản phẩm dầu khí.

Bênh cạnh đó, Thông tư cũng quy định chi tiết các tiêu chí xác định phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định trong các dự án đầu tư và phương tiện vận tải trong dây chuyền công nghệ để tạo tài sản cố định của cơ sở đóng tàu, phải đáp ứng được các tiêu chí như: Có cấu tạo, tính năng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu của dây chuyền công nghệ phù hợp mục tiêu, quy mô công suất của dự án đầu tư; là phương tiện cần thiết, thực hiện một chức năng cụ thể nhằm bảo đảm yêu cầu hoạt động đồng bộ của dây chuyền công nghệ và được sử dụng để phục vụ dây chuyền công nghệ, không thực hiện chức năng vận tải khác... Trường hợp có di chuyển ra ngoài khu vực lắp đặt dây chuyền công nghệ thì chỉ di chuyển theo tuyến đường, không gian đã được xác định trước theo mục tiêu hoạt động của dự án đầu tư.

Hy vọng những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi) như trên sẽ được tiếp tục bổ sung trong thời gian tới để từng bước tháo gỡ khó khăn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, là động lực phát triển phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

 

Minh Anh

lên đầu trang