Khoa học công nghệ ngành Công Thương

Thứ ba, 07/05/2024 | 04:49

Thứ ba, 07/05/2024 | 04:49

Tin KHCN

Cập nhật lúc 18:16 ngày 14/07/2013

Để nông nghiệp công nghệ cao phát triển bền vững

 

Sản xuất cà chua giống bằng công nghệ ghép chồi
Sản xuất cà chua giống bằng công nghệ ghép chồi


Hiện tại Lâm Đồng đã có 26.951 ha canh tác ứng dụng công nghệ cao - chiếm khoảng 8,1% tổng diện tích gieo trồng hàng năm của tỉnh. Trong diện tích ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao này, có 2.714 ha nhà kính, 1.180 ha nhà lưới, 5.585 ha màng phủ, 6.500 ha tưới tự động ngoài trời (để sản xuất rau, hoa, dâu tây), trên 4.258 ha chè chất lượng - năng suất cao và 10.612 ha cà phê ghép. So sánh với đầu năm 2012 thì tới nay, diện tích cây trồng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao năm nay của tỉnh đã tăng trên 2,5 lần (6 tháng đầu năm 2012 toàn tỉnh có 10.907 ha canh tác ứng dụng công nghệ cao gồm 1.696 ha nhà kính, 604 ha nhà lưới, 3.318 ha màng phủ, 5.289 ha tưới tự động, 611 ha chè chất lượng cao…) đã cho thấy hiệu quả kinh tế của việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp đã thực sự thu hút được sự quan tâm của nhà nông, và là động lực quan trọng để nông nghiệp địa phương phát triển bền vững.

Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/5/2011 của Tỉnh ủy về “Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015” sẽ tiếp tục được Sở NN-PTNT và các địa phương trong tỉnh tiếp tục quan tâm. Theo quan điểm của Sở NN-PTNT tỉnh, trong giai đoạn hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao - bền vững là mục tiêu, mục đích của sản xuất nông nghiệp địa phương trong tiến trình hòa nhập với sự phát triển kinh tế trong nước và thế giới. Vì thế, mỗi vùng sản xuất và trên từng loại cây trồng cụ thể, trước hết cần có chiến lược, quy hoạch phù hợp trên cơ sở phát huy lợi thế của địa phương, để cuối cùng phải đạt đến sự gia tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích và phải đạt được sự ổn định - bền vững. Lợi thế của địa phương là rau, hoa, chè và cà phê; nhưng rau, hoa hiện theo Sở NN-PTNT thì “vẫn chưa đạt đến giá trị tối hảo như mong muốn do việc tổ chức và định hướng sản xuất theo hướng Gap còn nhiều khó khăn… mặc dù trong định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Lâm Đồng thì rau, hoa là mũi nhọn đột phá quan trọng nhất tiến tới việc nâng cao giá trị và xây dựng những thương hiệu đích thực rau, hoa Đà Lạt trên thị trường khu vực”; và cây chè cũng như cây cà phê “cũng cần được sản xuất theo hướng GAP, tiến tới canh tác theo hướng hữu cơ ở các vùng có thể áp dụng được tiêu chí này”. Vì vậy, giải pháp chung để tiếp tục phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được xác định là: Trong trồng trọt, hướng tới việc củng cố các vùng sản xuất tập trung các loại cây trồng có lợi thế so sánh gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; tập trung thâm canh để tăng năng suất, nâng cao sản lượng, tăng giá trị thu nhập; tiếp tục thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, bền vững… Còn với chăn nuôi - thủy sản, tiếp tục hướng dẫn các địa phương chủ động quy hoạch vùng khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi sử dụng thức ăn công nghiệp, chuồng trại có hệ thống làm mát, hệ thống xử lý chất thải… Trong 5 giải pháp cụ thể mà Sở NN-PTNT tỉnh đưa ra để triển khai giải pháp chung này gồm quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu, khoa học - công nghệ, đầu tư và tín dụng, tiêu thụ và xúc tiến thương mại thì các giải pháp về khoa học - công nghệ - chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nhà nông và về tiêu thụ - xúc tiến thương mại được đặc biệt chú trọng để qua đó phát triển giống mới, kỹ thuật mới, thâm canh, tăng vụ, đầu tư thiết bị, công nghệ, tăng tỷ lệ sản phẩm chế biến phục vụ xuất khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, đăng ký và bảo vệ thương hiệu hàng hóa…  

Những giải pháp này sẽ được đồng bộ triển khai và sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao của tỉnh sẽ tiếp tục phát triển bền vững nhằm bảo đảm mục tiêu tăng nhanh nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản…

Xuân Đức

lên đầu trang