Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ năm, 02/05/2024 | 11:31

Thứ năm, 02/05/2024 | 11:31

Hoạt động của tổ chức KHCN

Cập nhật lúc 07:26 ngày 08/06/2020

Điện lực Bình Định: Giảm thiểu chi phí SXKD nhờ áp dụng khoa học- công nghệ

Trong giai đoạn thực hiện kế hoạch 5 năm (2015-2019), PC Bình Định đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
Công tác sửa chữa điện hotline góp phần giảm thời gian mất điện của khách hàng. 
Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và đáp ứng nhu cầu dùng điện ngày càng cao của khách hàng, nhưng đồng thời tiết giảm được chi phí cho sản xuất kinh doanh và kết quả là liên tục trong nhiều năm liền. Từ 2015 đến 2019 đã được EVNCPC ghi nhận và đánh giá cao trong công tác quản lý tài chính và tiết kiệm chi phí.
 
Với mục tiêu không ngừng nâng cao hiệu quả trong sản xuất kinh doanh, PC Bình Định đã triển khai áp dụng các ứng dụng khoa học công nghệ như: Ghi chỉ số công tơ bằng công nghệ RF- Spider; sửa chữa điện Hotline trên đường dây đang mang điện; vận hành Trung tâm điều khiển SCADA để điều khiển xa các trạm biến áp 110kV không người trực, các thiết bị đóng cắt trên lưới điện; thu tiền điện qua ngân hàng, thanh toán tự động không dùng tiền mặt, thanh toán qua các tổ chức thanh toán trung gian, triển khai áp dụng hóa đơn điện tử, số hóa điện tử hợp đồng mua bán điện, đa dạng các dịch vụ chăm sóc khách hàng qua App, Web, tổng đài CSKH 19001909,…  nhờ đó đã đảm bảo cung cấp điện an toàn, tin cậy, ổn định, đồng thời mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng sử dụng điện.
 
Đến nay, PC Bình Định đang quản lý vận hành trực tiếp 15 TBA nguồn 110/22kV, quản lý gần 440.000 khách hàng sử dụng điện; với hơn 433km đường dây 110kV, 2.394km đường dây trung áp; 3.657km đường dây hạ áp; cấp điện qua 2.310 TBA phân phối với tổng dung lượng trên 800.000 kVA, với sản lượng điện thương phẩm năm 2019 đạt 2.049 triệu kWh, tổn thất điện năng đạt 4,33% (kể cả lưới 110kV); tất cả các khâu quản lý, vận hành, kinh doanh bán điện đều đã được Công ty áp dụng khoa học công nghệ vào trong công tác sản xuất kinh doanh.
 
Nói tới ứng dụng khoa học công nghệ thì dễ nhận biết nhất là trong công tác quản lý điều hành. Trước hết, hạ tầng công nghệ thông tin của đơn vị đã được tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; cùng với đó, các ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh cũng được ngành Điện đầu tư một cách mạnh mẽ. Công ty đã triển khai áp dụng sâu rộng hệ thống quản lý kỹ thuật và vận hành lưới điện đến tất cả đơn vị trực thuộc, tăng cường trang bị các thiết bị hiện đại cho công tác quản lý vận hành, sửa chữa lưới điện Hotline, Trung tâm điều khiển SCADA để điều khiển xa các trạm biến áp 110 kV không người trực, cũng như các thiết bị đóng cắt trên lưới điện; hệ thống DMS để tính toán tối ưu trong vận hành hệ thống lưới điện Bình Định cũng được khai thác một cách triệt để.
Những hoạt động này đã giúp Công ty giảm thời gian mất điện của khách hàng do bảo dưỡng, sửa chữa lưới điện theo lộ trình mà EVNCPC giao; chỉ số về thời gian mất điện trung bình của lưới điện phân phối SAIDI (System Average Interruption Duration Index) năm 2019 còn 270 phút (kế hoạch giao 374 phút), thấp hơn 305,72 phút so với thực hiện năm 2018 là 575,72 phút. 
 
Việc ứng dụng tự động hóa cũng đã mang lại hiệu quả lớn cho PC Bình Định, hệ thống giám sát, lưu trữ và điều khiển (hệ thống SCADA) trong hệ thống điện đã được thực hiện trong các năm qua đã kết nối được 130 Recloser và 133 LBS vào hệ thống SCADA, qua đó mang lại hiệu quả lớn trong công tác quản lý vận hành, tiết giảm chi phí nhân công, cũng như thời gian thao tác làm mất điện cho khách hàng.
Ngoài ra với các chức năng DMS được đưa vào vân hành năm 2019 đã mang lại hiệu quả cao trong công tác điều độ hệ thống điện, giúp vận hành hệ thống điện theo thời gian thực để tăng cường độ an toàn, tin cậy, ổn định, đồng thời góp phần điều hành hệ thống điện một cách tối ưu và hiệu quả; tự động hóa việc điều chỉnh điện áp, tần số của hệ thống điện bảo đảm chất lượng điện năng; giảm thiểu lượng điện năng không cung cấp được cho khách hàng tạo thêm doanh thu cho đơn vị.
 
Trong công tác đầu tư và nâng cấp cải tạo lưới điện phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, cũng như đầu tư lưới điện N-1 tạo mạch vòng để giảm thiểu thời gian mất điện cũng được đơn vị sử dụng các phần mềm để tính toán tối ưu để lựa chọn đưa vào kế hoạch thực hiện. Tất cả các đơn vị trong Công ty đã sử dụng văn phòng điện tử (E-Office) trong trao đổi thông tin,  giải quyết công việc. Đơn vị cũng đã triển khai ký số các văn bản điện tử với kết quả đạt 100% văn bản trong toàn Công ty và toàn bộ văn bản được vận hành qua hình thức điện tử. Ngoài ra việc ứng dụng các phần mềm quản lý vận hành hệ thống lưới điện PMIS, hệ thống quản lý thông tin tài chính FMIS/MMIS, quản lý hệ thống thông tin khách hàng sử dụng điện CMIS, phần mềm quản lý đầu tư, hệ thống ERP cũng đã được triển khai sử dụng một cách đồng bộ đã giúp đơn vị tiết kiệm nhân lực, tiết giảm chi phí trong quá trình hoạt động.
 
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực kinh doanh cũng đã giúp Công ty giảm bớt nhân lực, nhất là lực lượng ghi chỉ số và thu ngân tại gia đình khách hàng, giảm chi phí quản lý, góp phần nâng cao năng suất lao động và thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. PC Bình Định đang quản lý gần 440 ngàn khách hàng dùng điện, hiện nay Công ty đã lắp được gần 400 ngàn công tơ điện tử chiếm tỷ lệ gần 90% công tơ hiện có của đơn vị. Toàn bộ công tơ điện tử đều được ứng dụng công nghệ đo xa RF-Spider, phần mềm MDMS  đã mang lại cho Công ty nhiều lợi ích trong công tác sản xuất kinh doanh như tự động thu thập dữ liệu, giám sát việc sử dụng điện khách hàng từ xa. Với việc ứng dụng công nghệ đo xa RF-Sppider, MDMS cho phép ghi chỉ số từ xa, tự động với độ chính xác cao, rút ngắn thời gian phát hành hóa đơn tiền điện của khách hàng.
Ngoài việc phản ánh chính xác lượng điện năng tiêu thụ của khách hàng theo nhiều biểu giá, hệ thống đo xa RF-Spider, MDMS còn giúp đơn vị trong việc giám sát chống gian lận trong sử dụng điện, cảnh báo đấu ngược cực tính cũng như các sai sót khác và đặc biệt là với việc đọc được chỉ số công tơ điện tử từ xa, giúp nhân viên ghi chỉ số điện thực hiện công việc với khối lượng lớn trong khoảng thời gian ngắn. Nhân viên ghi chỉ số không phải leo trèo, hạn chế tai nạn, hạn chế được những sai sót phát sinh trong quá trình ghi và nhập số liệu theo phương pháp thủ công, tăng năng suất lao động.
 
Việc phát hành hóa đơn điện tử thay cho hóa đơn giấy không những đã thay đổi mạnh mẽ nghiệp vụ kinh doanh bán điện, mà còn góp phần tạo tiền đề cho các phương thức thanh toán điện tử và giao dịch điện tử trên nền tảng của Internet. Có thể khẳng định, công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng của Công ty đã thực hiện tốt theo các yêu cầu, quy định của EVNCPC về quy trình cấp điện, qua từng năm đã nâng cao chỉ số chỉ số tiếp cận điện năng. Công ty thực hiện chế độ giao dịch một cửa cho mọi giao dịch khách hàng, và đang thực hiện qua các trung tâm hành chính công tại địa phương một cách hiệu quả (tiếp nhận hồ sơ, trả lời khách hàng, nghiệm thu, ký hợp đồng mua bán điện). Công tác giao tiếp khách hàng qua Tổng đài CSKH19001909 đã tiếp nhận mọi ý kiến của khách hàng và giám sát từng đơn vị điện lực trong suốt quá trình thực hiện cung cấp dịch vụ điện cho khách hàng. Từ đó, Trung tâm đánh giá được sự hài lòng của khách hàng của từng đơn vị, những vấn đề mà khách hàng còn quan tâm để các đơn vị có giải pháp phù hợp nhằm thực hiện tốt hơn. Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung không chỉ tiếp nhận yêu cầu, tư vấn qua kênh tổng đài điện thoại, mà còn đa dạng phương thức phục vụ khách hàng qua website, email, webchat, App chăm sóc khách hàng trên thiết bị di động,…
Trên địa bàn tỉnh Bình Định bình quân 1 tháng có khoảng trên 5.000 lượt khách hàng liên lạc Trung tâm CSKH 19001909 để giải quyết các nhu cầu về điện. Đặc biệt các ứng dụng công nghệ có thể kết nối với khách hàng qua thiết bị di động trên Zalo, APP CSKH,… nhằm tạo điều kiện để khách hàng sử dụng nhận được nhiều thông tin tiện ích như: thông tin chỉ số công tơ, thông báo tiền điện, thông tin thanh toán tiền điện, kế hoạch ngừng giảm cung cấp điện,… đã giúp khách hàng nhanh chóng nhận được thông tin nhưng không phải trả chi phí và ngành Điện cũng giảm được chi phí về in tài liệu cũng như nhân lực.
 
Ngoài ra, để đẩy mạnh thanh toán tiền điện qua ngân hàng, Công ty cũng đã hợp tác với 15 ngân hàng và 6 tổ chức trung gian thu hộ tiền điện trên địa bàn tỉnh, theo đó Công ty cũng đa dạng các hình thức thu tiền điện như: Thanh toán tiền điện qua thẻ ATM, nộp tiền mặt tại quầy giao dịch gần nhất, chuyển khoản, ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động; hoặc dịch vụ ngân hàng điện tử tùy thuộc vào dịch vụ mà ngân hàng mở tài khoản; qua đó giúp khách hàng thanh toán tiền điện nhanh và an toàn nhất. Tỉ lệ thu qua ngân hàng và các tổ chức thanh toán trung gian hiện nay của Công ty đạt 60,52% số hóa đơn phát hành, và tỷ lệ hóa đơn không dùng tiền mặt là 45,92%; trong thời gian tới PC Bình Định sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền thanh toán tiền điện bằng hình thức trực tuyến nhằm thay đổi thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân để nâng cao tỷ lệ này theo lộ trình của Chính phủ.
 
Triển khai thực hiện chủ đề năm 2020 của EVN là “Tập trung hoàn thành toàn diện kế hoạch 2016-2020” trong bối cảnh nhu cầu phụ tải điện tăng cao, việc cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, hệ thống điện không có công suất dự phòng; ngoài ra EVN đang triển khai phương án giảm giá điện để hỗ trợ cho khách hàng vì đại dịch Covid-19, nên công tác tiết kiệm chi phí trong sản xuất kinh doanh hơn lúc nào hết được đặt lên hàng đầu cho các đơn vị trực thuộc; Với truyền thống nhiều năm liên tục thực hiện tốt công tác quản lý tài chính, tiết kiệm chi phí, và bằng trách nhiệm của mình, tập thể lãnh đạo, CBNV PC Bình Định cam kết sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh và dịch vụ khách hàng nhằm thực hiện vượt chỉ tiêu tiết giảm chi phí phấn đấu 15% so với chi phí định mức mà EVNCPC đã giao cho đơn vị trong năm 2020.
Theo: CPC
lên đầu trang