Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Chủ nhật, 19/05/2024 | 18:03

Chủ nhật, 19/05/2024 | 18:03

Tin KHCN

Cập nhật lúc 10:57 ngày 28/04/2020

Ứng phó đại dịch Covid – 19: Thành quả nghiên cứu ấn tượng

“Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc nguy cơ lây nhiễm” (eScreening) do nhóm sáng kiến của Viện Ứng dụng công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nghiên cứu, giúp tầm soát, sàng lọc người triệu chứng lâm sàng, có yếu tố dịch tễ liên quan đến trường hợp nghi nhiễm virus SARS - CoV -2.      
Với tính năng đa ngôn ngữ (6 ngôn ngữ), đo thân nhiệt, lưu trữ dữ liệu của người nhập liệu, truy xuất lịch sử đi lại và thông tin người nghi nhiễm hoặc nhiễm rất nhanh chóng; giúp nhân viên y tế đưa ra hướng dẫn nhanh, chính xác, giảm tiếp xúc trực tiếp cũng như nguy cơ lây nhiễm… giải pháp sàng lọc không tiếp xúc đã được Viện Ứng dụng công nghệ bàn giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) đưa vào sử dụng mới đây.
Bàn giao “Giải pháp sàng lọc không tiếp xúc nguy cơ lây nhiễm” cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2
PGS. TS Mai Anh Tuấn - Trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, giải pháp này trước hết phục vụ công tác chống dịch bệnh đường hô hấp do virus SARS - CoV -2 gây ra, và có thể ứng dụng sàng lọc trong việc khám chữa bệnh trong tương lai. Viện Ứng dụng công nghệ và nhóm nghiên cứu sẵn sàng lắp đặt vận hành cho các đơn vị có nhu cầu.
Cấu tạo của giải pháp gồm 2 phần: Phần mềm được viết trên các hệ điều hành thông dụng, cho phép chạy trên máy tính hoặc trên nền web; phần cứng bao gồm 1 máy tính, 2 màn hình (1 cho nhân viên y tế, 1 cho người khai báo) và cảm biến nhiệt. Khi tổ chức phân luồng, người khai báo nhập thông tin cá nhân, lịch sử đi lại trong vòng 14 ngày và các triệu chứng như ho, sốt... từ màn hình chạm phía ngoài, cảm biến nhiệt sẽ đo thân nhiệt của người khai báo. Nhân viên y tế có thể theo dõi việc nhập thông tin, in kết quả, lưu số liệu trên một màn hình khác, không tiếp xúc với người khai báo.
Là người trực tiếp sử dụng giải pháp này, điều dưỡng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 Vũ Thị Minh Tuyến cho biết, nếu như trước đây nhân viên y tế phải đứng bên cạnh hướng dẫn bệnh nhân khai báo thì với hệ thống này chúng tôi hoàn toàn đứng trong phòng có vách ngăn mà vẫn hướng dẫn được bệnh nhân, và có thể kiểm tra được bệnh nhân khai đúng, sai hay có thiếu sót không… Vì thế ngoài việc giảm tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, giải pháp còn giảm nguy cơ tiếp xúc với các giấy tờ khi bệnh nhân khai báo.
Giải pháp này cũng giúp cho việc lưu trữ dữ liệu của bệnh viện trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều, ví dụ: Sau một ngày có thể biết được bao nhiêu bệnh nhân đến khám, trong đó có bao nhiêu bệnh nhân là người nước ngoài và bao nhiêu bệnh nhân trong nước. Giải pháp cũng giúp cho bệnh nhân giảm thời gian chờ đợi và chi phí…
Trước đó, Viện Ứng dụng công nghệ cũng đã hoàn thành trong vòng hơn 2 tuần để nghiên cứu tạo ra các robot có thể hoạt động ở khu vực cách ly các bệnh nhân mắc Covid -19, để thay thế, hỗ trợ nhân viên y tế công việc lau sàn nhà dùng chất khử khuẩn. Robot này đã được thử nghiệm tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, Hà Nội. Trong thời gian tới, Viện sẽ phối hợp với các đơn vị sản xuất chuyển giao công nghệ, lên phương án sản xuất robot đáp ứng kịp thời cho các bệnh viện, khu vực cách ly khi có yêu cầu…
Không chỉ có nguồn nhân lực, Viện Ứng dụng công nghệ đang được đầu tư về cơ sở vật chất để có đủ điều kiện bứt phá, tạo ra nhiều công nghệ mới đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Thế mạnh của Viện được xây dựng trên 3 lĩnh vực quan trọng: Công nghệ thông tin - vi điện tử, công nghệ laser và công nghệ sinh học.
Trong hoạt động của ngành y tế, việc ứng dụng các giải pháp công nghệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trước tác động của dịch bệnh Covid-19. Theo đó, việc các đơn vị nghiên cứu trong nước nỗ lực tạo ra giải pháp công nghệ mới là thành quả đáng ghi nhận.
Theo Báo Công Thương
lên đầu trang