Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ bảy, 18/05/2024 | 21:43

Thứ bảy, 18/05/2024 | 21:43

Kết quả nhiệm vụ KHCN

Cập nhật lúc 20:16 ngày 11/04/2020

Nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống của tôm hùm (Panulirus Ornatus) giống giai đoạn ương nuôi

Trong số họ tôm hùm gai nhiệt đới trong vùng biển Ấn Độ Dương - Tây Thái Bình Dương, loài tôm hùm bông được nuôi tập trung nghiên cứu ở nhiều nước. Sở dĩ nghề nuôi tôm hùm lồng phát triển mạnh trong vài thập niên qua, bởi nhu cầu tiêu thụ lớn, giá cao, khả năng cung cấp giống từ tự nhiên cũng như khả năng thích nghi tốt trong điều kiện nuôi lồng của loài tôm hùm này.
Tôm hùm bông (Panulirus ornatus) là 1 trong 7 loài tôm hùm phân bố ở vùng biển Việt Nam, tập trung nhiều nhất ở các tỉnh ven biển miền Trung từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Với những ưu điểm nổi trội như: tăng trưởng nhanh, kích thước lớn, chất lượng thịt thơm ngon, giàu dinh dưỡng, có giá trị kinh tế cao so với các loài khác, tôm hùm bông được xem là đối tượng nuôi mang lại hiệu quả cao cho nuôi lồng.
Tôm hùm lồng bắt đầu được nuôi vào năm 1992 và phát triển mạnh vào năm 2000 ở các tỉnh Nam miền Trung, trong đó có: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Ninh Thuận. Sản phẩm tôm hùm lồng gia tăng đáng kể từ năm 2000 đến 2006, xấp xỉ 1.900 tấn vào năm 2006. Tuy nhiên, cuối 2006, bệnh sữa xuất hiện đã làm giảm đáng kể sản phẩm nuôi lồng, chỉ đạt 1.400 tấn vào năm 2007. Bằng nỗ lực trong phương pháp phòng và trị bệnh sữa, những năm sau đó sản lượng tôm hùm nuôi gia tăng trở lại và duy trì Việt Nam vẫn là quốc gia đứng đầu về sản lượng nuôi tôm hùm lồng: năm 2014 có khoảng 43.000 lồng nuôi và sản lượng đạt hơn 1.550 tấn, giá trị sản lượng khoảng 3.000 tỷ đồng. Nuôi tôm hùm lồng trở thành một nghề chính mang lại thu nhập, giải quyết việc làm cho đông đảo bà con ngư dân vùng ven biển.
Tuy nhiên cho đến nay, công đoạn ương nuôi tôm hùm giống còn nhiều bất cập trong việc sử dụng thức ăn, mật độ nuôi cũng như chế độ quản lý, chăm sóc. Tỷ lệ sống tôm ương chưa cao, không ổn định cũng như sự tiềm ẩn mầm bệnh trong tôm ương. Điều này làm thất thoát đi nguồn lợi tự nhiên, gây tổn thất về kinh tế cho người nuôi tôm một khi dịch bệnh xảy ra. Do đó, cần thiết phải nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống và kiểm soát môi trường, dịch bệnh của tôm ương đồng thời xây dựng quy trình, xây dựng mô hình ương nuôi để đảm bảo yêu cầu về chất lượng, số lượng con giống phục vụ cho nuôi tôm hùm lồng thương phẩm.
Xuất phát từ thực tế trên, ThS. Đinh Tấn Thiện, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III đã cùng với các đồng nghiệp thực hiện đề tài: “Nghiên cứu nâng cao tỷ lệ sống của tôm hùm (Panulirus ornatus) giống giai đoạn ương nuôi”.
Sau một thời gian thực hiện, đề tài của nhóm nghiên cứu đã thu được các kết quả đáng chú ý như sau:
1. Có ba biện pháp kỹ thuật để khai thác tôm hùm giống ngoài tự nhiên, mỗi biện pháp được sử dụng phụ thuộc vào đặc điểm địa hình mà con giống phân bố. Nơi tương đối sóng gió, độ sâu khoảng 10-15 m khai thác chính là sử dụng lưới kéo. Nơi ít sóng gió, độ sâu chỉ khoảng 1-2 m hình thức khai thác chủ yếu là bằng bẫy. Ở các vùng rạn nông gần bờ, độ sâu chỉ khoảng 0,5-3 m thường khai thác bằng lặn bắt. Khai thác bằng lưới là hình thức khai thác mang lại hiệu quả nhất. Độ dài lưới dao động khoảng 100– 150 m, độ cao 4–6 m. Sử dụng ánh sáng đèn neon có cường độ 1.000–2.000 W để kích thích tôm hùm giống tập trung vào.
2. Tôm hùm giống sau khai thác được lưu giữ trong 24-72 giờ cho tỷ lệ sống cao trong lưu giữ, trên 95 % mặc dù không thay nước trong suốt quá trình lưu giữ.
3. Có ba yếu tố ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ sống ương tôm hùm giống ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, đó là chất lượng tôm hùm giống ban đầu cho ương nuôi, thức ăn sử dụng trong ương nuôi và mật độ ương nuôi.
4. Bằng việc thay nước mới hoàn toàn cứ sau 24 giờ lưu giữ đã đảm bảo được chất lượng tôm hùm giống sau khai thác, tỷ lệ sống của tôm hùm giống rất cao sau 30 ngày ương nuôi: từ 70,33 % lên 95,67 %.
5. Mật độ thích hợp cho ương nuôi tôm hùm giống là 60 con/m3 lồng nuôi.
6. Thức ăn thích hợp trong ương nuôi tôm hùm giống đó là: hai tháng đầu cho ăn 100% giáp xác, những tháng ương nuôi sau đó tiếp tục cho ăn 70 % giáp xác + 10 % cá biển + 10 % thân mềm + 10 % ốc bươu vàng.
7. Quy trình công nghệ ương nuôi tôm hùm giống bằng lồng ngoài biển từ tôm trắng (0,25-0,3 g/con) lên giống (15-20 g/con) đạt tỷ lệ sống trên 85% và sạch một số bệnh thường gặp đã được xây dựng trên ba giải pháp nâng cao tỷ lệ sống trong ương nuôi tôm hùm giống: chất lượng giống, mật độ và thức ăn ương nuôi. Cùng với chất lượng Kết luận và đề nghị 62 giống ban đầu, thức ăn cho ương nuôi như Quy trình công nghệ ương nuôi tôm hùm lồng ngoài biển và mật độ ương nuôi 15 con/m3 bể nuôi, Quy trình công nghệ ương nuôi tôm hùm giống trong bể có mái che từ tôm trắng (0,25-0,3 g/con) lên giống (15- 20 g/con) đạt tỷ lệ sống trên 85% và sạch một số bệnh thường gặp đã được xây dựng. Song, tỷ lệ sống và tăng trưởng của tôm ương thấp hơn so với Quy trình công nghệ ương nuôi tôm hùm giống bằng lồng ngoài biển nhưng lại đảm bảo an toàn môi trường và an toàn trong mùa mưa bão hơn.
8. Mô hình ương nuôi tôm hùm giống bằng lồng ngoài biển từ giai đoạn tôm trắng lên giống và Mô hình ương nuôi tôm hùm giống trong bể có mái che từ giai đoạn tôm trắng lên giống đã được xây dựng. Sản phẩm mô hình đạt được có tỷ lệ sống >85 %, 5.159 tôm hùm giống được tạo ra có khối lượng 17,6-20,9 g/con sau 90 ngày nuôi. So với sản phẩm cùng loại trên thị trường hiện đang được ngư dân áp dụng, mô hình ương nuôi tôm hùm giống bằng lồng ngoài biển từ giai đoạn tôm trắng lên giống của đề tài mang về lợi nhuận cao hơn: 17,4 % (đề tài) so với 3,7 % (Khánh Hòa) và 9,9 % (Phú Yên); đồng thời cho tỷ lệ sống cao, tăng trưởng tốt và không xuất hiện các loại bệnh thường gặp khi tiếp tục được nuôi thương phẩm trong 90 ngày.
9. Các yếu tố môi trường trong ương nuôi: nhiệt độ, độ mặn, pH, DO, COD, BOD5, H2S, NH3 và NO2 đều phù hợp cho sự sinh trưởng và phát triển của tôm hùm giống (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển - QCVN 10-MT: 2015/BTNMT). Trong quá trình lưu giữ tôm hùm giống sau khai thác, phương pháp truyền thống thì oxy giảm dần theo thời gian lưu giữ, trong khi đó NH3 xuất hiện sau 24 giờ lưu giữ và tăng gấp 2,7 lần mức cho phép trong sản xuất giống thủy sản (<0,1 mg/lít) sau 72 giờ lưu giữ. Cứ sau 24 giờ lưu giữ được thay nước mới hoàn toàn thì các yếu tố môi trường lưu giữ đều nằm trong giới hạn cho phép, đảm bảo được chất lượng tôm hùm giống lưu giữ, vì vậy cho tỷ lệ sống cao trong ương nuôi (Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước biển - QCVN 10-MT: 2015/BTNMT).
Nguồn Congnghesinhhocvietnam.com.vn

lên đầu trang