Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 21/05/2024 | 05:39

Thứ ba, 21/05/2024 | 05:39

Tin KHCN

Cập nhật lúc 15:01 ngày 08/07/2014

Sản xuất sạch hơn - Biện pháp tất yếu để phát triển bền vững

Sản xuất sạch hơn (SXSH) là khái niệm đã khá quen thuộc với đa số các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh ta, điều đáng mừng hơn là đã có ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận thức đầy đủ và áp dụng vào thực tiễn sản xuất, thu được hiệu quả rõ rệt. 

Thái Nguyên là 1 trong 5 tỉnh mục tiêu được hỗ trợ về tư vấn và tài chính của Hợp phần SXSH (do Bộ Công thương chủ trì, có sự tài trợ của Đan Mạch). Đây có thể coi là một lợi thế của tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện SXSH.

Hiệu quả có thể “đong đếm”
Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên (Trụ sở tại phường Tân Long, T.P Thái Nguyên) cách đây vài năm từng nằm trong danh sách “đen” về các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hoạt động sản xuất vàng mã xuất khẩu, mỗi ngày Công ty thải ra môi trường khoảng 200m3 nước thải sau quá trình xử lý bột nguyên liệu, chảy thẳng ra suối Phượng Hoàng rồi đổ ra sông Cầu, gây ô nhiễm nghiêm trọng tại khu vực, bị người dân phản đối gay gắt và cơ quan chức năng đình chỉ, xử phạt nhiều lần. Ông Trần Đức Quyết, Giám đốc Công ty cho biết: Đó là thời điểm trước năm 2007, trong tình thế đó để có thể tồn tại và phát triển, chúng tôi buộc phải tìm các giải pháp. Đang trong giai đoạn “loay hoay” thì may mắn cho Công ty khi được tiếp cận Chương trình SXSH.
 


Áp dụng các giải pháp SXSH một cách hiệu quả được coi như “cứu cánh” cho sự tồn tại, phát triển bền vững của Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên.

Được sự tư vấn của các chuyên gia Hợp phần SXSH, Công ty đã áp dụng một loạt giải pháp, chủ yếu thuộc nhóm quản lý nội vi, cải tiến thiết bị và thay thế nguyên liệu. Như tái sử dụng dịch ngâm dầu, thu hồi bột thải và tuần hoàn nước, che chắn khu vực xử lý nguyên liệu, cải tiến các bể ngâm ủ, nâng cao ý thức công nhân trong khâu ngâm ủ, thay hệ thống bơm dầu mới… (tổng chi phí khoảng 1,6 tỷ đồng, được Hợp phần hỗ trợ 50%). Công ty còn thành lập Đội SXSH gồm 21 người nhằm tuyên truyền, giám sát và thực hiện các giải pháp. Kết quả, hằng năm Công ty giảm được gần 40.000m3nước thải (lượng nước xử lý nguyên liệu giấy được sử dụng tuần hoàn); thu hồi tái sử dụng 152 tấn bột giấy và 27,5 tấn sút (NaOH). Không những giảm thiểu các tác động đến môi trường (đảm bảo quy định) mà giá trị kinh tế cũng rất đáng kể khi thu về lợi ích trên 1,3 tỷ đồng mỗi năm. 
 
Từ một đơn vị có nguy cơ phải đóng cửa vì gây ô nhiễm môi trường, Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên đã tiếp tục phát triển một cách bền vững, được UBND tỉnh khen vì chấp hành tốt quy định về môi trường. Từ năm 2008 đến nay, Công ty phát triển ổn định, đạt tăng trưởng doanh thu trung bình gần 10%/năm (năm 2013 đạt 25 tỷ đồng), giải quyết việc làm thường xuyên cho 150 lao động. Ông Trần Đức Quyết cho biết thêm: Càng áp dụng, chúng tôi càng nhận thấy hiệu quả rõ rệt khi SXSH, có nhiều giải pháp gần như không tốn chi phí, chỉ cần điều chỉnh chút ít trong quá trình điều hành sản xuất. Giờ đây, đội ngũ công nhân của chúng tôi đều có nhận thức tốt và tự giác chấp hành các giải pháp SXSH, bởi chính họ cũng có lợi ích trong đó (về kinh tế và sức khỏe), các bạn hàng tin tưởng và hợp đồng ổn định với Công ty.
                                 
Sức lan tỏa mạnh mẽ
 
Ngoài Công ty CP Giấy xuất khẩu Thái Nguyên có thể kể thêm các trường hợp điển hình khác trong việc áp dụng hiệu quả các giải pháp SXSH, như: Nhà máy xi măng Lưu Xá, Xí nghiệp luyện kim mầu II (Công ty Kim loại màu Thái Nguyên), Công ty CP Cơ điện luyện kim Thái Nguyên… Đây là những cơ sở sản xuất nhận được sự tư vấn và hỗ trợ về tài chính từ Hợp phần SXSH, là những mô hình điển hình và vẫn đang duy trì tốt. Theo thống kê của Sở Công thương thì từ năm 2008 (khi bắt đầu triển khai các mô hình) đến nay đã có gần 700 lượt đại diện doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước đến tham quan, học tập kinh nghiệm của các cơ sở này.
 
Hiệu quả rõ rệt của các mô hình là động lực rất quan trọng để ngày càng có nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh áp dụng SXSH vào quá trình sản xuất của họ. Bằng cách chủ động rà soát công nghệ, quy trình sản xuất, áp dụng các giải pháp đơn giản, tiết kiệm đầu vào, cải thiện điều kiện làm việc, các đơn vị như: Công ty CP Cơ khí Phổ Yên, Công ty Cơ khí Tân Lập, Công ty Đi-ê-zen Sông Công, Công ty Phụ tùng máy số I đã đạt được kết quả cao trong sản xuất… Ở thời điểm năm 2011, trên địa bàn tỉnh có 42 cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng các giải pháp SXSH thì đến nay đã có khoảng 50% cơ sở áp dụng. Các đơn vị này được tư vấn đánh giá hiệu quả SXSH theo các tiêu chí cụ thể, như giảm phát thải, nguyên nhiên liệu đầu vào. Theo ông Trần Ngọc Quang, chuyên viên tư vấn SXSH của Sở Công thương thì các chủ doanh nghiệp ngày càng quan tâm tìm hiểu và muốn triển khai SXSH, họ gọi điện hỏi hoặc đề nghị chuyên gia đến tận nơi tư vấn.
 
Nhằm phổ biến, tiếp tục thúc đẩy SXSH trên địa bàn, từ năm 2009 UBND tỉnh đã xây dựng 2 kế hoạch hành động cho từng giai đoạn, đồng thời ban hành Chỉ thị thực hiện SXSH. Sở Công thương và các cơ quan liên quan cũng tích cực vào cuộc tuyên truyền, phổ biến, tư vấn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất (từ năm 2009 đến nay đã có 5 hội thảo, 9 khóa tập huấn, 1 cuộc thi về SXSH). Nhờ đó, so với mặt bằng chung cả nước, Thái Nguyên đều vượt các chỉ tiêu thực hiện Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020 của Chính phủ (như tỷ lệ doanh nghiệp nhận thức được lợi ích và áp dụng SXSH, tỷ lệ doanh nghiệp có bộ phận chuyên trách về SXSH).
 
Theo đánh giá của các chuyên gia, mọi cơ sở sản xuất không phân biệt lớn nhỏ, ngành nghề đều có thể áp dụng SXSH nhằm giảm chi phí đầu vào, giảm phát thải ô nhiễm và tăng hiệu quả sản xuất. SXSH là hướng đi tất yếu nếu doanh nghiệp muốn phát triển bền vững. Đương nhiên đối với Thái Nguyên, một trung tâm công nghiệp thì việc thúc đẩy SXSH lại càng cần thiết và cấp bách. Điều đó đòi hỏi các cơ quan chức năng và đặc biệt là doanh nghiệp cần tích cực, chủ động hơn nữa vì chính tương lai của mình.

Theo baothainguyen.org.vn
lên đầu trang